Bót Cầu Định

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp tiếp tục quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng mở hàng loạt các cuộc hành quân, càn quét, đánh chiếm rất ác liệt, nhằm thực hiện chính sách ba sạch của chúng (đốt sạch, phá sạch, giết sạch), gây ra nhiều vụ bắn giết đồng bào ta một cách tàn bạo. Trong đó, có vùng đất thủ Dầu Một (Bình Dương), sau khi tái chiếm được vùng đất này, để thực hiện âm mưu bình định của chúng, thực dân Pháp cho xây dựng hàng loạt các tháp canh, đồn bót trên các ngả đường giao thông.

binh duong image

Bót Cầu Định là một trong những bót điển hình, có vị trí quan trọng chốt giữ quốc lộ 13 và cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Bót nằm trên quốc lộ 13, nay thuộc địa phận phường Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Thực dân Pháp xây dựng vào tháng 4-1946, nằm trên đồi gò cao khoảng 10m (so với quốc lộ 13) phía dưới có giao thông hào sâu khoảng 2m bao xung quanh gò đồi. Trên đỉnh đồi gò có 3 lô cốt cao ở ba góc (hình tam giác) có 12 ụ quan sát và chiến đấu, lô cốt có hình tròn đường kính khoảng 6m, mỗi lô cốt có 4 ụ quan sát, dưới đồi có 4 ụ kẽm gai được gài mìn bảo vệ xung quanh. Sau khi xây dựng bót Cầu Định, thực dân Pháp đưa quân càn quét hai bên quốc lộ 13, lộ 2 bắn chết trâu bò, bắt người đem bắn thả xuống sông ở cầu Ông Cộ.

Với mục đích của thực dân Pháp xây dựng bót cầu Định nhằm thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp, bắn giết đồng bào ta với ý đồ của chúng là răn đe, hòng dập tắt các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Hành động độc ác, man rợ của chúng thực hiện từ năm 1946 đến cuối năm 1953, gây biết bao thảm cảnh đau thương, tang tóc cho người dân ở vùng Bến Cát và đặc biệt là bà con ở xã Tân Định lúc bấy giờ.

Bót Cầu Định là một di tích lịch sử, ghi lại tội ác của thực dân Pháp, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân vùng đất Thủ Dầu Một trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí Ngô Chí Quốc được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bót Cầu Định đã được tỉnh Bình Dương quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 26-6-2004.