Một số công trình tôn giáo, tính ngưỡng nổi bật ở Bình Dương

Một số công trình tôn giáo, tính ngưỡng nổi bật ở Bình Dương

Chùa Hội Khánh

Được xây dựng vào năm 1741, chùa Hội Khánh được xem là một trong những ngôi chùa cổ có giá trị văn hóa, kiến trúc vào bậc nhất của vùng đất Nam Bộ. Đây là một công trình kiến trúc gỗ lớn nhất tỉnh, nơi lưu giữ nhiều cổ vật hàng mấy trăm năm có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, mỹ thuật. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ bộ tượng gỗ mít sơn son thếp vàng Thập Bát La Hán, Thập Điện Minh Vương và hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị Bồ tát với nhiều dáng vẻ khác nhau tạo nên một công trình kiến trúc tuyệt mỹ.

Chùa Hội Khánh hiện còn sở hữu kỉ lục về Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á do tổ chức kỉ lục Châu Á công nhận tháng 5/2013.

Từ năm 1983, chùa Hội Khánh còn là trụ sở của tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương. Năm 1995, nơi đây Tỉnh hội đã xây dựng Trường cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé.

Chùa Hội Khánh đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 07/01/1993.

Địa chỉ: đường chùa Hội Khánh, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một

 

Chùa Tây Tạng

Chùa Tây Tạng thuộc hệ phái Bắc tông do Thiền Sư Minh Tịnh (còn gọi là Hòa thượng Chơn Phổ - Nhẫn Tế) sáng lập vào năm 1928 với tên gọi Bửu Hương Tự. Năm 1937, sau khi thiền sư Minh Tịnh cho đổi tên chùa thành Tây Tạng Tự.

Sau lần đại trùng tu vào năm 1992, chùa Tây Tạng có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa ở xứ sở Tây Tạng. Chánh điện có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp, tứ giác có chiều cao trên 15m. Ở tầng thượng nóc chùa có 5 điện thờ 5 vị gọi là "Ngũ trí Như Lai", là 5 vị Phật tối cao của Phật giáo Tây Tạng.

Ngôi chùa đã được sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là "Ngôi chùa có tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc lớn nhất".

Địa chỉ: đường Thích Quảng Đức, P. Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một

Chùa núi Châu Thới

Chùa núi Châu Thới là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ.

Chùa tọa lạc trên núi Châu Thới cao 82m. Đường lên chùa có hai lối đi, có thể leo 220 bậc thang để lên cùa hoặc theo con đường nhựa dành cho xe máy và xe ô tô.

Điểm nổi bật trong lối kiến trúc của chùa là sử dụng các mảnh gốm sứ để trang trí, đắp các bức tranh mô tả sự tích của nhà Phật rất công phu và đẹp lộng lẫy… Không chỉ với nét kiến trúc tinh xảo, chùa núi Châu Thới còn là nơi có phong cảnh rất đẹp, sơn thủy hữu tình, xung quanh được bao bọc bởi rừng cây cổ thụ và dòng nước trong xanh rất tĩnh lặng. Bên cạnh đó, chùa hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị.

Chùa núi Châu Thới đã được công nhận là Di tích – Danh thắng cấp quốc gia vào ngày 21/4/1989.

Địa chỉ: P. Bình An, TP. Dĩ An

Chùa Thái Sơn – Núi Cậu

Chùa nằm lưng chừng sườn núi Cậu ở độ cao chừng 50m, thuộc hệ phái Bắc tông do Hòa thượng Thích Đạt Phẩm, thường gọi là thầy Sáu, xây dựng vào năm 1988, với khuôn viên  trên 5 ha. Đến năm 2003, Hòa thượng Thích Đạt Phẩm đã cho trùng kiến thành ngôi chùa nguy nga, tráng lệ.

Qua hai cổng tam quan to lớn, vào đến sân chùa, bảo tháp Thái Sơn uy nghi 9 tầng cao 36m. Kế bên bảo tháp là tượng Quan Thế Âm Bồ tát lộ thiên, có cặp voi trắng hầu hai bên. Ngôi chánh điện được xây dựng khá quy mô.

Địa chỉ: xã Định An, huyện Dầu Tiếng, trong Khu du lịch sinh thái Núi Cậu – Hồ Dầu Tiếng

                                                                                                Trung tâm Xúc tiến Du lịch