Bình Dương với các công trình tôn giáo nổi tiếng mang giá trị văn hóa, lịch sử

Bình Dương không chỉ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là một điểm đến du lịch vô cùng hấp dẫn du khách với các công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng mang giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh sâu sắc.

Chùa Châu Thới

Tọa lạc trên núi Châu Thới, thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương,với độ cao cách mặt nước biển 82m, Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia chùa Châu Thới là một quần thể bao gồm chánh điện, các điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, có tượng Phật Bà Quan Âm cao 25m, có Đại Hồng Chung nặng 5 tấn và có 9 con rồng ngoảnh về muôn hướng như ban phước cho muôn dân bá tánh…

Nét nổi bật nhất trong trang trí kiến trúc của chùa đó là gắn kết nhiều mảnh gốm sứ màu sắc khác nhau tạo thành hình con rồng dài hơn 1m đặt ở đầu đao của mái chùa. Điểm nhấn của chùa chính là tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên đài hoa sen, trên tay cầm dương liễu vẩy nước cam lồ trong bình thanh tịnh. Chùa Châu Thới chính là nơi hội tụ linh khí của đất trời. Vào những ngày mùng 1, rằm hay lễ tết rất đông du khách khắp nơi về đây để chiêm bái, cầu an. Dạo bước dưới những tán lá xanh, ngắm nhìn mặt hồ yên ả, chắp tay dưới tượng Phật Bà Quan Âm và thả hồn vào những tiếng chuông chùa vô định…, mọi phiền muộn như chợt tan biến.

Chùa Hội Khánh

Chùa Hội Khánh được xây dựng vào năm 1741, là một công trình tôn giáo mang tính chất lịch sử và mỹ thuật cao, được tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ công nhận có tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á (cao 12m, dài 52m và nằm cách mặt đất 24m). Là một trong những ngôi chùa có công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tại Bình Dương, ngày 7/1/1993 chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Chùa không chỉ thu hút đông đảo phật tử, du khách đến tham quan, thờ cúng mà còn là nơi tu học Phật giáo trong vùng.

Với giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, chùa Hội Khánh là nơi lưu giữ những di tích, cổ vật được bảo tồn hàng mấy trăm năm. Đây còn là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ ở Bình Dương.

Chùa Thái Sơn – Núi Cậu

Du khách sẽ bắt gặp chùa Thái Sơn ở lưng chừng chân núi Cậu với độ cao khoảng 50m. Chùa được xây dựng vào năm 1988 bởi hòa thượng Thích Đạt Phẩm hay còn được người dân kính trọng gọi là Thầy Sáu. Tổng diện tích khuôn viên của chùa là 5ha bao gồm các công trình như: cổng tam quan lợp ngói xanh giả cổ, Cửu Trùng Đài Tháp 9 tầng cao 36m, tượng Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát cao 12m cùng với chánh điện điện ngọc được xây dựng theo phong cách cổ lầu phương Đông.

Ở phía sau của chánh điện có một con đường dẫn lên núi. Đi lên đỉnh núi là một am miếu nhỏ gồm hai tầng. Tại đây thờ tượng Cậu Bảy mặc áo nhà võ, thủ tấn, đi quyền rất oai phong và lẫm liệt.

Trên đỉnh núi có nhà mát, bên cạnh là cây sung cổ thụ đã có 300 năm tuổi đời. Du khách nếu mệt có thể ngồi ở đây nghỉ mát, ngắm cảnh. Từ đây có thể bao quát được toàn bộ cảnh hồ Dầu Tiếng mênh mông, trắng xóa vô cùng đẹp.

Chùa được đông đảo du khách gần xa, quý Phật tử đến lễ bái vào các ngày hội lớn như: lễ Phật Đản, các ngày mùng 1, ngày rằm lớn tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười âm lịch. Đặc biệt vào các ngày 13, 14, 15 tháng Tám âm lịch là ngày lễ Mẹ – lễ hội lớn nhất ở núi Cậu.

Nhà thờ chánh tòa Phú Cường

Nằm trên một gò đất ngay ngã sáu trung tâm phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, nhà thờ chánh tòa được xem là một trong những công trình tôn giáo đặc sắc nơi đây. Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc mà còn được dạo quanh khuôn viên thoáng rộng, bước vào trong thánh đường ngắm nhìn  mái vòm cong uy nghi, chiêm ngưỡng những bức tranh nhiều màu sắc kể về cuộc đời của chúa Jesus và các ô cửa với họa tiết bắt mắt... Bởi thế, Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường còn thu hút nhiều du khách tới tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Đặc biệt, vào dịp Noel khung cảnh nhà thờ được trang trí rực rỡ. Đến đây, du khách được hòa mình vào trong không gian lễ hội vô cùng rộn rã nhưng không kém phần uy nghiêm.

Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên

Năm 2002, gia đình Phật tử Từ Vân đã phát tâm dâng cúng khu đất ấp 7, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo cho hòa thượng Thích Thanh Từ, với tâm nguyện hòa thượng sẽ tạo lập nơi đây thành một ngôi thiền viện, một đạo tràng tu học trang nghiêm. Đến năm 2013, được sự cho phép của chính quyền sở tại và sự hỗ trợ của phật tử gần xa, Ban quản trị thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã khởi công xây dựng ngôi thiền viện và đặt tên là Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Sáng ngày 7/9/2014, lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên và an vị tượng Phật đã được diễn ra long trọng, trang nghiêm. Ẩn mình trong rừng cao su bạt ngàn, với bầu không khí dịu mát, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên khiến du khách tạm quên đi những mệt mỏi, ưu phiền trong cuộc sống.

                                                                                             TTXTDL (Tổng hợp - theo TCDL)