Ngôi đình lưu giữ những nét nghệ thuật độc đáo

Đình thần Phú Long (còn gọi là Phú Long linh miếu) tọa lạc ở khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An từ lâu đã được nhiều người biết đến với nghệ thuật ghép tranh gốm hết sức độc đáo. Đây là ngôi đình hiếm hoi trên đất Bình Dương đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia...

 

binh duong image

Lưu giữ nét văn hóa làng quê

Cũng như bao ngôi đình làng Việt khác, đình Phú Long là nơi thờ Thành hoàng bổn cảnh của dân làng. Theo Bảo tàng tỉnh, đơn vị đang quản lý di tích này, đình thần Phú Long được xây dựng vào khoảng năm 1842 (có tài liệu ghi năm 1822). Vào năm 1853, vua Tự Đức đã ban sắc phong cho vị Thành hoàng bổn cảnh của đình Phú Long là “Thần Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng” để ghi nhớ công lao của ngài trong việc giúp nước cứu dân.

Lúc đầu, đình chỉ là một ngôi nhà tạm được dựng lên từ những vật dụng đơn sơ từ tranh tre nứa lá để có chỗ cho bà con trong làng thờ cúng. Sau đó, đình đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Năm 1865 là năm đình được sửa chữa lớn, tường được xây dựng bằng gạch vôi, mái đình cũng được lợp lại bằng ngói. Trải qua thời gian dài của lịch sử, đến nay ngôi đình vẫn giữ được gần như những nét kiến trúc xây dựng và lối trang trí hoa văn bằng gốm từ lần sửa chữa lớn này. Đình được xây dựng theo kiểu chữ Tam, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa. Ngôi chánh điện của đình gồm tiền điện, trung điện và hậu điện. Ngoài ra, đình còn có khu nhà võ ca - là nơi các đoàn hát thường đến biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ lớn của đình.

Ngoài vị thần chính là Thành hoàng bổn cảnh, đình còn thờ Ngũ Hành nương nương, thần Nông, ông Hổ. Những vị tiên hiền, hậu hiền có công khai khẩn, đóng góp xây dựng đình cũng được thờ trong gian chánh điện. Hàng năm, đình thần Phú Long diễn ra một số lễ hội lớn, gắn với những nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng; trong đó lễ cúng kỳ yên, giỗ ông được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng 8 âm lịch hàng năm là dịp lễ lớn nhất của đình. Lễ kỳ yên đình Phú Long cứ 3 năm đáo hạn một lần cúng lớn và có mời đoàn hát bội về biểu diễn phục vụ dân làng. Ngoài dân làng trong vùng, vào dịp cúng kỳ yên của đình, người dân ở nhiều địa phương khác cũng đến viếng lễ thần rất đông.

Những giá trị lịch sử văn hóa

Đình thần Phú Long được nhiều người biết đến, thường tìm về tham quan, tìm hiểu vì nơi đây còn lưu dấu những giá trị văn hóa, lịch sử giá trị, đặc sắc.

Theo các tài liệu ghi lại, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình thần Phú Long là nơi đã chở che cho nhiều cán bộ, chiến sĩ địa phương ẩn náu để hoạt động cách mạng. Do thiết kế xây dựng, cộng với vị trí tọa lạc khá đặc biệt nên đình Phú Long luôn gắn liền với hoạt động đấu tranh yêu nước của nhân dân trong vùng. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khi tôn tạo lại ngôi đình, người ta phát hiện trong nóc đình có nhiều thứ liên quan đến hoạt động cách mạng bí mật, như: Cờ đỏ sao vàng, cờ mặt trận giải phóng, mũ cối, thuốc đỏ, bông băng cứu thương... Nhiều cụ cao niên sau này kể lại, do vị trí thuận lợi, đình lại có nóc kín có thể ẩn náu nên họ đã từng ẩn náu ở đây để hoạt động cách mạng bí mật trong suốt một thời gian dài.

Ngoài là địa điểm che giấu cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng, đình Phú Long để lại nhiều ấn tượng đặc biệt đối với nhiều người bởi lối kiến trúc nghệ thuật trang trí. Toàn bộ mặt tiền phía trước và 2 đầu hồi, phần bê tông của đình được cẩn từ những mảnh ghép gốm sứ. Từ những mảnh gốm sứ màu sắc, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những bức tranh nghệ thuật đã được “vẽ” nên, với những đề tài rõ ràng mang tính dân gian truyền thống. Ở những khu vực khác, như nóc đình hay những bảo vật, linh vật (long, lân, quy, phụng) bố trí trong khu vực đình cũng được đắp, cẩn bằng gốm sứ, tạo thành những bức tranh hết sức đặc sắc, đẹp mắt.

Từ xưa, vùng đất Lái Thiêu đã nổi tiếng với nghề gốm sứ. Và những nghệ nhân của vùng đất này đã rất sáng tạo khi dùng mảnh gốm để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật khi sửa chữa, trùng tu lại đình thần Phú Long. Những ý tưởng, những bức tranh nghệ thuật đặc sắc ở đình Phú Long được ghép bởi từ những mảnh gốm to, nhỏ khác nhau. Nhiều chi tiết được ghép trông khá đơn giản, như hình cây trúc được ghép từ những cái chén chồng lên nhau. Với những cái chén, vài cái ly úp lại rồi xếp lên nhau cũng tạo ra được những mỏm núi nhấp nhô. Ngoài những chi tiết đơn giản ấy, ở những bức tranh đòi hỏi đường nét rõ ràng, như lá trúc, lông đuôi chim phụng, phần đuôi mắt chim công... Những người thợ lại phải gọt, mài một cách tỉ mỉ thì khi ghép vào mới thể hiện được sự sắc sảo, tinh tế và làm nổi bật được bức tranh mà họ tạo nên. Đây cũng chính là nét đặc sắc mà mỗi khi có dịp đến thăm đình Phú Long người xem không khỏi trầm trồ, thán phục trước bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ, nghệ nhân ghép tranh gốm xưa.

Những bức tranh ghép gốm sứ ở đình thần Phú Long không chỉ thể hiện sự tài hoa, sáng tạo của người dân Lái Thiêu, mà còn là những giá trị lưu dấu sản phẩm của nghề gốm sứ - một trong những nghề thủ công truyền thống xưa còn tồn tại, phát triển trên đất Bình Dương ngày nay.

 CẨM LÝ

Theo Báo Bình Dương online