Miếu Ông

Miếu Ông là công trình tín ngưỡng được người dân xây dựng vào năm 1735 tại ấp Tân Long, Xã Tân Hiệp nay là Khu phố Tân Long, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên bởi lớp cư dân người Việt sinh cơ lập nghiệp trên vùng Tân Uyên làm nơi chiêm bái, cúng kiến cầu cho dân làng được bình an, mưa thuận gió hòa.

 

binh duong image

Năm 1961 tổ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương chính thức chọn và bố trí hòm thư chết, cán bộ, trang thiết bị, hầm bí mật tại Miếu Ông để hoạt động. Miếu Ông trở thành nơi để Ban Liên lạc họp và cung cấp những thông tin quan trọng của địch phục vụ cho chiến lược tác chiến của ta, góp phần quyết định những thắng lợi trên chiến trường Đông Nam Bộ nói chung và chiến trường Bình Dương nói riêng.

Năm 2013 Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương được xây dựng với tổng diện tích 1.046mlà nơi thờ tự 122 chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Đồng thời đây cũng là nơi họp mặt ngày truyền thống của lực lựng cựu Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau.

Tại Miếu Ông, Tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương đã tổ chức khai thác, thu nhận được nhiều thông tin quan trọng, có giá trị chiến lược, như chiến lược quân sự Lai Khê, Bàu Bàng, Phước Thành, Tam Giác Sắt… góp phần thay đổi cục diện của ta trên chiến trường, đập tan các cuộc hành quân của địch.

binh duong image

Các trận đánh vang dội của Tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương có thể kể đến như: Trận tập kích lực lượng sĩ quan ngụy ăn uống tại nhà hàng Lươn Um (đường Bạch Đằng); Trận đánh tại quán cơm trên đường Đoàn Trần Nghiệp để tiêu diệt đại úy quận phó Châu Thành, tên chánh văn phòng Tòa hành chính Dinh tỉnh trưởng Ngụy cùng 35 sĩ quan Ngụy; Trận đánh lựu đạn (giấu trong ổ bánh mì) vào hậu cứ Sư đoàn 5 bộ binh Ngụy tại ngã tư Phú Văn; Trận đột kích Nhà việc Phú Cường và Ty Thông tin Ngụy ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ….

Với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ vào Sài Gòn – cơ quan đầu não của địch, là nơi có thể nắm bắt nhanh các thông tin, các hoạt động của địch. Đồng thời cũng là nơi yểm trợ tốt nhất cho chiến khu Đ – cơ quan cách mạng của Miền Đông Nam Bộ. Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, Miếu Ông đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 3278/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2016.

binh duong image

TTXTDL (tổng hợp)