ĐÌNH BÌNH NHÂM – NGÔI ĐÌNH LÀNG NAM BỘ MANG KIẾN TRÚC HOA – VIỆT

NGÔI ĐÌNH LÀNG NAM BỘ MANG KIẾN TRÚC HOA – VIỆT

Từ đầu thế kỷ XVII, vùng đất Nam Bộ đã có cư dân người Việt ở vùng Thuận – Quảng của chúa Nguyễn đến Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa) khai khẩn đất hoang, lập ra những làng người Việt đầu tiên. Dưới sự bảo hộ của các chúa Nguyễn, vùng đất này ngày càng được mở rộng và phát triển. Theo chân những dòng người di cư, một số nhóm dân miền Trung đã đến vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương. Họ dừng chân ở những nơi hội tụ các điều kiện thuận lợi để định cư lâu dài, trong đó có vùng đất Lái Thiêu, nổi tiếng với tên gọi “Xứ Lái Thiêu”. Nơi đây có vị trí tiếp giáp với sông Sài Gòn, nhiều mương rạch, vùng bãi bồi phù sa, đất đai màu mỡ, rất tốt cho việc làm ăn, sinh sống nên sớm hình thành những điểm tụ cư đầu tiên. Từ đó, những cư dân người Việt mở rộng địa bàn cư trú quanh vùng, dần hình thành nên làng xóm ngày càng trù phú.

Cũng như bao vùng quê ở Nam Bộ, khi cuộc sống dần đi vào ổn định, những cư dân người Việt ở Bình Nhâm bắt đầu tạo dựng đình làng để cầu mong các vị thần linh che chở cho gia đình, dòng tộc và dân làng vượt qua khó khăn, tránh được thiên tai địch họa, thú dữ hoành hành, đem đến cuộc sống giàu sang, lợi lạc, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng chung cho cả cộng đồng. Họ thường đặt tên đình mang tên làng theo phong tục, tập quán của người Việt trong hành trình khám phá vùng đất phương Nam. Theo lời kể của các vị cao niên, ở địa phương hiện nay hầu như không còn ai biết rõ năm khởi thủy xây dựng ngôi đình, chỉ biết rằng vào những thập niên đầu thế kỷ XX, đình Bình Nhâm đã có dáng vẻ như bây giờ. Tuy nhiên, dựa vào nguồn sử liệu sắc phong, có thể xác định đình Bình Nhâm do cư dân người Việt ở thôn Bình Nhan Thượng, huyện Bình An xây dựng vào khoảng thời gian trước năm 1853 (năm vua Tự Đức ban sắc phong cho đình), làm nơi thờ Thành Hoàng Bổn cảnh của làng và các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở đất và tạo lập làng xã[1].

Đình Bình Nhâm có vị trí tọa lạc trên gò đồi, mặt tiền hướng về con rạch. Khuôn viên đình có một vài cây cổ thụ (dầu, me), tạo bóng mát cho sân đình, đồng thời đem đến cho ngôi đình nét đẹp cổ kính.

Tên gọi Đình Bình Nhâm được đặt theo tên đơn vị hành chính của thôn “Bình Nhâm”. Địa danh Bình Nhâm xuất hiện từ rất sớm, được ghi trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Tuy nhiên, trong các tài liệu cổ, địa danh này được viết là Bình Nhan. Sự thay đổi từ “Nhan” thành “Nhâm” có thể là do đọc trại âm, có người giải thích đọc “Nhan” là phạm húy, nên đọc thành “Nhâm”. Việc vì sao đọc trại thành “Nhâm” mà không thành các âm khác hoặc kỵ húy thì kỵ húy của ai thì cần được nghiên cứu sâu hơn[2].

Đình Bình Nhâm hội tụ các giá trị về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu, thể hiện phong cách kiến trúc, đồ án trang trí dân gian truyền thống của người Việt kết hợp kiến trúc, đồ án trang trí truyền thống của người Hoa. Tổng thể kiến trúc ngôi đình theo kiểu “Nội tam ngoại quốc” mang tính độc đáo trong kiến trúc đình làng tại Bình Dương. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính, bình dị. Toàn bộ mặt tiền chánh điện, Đông lang, Tây lang của ngôi đình được trang trí bằng các khối hình có khảm sành sứ, bên trong trang trí các bức bích họa (tranh tường). Từ những nguyên vật liệu của nghề làm gốm truyền thống ở địa phương, dưới bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo của con người đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, một số vị trí đã bị bong tróc nhưng các hình tượng khảm sành sứ vẫn bóng màu men, giữ được khuôn dáng ban đầu. Thông qua nét đẹp kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình, còn thể hiện nét giao lưu văn hóa giữa hai cộng đồng Việt – Hoa cùng chung sống trên vùng đất Bình Nhâm.

Hệ thống di vật gồm sắc phong, hoành phi, liễn đối,… được bảo lưu trong đình là nguồn sử liệu quan trọng liên quan đến lịch sử của đình cũng như vùng đất Lái Thiêu - Thuận An. Sắc phong đình Bình Nhâm được vua ban tặng vào đầu năm 1853, được xem là một trong số ít ngôi đình ở Bình Dương còn lưu giữ sắc phong nguyên bản. Hoành phi, liễn đối trong đình Bình Nhâm hàm chứa nội dung về những triết lý nhân sinh, thể hiện ước muốn cao đẹp về một vùng đất thanh bình, thịnh vượng, nhà nhà an yên, đồng thời cũng là thông điệp của các bậc tiền nhân truyền dạy đến hậu thế muôn đời. Trong liễn đối của đình còn được người xưa khéo léo cách điệu chữ Hán bằng hình ảnh chim én, vận dụng phép “quán thủ” hai chữ “Bình Nhâm” ở đầu mỗi vế đối, ngụ ý nhấn mạnh về địa danh hành chính và tên gọi ngôi đình.

Đình Bình Nhâm được vua ban sắc phong vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (tức ngày 08/01/1853 dương lịch). Đây được xem là một trong số ít ngôi đình ở tỉnh Bình Dương còn lưu giữ sắc phong nguyên bản.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, về cơ bản đình Bình Nhâm vẫn duy trì được phần lớn những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống của địa phương.

Lễ Kỳ yên

Đình Bình Nhâm mỗi năm có một lệ cúng lớn, đó là lễ Kỳ yên tổ chức vào ngày 13, 14 tháng 11 âm lịch. Sáng ngày 13 tháng 11, Ban quý tế tập trung tại đình để chuẩn bị cho lệ cúng Kỳ yên. Trước đó, Ban quý tế đã có cuộc họp phân công công việc, vì vậy căn cứ vào nhiệm vụ được phân công mà mỗi người tự chủ động công việc của mình, chủ yếu là vệ sinh khuôn viên phía trong và ngoài đình, sắp xếp hoa quả, lễ vật lên bàn thờ, trang trí rạp, rửa chén bát, mua sắm thực phẩm, nấu nướng…

Lễ cầu an Đúng 14 giờ chiều ngày 13 tháng11, Ban quý tế tổ chức nghi thức cúng đầu tiên, đó là nghi thức cúng Cầu an[3].

Lễ khai môn: Vào lúc 0 giờ, ngày 14 tháng 11, Ban quý tế thực hiện lễ khai môn. Theo quan niệm dân gian, cửa chính của đình ngày thường đóng cửa, chỉ ra vào chánh điện ở cửa phụ bên hông đình.

Lễ thỉnh sanh: Sau khi cúng khai môn xong, Ban nghi lễ tiếp tục thực hiện nghi thức thỉnh sanh. Đây là nghi cúng để trình con vật tế lên cho Thần. Lễ vật trong nghi này gồm có 1 con heo tuyền sắc, khỏe mạnh, không bị dị tật. Lễ Thỉnh sanh về cơ bản diễn ra như sau: Heo tế sau khi tắm rửa sạch sẽ được dắt lên chánh điện để trình Thần, chánh bái niệm hương để trình vật tế lên cho Thần, chánh tế kiểm tra lễ vật xem có gì sai sót không, tể giả vào vái lạy xin Thần được yết heo, tể giả dùng dao chọc vào cổ để lấy 1 ít huyết heo, cắt một nhúm lông gáy để làm lễ Ế mao huyết trong nghi Đàn cả, sau đó Ban quý tế khiêng heo ra phía sau đình để tiếp tục giết mổ và làm sạch lông để đưa lên chánh điện cúng Đàn cả.

Lễ đàn cả: Lễ Đàn cả bắt đầu thực hiện vào lúc 4h00, ngày 14 tháng 11. Đây là nghi cúng chính trong đình, để tạ ơn các vị thần đã có công bảo vệ, che chở và phù hộ độ trì cho người dân địa phương.

Lễ cúng Tiên sư: Sau nghi cúng Đàn cả xong, Ban nghi lễ, học trò lễ tiếp tục thực hiện nghi cúng Tiên sư…

Kiến trúc

Tổng diện tích của đình là 1.712,1m2.

Về tổng thể, đình Bình Nhâm được thiết kế theo kiểu kiến trúc “Nội tam ngoại quốc” khép kín với chánh điện (gồm tiền điện, trung điện và hậu điện) nằm trên một trục dọc, hai bên là Đông lang và Tây lang, phía sau là nhà túc. Ở sân đình còn có cổng đình, miếu thờ Ông Hổ, ban thờ Bạch Mã và miếu thờ Quan Công (kiểu thức tương tự bàn thiên).

* Cổng đình

Cổng đình được thiết kế theo kiểu nhất quan (chỉ có một lối ra vào duy nhất), sơn hai màu chủ đạo vàng và đỏ, gồm 2 tầng mái (hay còn gọi là “trùng thiềm”), lợp ngói ống, các góc mái uốn cong hình mũi thuyền. Trên đỉnh mái thiết trí hình tượng “Lưỡng long chầu hồ lô”, ở giữa 2 tầng mái đắp nổi tên đình bằng chữ quốc ngữ “ĐÌNH BÌNH NHÂM”.

Tạm dịch:

Đình miếu rạng ngời khiến “đất thiêng người giỏi”

Ơn thần rộng lớn cho “dân mạnh của giàu”  

Tạm dịch:

Xưa vang dội, nay sáng ngời- thần giáng lâm rạng rỡ

Sẵn lòng nhân, ban xuống phước- thánh ban ơn không cùng

* Ban thờ Bạch Mã

Từ cổng đi vào đình, ban thờ Bạch Mã được bố trí phía bên trái sân đình, nền được làm bằng xi măng, có đặt 01 tượng bạch mã uy nghi cao 1.5 mét, dài 1.7 mét bằng chất liệu bê tông. Ngoài ra, còn có một số vật dụng dùng để thờ cúng như dĩa trái cây, lư lương, bình bông.

* Miếu thờ Ông Hổ

Miếu được xây dựng bằng xi măng, có chiều cao 1.2m, chiều dài 1.9m, chiều rộng 1.7m, mái lợp ngói thanh lưu ly, cửa miếu thiết kế hình chữ nhật, phía trên đắp nổi hoành phi, hai bên cửa đắp nổi câu đối bằng chữ Hán chất liệu bằng bê tông:

Hoành phi:

Tạm dịch:

Y dược chỉ cho đời: đức truyền muôn thuở

Cấy cày dạy khắp chúng: ơn để ngàn năm

Bên trong miếu có bài vị bằng chữ Hán: Sơn Lâm chi thần - Thần Sơn Lâm.

* Chánh điện

Chánh điện đình Bình Nhâm được thiết kế theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”, tức gồm hai tầng mái (tầng mái trên, tầng mái dưới) và ba nếp nhà song song, tương ứng với tiền điện, trung điện, hậu điện thông với nhau qua máng xối. Chánh điện đình Bình Nhâm có 5 gian, trước đây được kết cấu hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Tuy nhiên, qua các lần tu bổ, tôn tạo, nhất là vào năm 1972 nên diện mạo của đình có nhiều thay đổi, kết cấu không đồng bộ. Mái của tiền điện lợp ngói âm dương, trung điện và hậu điện lợp ngói tây. Hình dáng cột ở tiền điện hình vuông; ở trung điện và hậu điện đều hình trụ tròn nhưng kích thước không đồng nhau. Cột ở trung điện sơn màu đỏ, hậu điện trang trí họa tiết hình rồng quấn quanh thân cột.

Đặc điểm nổi bật về mặt kiến trúc nghệ thuật của đình Bình Nhâm là toàn bộ mặt tiền của ngôi đình được trang trí bằng nghệ thuật khảm sành sứ đầy màu sắc, với nhiều đề tài dân gian truyền thống kết hợp phong cách trang trí của cộng đồng người Hoa, thể hiện mối giao lưu văn hóa Việt - Hoa. Đỉnh mái của chánh điện là một quần thể tượng được đắp nổi và khảm sành sứ, bố trí thành hàng ngang. Vị trí chính giữa của đỉnh mái trang trí tượng lưỡng long chầu nguyệt, đối xứng hai bên là song phụng ở vị trí đầu hồi. Kế tiếp bên dưới bố trí nhóm tiểu tượng gốm tráng men có đề tài “Lục quốc phong tướng”, có đề minh văn bằng chữ Hán “Bửu Nguyên tạo”. Bửu Nguyên là lò gốm của người Hoa rất nổi tiếng ở Sài Gòn, lò này chuyên sản xuất gốm trang trí thuộc trường phái Quảng Đông như đôn, chậu, tượng thờ và nổi bật nhất là quần thể tiểu tượng[4]. Bờ nóc được chia thành 5 đoạn ô, hộc trang trí các mảng phù điêu, khảm hoa văn sành sứ (đã bị bong tróc).

Dưới đỉnh mái là tầng mái trên và tầng mái dưới, lợp ngói âm dương; đầu ngói hình tròn trang trí hoa văn với chủ đề hoa cúc; diềm mái lợp ngói lòng máng (còn gọi là ngói trích thủy, ngói yếm) hình dạng lá đề, tráng men xanh. Tầng mái trên bố trí 06 tượng lân hý cầu, trong đó có 04 tượng khảm sành sứ ở giữa và 02 tượng tráng men ở hai đầu (vị trí bờ chảy). Tầng mái dưới bố trí 04 tượng cá chép hóa rồng khảm sành sứ ở giữa, hai bên là tượng Ông Nhật và Bà Nguyệt tráng men. Trong đó, “tượng ông Nhật, bà Nguyệt của dòng gốm Quảng Đông kết hợp cẩn đắp sành sứ với đề tài rồng, phụng, sư tử hí cầu, cá chép hóa long,… theo phong cách kiến trúc vùng Phúc Kiến, Triều Châu[5]. Tất cả tượng này được sắp xếp với khoảng cách đều nhau. Ở giữa hai tầng mái là phần dải cổ diêm được chia thành 5 đoạn ô, hộc tương ứng với 5 gian, trang trí các mảng phù điêu khảm sành sứ, đề tài về sinh hoạt dân gian (long hổ hội, nhà quan, nhà dân,…).

Mặt tiền của chánh điện đình Bình Nhâm được thiết kế năm lối ra vào, dạng hình vòm. Đầu cột và các mặt cột có trang trí phù điêu xi măng, khung viền màu vàng. Hai cột chính giữa đắp nổi câu đối chữ Hán màu vàng trên nền đỏ, có nội dung:

Phiên âm:

Phúc ấm cảnh thổ dân an hưởng

Đức hữu đại địa quốc vĩnh trường

Tạm dịch:

Phước để  khắp miền- dân an hưởng

Ơn ban mọi chốn- nước vững bền

Bước qua các lối vào của mặt tiền chánh điện là dãy nhà Tiền điện, lợp ngói âm dương, kiến trúc bên trong mang đậm phong cách truyền thống của người Việt kết hợp phong cách kiến trúc của người Hoa. Tiền điện có cấu trúc 3 gian chính và 2 gian phụ. Trên cửa chính bước vào Tiền điện có thể hiện nội dung bằng chữ quốc ngữ “Đình Bình Nhâm”, bên dưới đề năm “1934”. Có tất cả 2 hàng cột bê tông hình vuông, tổng cộng 10 cột, khoảng cách giữa 2 hàng cột là 2,5 mét, mỗi cột cao 4,5 mét. “Các cột này đỡ lấy thanh trính được đúc bằng bê tông, mặt ngoài sơn vẽ hoa văn bát bửu, hồi văn chữ Vạn. Trên các thanh trính là những bộ vì có cấu trúc vô cùng độc đáo, đó là sự kết hợp giữa kiểu vì chồng rường và kiểu vì vỏ cua, cả hai loại này đều phổ biến trong kiến trúc truyền thống Trung Hoa. Nếu như bộ vì chồng rường thường sử dụng cho nếp nhà chính với không gian thoáng rộng thì vỏ cua sử dụng cho hàng hiên có đoạn mái ngắn, hẹp. Đối với tiền điện đình Bình Nhâm tuy là không gian chính nhưng mái lại khá ngắn nên người xưa đã khéo léo kết hợp hai bộ vì này. Trang trí trên vì là hình hai con rồng chầu vào nhau được thể hiện theo dạng bác cổ long – đây là đồ án trang trí kiến trúc phổ biến ở vùng Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Nghệ nhân đã lấy cảm hứng từ các cổ khí, vật dụng xưa như kệ, bình hoa,… khéo léo biến hóa theo dạng hình học gấp khúc. Ở bộ vì này, thân rồng là những đoạn gấp có chức năng đỡ thanh xà, trong khi đó giao điểm của hai đầu rồng là điểm gác cây đòn dông có tiết diện hình bát giác. Đường nét chạm khắc, hoa văn trang trí trên bộ vì thể hiện rõ do cánh thợ Hoa tạo tác. Bên cạnh đó, phần tường bao quanh Tiền điện trang trí những bức bích họa (tranh tường) do nghệ nhân người Hoa vẽ với các điển tích như: Ông Nhật, Bà Nguyệt, Phúc, Lộc Thọ,… và những bức tranh phong cảnh thiên nhiên cùng bài thơ chữ Hán theo dạng nhất thi nhất họa.

Tiền điện là nơi đặt long đình và bàn thờ Bác Hồ. Bàn thờ Bác được đặt ngay cửa chính, làm bằng gỗ, cao 01 mét, bên trên đặt di ảnh của Người và những vật dụng thờ cúng như lư hương, đèn,….Phía sau bàn thờ Bác Hồ là nơi đặt long đình (kiệu rước thần), kích thước cao 2,5 mét. Cấu trúc long đình được chia làm 3 phần: Phần đỉnh kiệu (còn gọi là mui vẹm 4 mái); phần thân kiệu (còn gọi là long cung, có 3 mặt như nhau, mặt hậu có tấm chấn thủy được chạm khắc theo tích long thủy, hai bên bức long cuốn thủy là hai con rồng chầu); phần đế kiệu (còn gọi là án gian, được chạm khắc 4 mặt, ở dưới có lỗ để luồn đòn khiêng kiệu). Bên trong có bài vị khắc chữ Hán (Thành Hoàng Bổn Cảnh).

- Câu đối án thờ các linh vị Tiền hiền:

Phiên âm:

Tiền hiền sáng lập thiên niên thịnh

Hậu Hiền tôn tạo vạn đại hưng

Tạm dịch:

Tiền hiền tạo dựng ngàn năm thạnh

Hậu hiền vun đắp vạn thuở hưng

- Câu đối trên án thờ Tiền hiền:

Phiên âm:  

Xuất lực khai cơ thiên thu đức

Thi công thành nghiệp vạn niên ân

Tạm dịch:

Ra sức mở nền, đức muôn thuở

Lập công nên nghiệp, ơn ngàn năm

- Câu đối vị trí án thờ Hậu hiền:

Phiên âm:

Sáng nghiệp hữu công thiên thu hưởng

Khai cơ thành ý vạn niên xuân

Tạm dịch:

Dựng nghiệp nên công, muôn thuở kính

Đặt nền sáng ý, vạn năm tươi

- Câu đối vị trí án thờ Tả Ban:

Phiên âm:

Địa phúc chung linh thần sở hữu

An đồ bối cố phúc vô cương

Tạm dịch:

Đất phước linh thiêng- thần có mặt

Cõi yên bền vững- phước không cùng

- Vị trí án thờ Hữu Ban:

Phiên âm:

Hữu quốc uy linh quang vạn cổ

Tý dân tráng lệ duyệt thiên thu

Tạm dịch:

Giúp nước oai linh ngời muôn thuở

Che dân tươi đẹp thỏa ngàn năm

Bàn thờ Thần Thành hoàng được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong chánh điện vì theo tín ngưỡng dân gian, thần Thành Hoàng bổn cảnh là “chủ nhân của ngôi đình”. Khám thờ Thần đình Bình Nhâm được làm hoàn toàn bằng gỗ, chạm trổ các họa tiết rồng, cúc, trĩ… rất tinh xảo và có tính mỹ thuật cao. Tất cả các hạng mục này đều được sơn son, thếp vàng, kẻ chỉ, viền khung. Ở giữa khám là linh vị của Thần và chiếc ngai thần, trên ngai có “mũ thần”. Linh vị được làm bằng gỗ, hình chữ nhật dáng chân quỳ, sơn son thiếp vàng, chạm khắc hình đầu rồng uy nghi, dọc hai bên linh vị chạm khắc hình long vân. Trên án thờ Thần đặt hộp gỗ đựng sắc phong.

Ở các hàng cột của Hậu điện có thiết trí một số hoành phi, câu đối:

Phiên âm:

Đại địa bình tĩnh mông hậu đức

Chúng sinh an ninh cảm hồng ân

Tạm dịch:

Đất rộng an hòa nhờ đức lớn

Muôn loài yên ổn cảm ơn sâu

Phiên âm

Bình thổ hữu linh hợp cảnh khang kiện

Nhâm thủy vô khuyết viễn cận an lạc

Tạm dịch:

Đất phẳng linh thiêng- muôn nơi khỏe mạnh

Sông to chẳng dợn- mọi chốn yên vui

Hoành phi:

Phiên âm: Thần linh phổ chiếu

Tạm dịch: Thần linh soi rọi

* Đông lang và Tây lang

Hai bên chánh điện của đình là dãy nhà Đông lang (bên trái) và Tây lang (bên phải). Mặt tiền Đông lang, Tây lang thiết kế theo kiểu cổ lầu, mái lợp ngói ống, bên trên trang trí mô tip hoa lá, tượng kỳ lân khảm sành sứ và tượng lân bằng gốm tráng men.

Đông lang và Tây lang được thiết kế theo kiến trúc nhà rường, xây dựng rộng rãi, kiên cố. Mỗi nhà có kết cấu gồm 16 cây cột gỗ tròn, chia làm 2 hàng, nâng đỡ phần mái. Bộ khung sườn với đòn tay được liên kết với trụ cột bằng kỹ thuật ghép mộng. Toàn bộ khung sườn, vì kèo, rui mè đều làm bằng gỗ, tất cả được được phủ một lớp sơn màu đen. Mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu, tường bao quanh xây thấp. Ngôi nhà mang đậm phong cách kiến trúc của ngôi nhà gỗ Nam bộ truyền thống. Nhà dùng để sinh hoạt và đón tiếp khách trong những ngày lễ cúng đình. Đông lang là nơi đặt bàn thờ Tiên Sư, được làm bằng xi măng, kích thước cao 1 mét, dài 1,4m, rộng 0,8m, mặt trước chạm khắc hình chim công, xung quanh trang trí hình hoa cúc. Tây lang là nơi đặt bàn thờ Tiền bối để “thờ 40 vị tiền bối có công với đình từ xa xưa, trong đó có 04 vị là người Hoa mang họ La, Vương, Thái”[6]. Bàn thờ Tiền bối làm bằng xi măng, kích thước cao 1 mét, dài 1,4 mét, rộng 0,8 mét, mặt trước chạm khắc cặp chim sẻ bay lượn trong vườn hoa, xung quanh trang trí hình hoa cúc, dây leo,...

* Nhà túc

Ngay sau chánh điện là dãy Nhà Túc hay còn gọi là nhà bếp. Nhà có 3 vách tường xây bằng gạch, được đỡ bằng 4 hàng cột gỗ gồm 36 cột, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói âm dương. Nơi đây thường dùng để phục vụ sinh hoạt, nấu nướng vào các dịp cúng đình. Bên trong nhà túc có bàn thờ Táo quân, được làm bằng gỗ, gắn cố định trên tường, kích thước 80x80cm.

Với Niên Đại Tồn Tại Hơn 170 Năm Đình Bình Nhâm, có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của vùng đất và con người Lái Thiêu – Thuận An. Thông qua đình làng đã khẳng định lịch sử định cư lâu dài của cư dân người Việt ở vùng đất này. Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, chở che nhân dân được bình an trong buổi đầu khai hoang, phục hóa, chinh phục vùng đất mới để từ đó tạo dựng nên xóm làng ngày càng phát triển trù phú

Vào ngày 18/01/2022 Đình Bình Nhâm đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 200/QĐ-UBND./.

                                                          NHẬT KHÁNH PHÒNG VH&TT THÀNH PHỐ THUẬN AN