Phát huy giá trị những di tích lịch sử cách mạng

 Lịch sử tỉnh Bình Dương đã ghi dấu bao chiến công oai hùng cùng những hy sinh xương máu của các thế hệ cha ông cho công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc. Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa danh gắn với quá trình xây dựng lực lượng, đấu tranh cách mạng của quân và dân ta đã đi vào những trang vàng lịch sử vẻ vang của dân tộc. Nhiều địa danh đã được công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và trở thành nơi về nguồn ý nghĩa đối với thế hệ mai sau...

 

binh duong image

Thăm lại di tích lịch sử cách mạng

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp về thăm lại Khu di tích lịch sử Chiến khu Thuận An Hòa trên địa bàn TP.Thuận An. Anh Bùi Trình Nhật Khánh, người phụ trách thuyết minh giới thiệu cho chúng tôi về khu di tích này với cả sự tự hào và khâm phục. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thuận An Hòa được ví như cái gai trong mắt của kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai nhưng không thể nào nhổ được. Cùng với những chiến khu khác trên địa bàn tỉnh, Thuận An Hòa trở thành chỗ dựa cho lực lượng chủ lực của ta tấn công vào những vị trí then chốt của địch ở miền Nam, góp phần cùng cả nước chiến thắng thực dân Pháp.

Từ nhiều năm qua, các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa đã hết sức quan tâm đến việc đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn. Hàng năm, các di tích lịch sử là địa điểm được các địa phương chọn để tổ chức các sự kiện quan trọng, các hoạt động kỷ niệm trong các ngày lễ lớn, như: Kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Ngày Quốc khánh 2-9 hay lễ hội đón giao thừa, hội trại giao nhận quân... Các ban ngành, đoàn thể cũng thường chọn các di tích lịch sử cách mạng ở địa phương để tổ chức các chương trình về nguồn ý nghĩa cho cán bộ, hội viên của mình; tổ chức lễ kết nạp đội viên, đoàn viên hay lễ trưởng thành Đoàn.

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù với vũ khí tối tân, hiện đại đã trút xuống vùng Thuận An Hòa những trận mưa bom nhằm xóa rừng không cho lực lượng của ta ẩn nấp. Không còn rừng, nhưng với sự chở che, nuôi giấu của người dân địa phương, Thuận An Hòa vẫn là căn cứ đứng chân của những cán bộ, đảng viên, du kích. Từ những “căn cứ trong lòng dân”, lực lượng của ta ở Thuận An Hòa tiếp tục là trợ lực cho cách mạng. Mùa xuân năm 1975, khi “thế giặc lực đã tàn”, quân ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam trong ngày 30-4-1975, thống nhất nước nhà.

Gắn liền với chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975, di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất. Để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu và sát với tình hình tác chiến, Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị quyết định chuyển đến căn cứ tiền phương gần chiến trường hơn và chọn vị trí Căm Xe để đặt cơ quan làm việc. Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là nơi phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp, đúng đắn và hết sức sáng suốt, tài tình của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch lúc bấy giờ. Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, tạm thời (từ ngày 26-4- 1975 đến 30-4-1975), nhưng Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử đã được Bộ Chính trị giao - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi nhắc đến những di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, không thể thiếu di tích Nhà tù Phú Lợi. Di tích nằm trên đường Một Tháng Mười Hai, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Nhà tù Phú Lợi được Mỹ - Diệm dựng lên từ giữa năm 1957 để giam cầm cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Đặc biệt, nơi đây vào ngày 1-12-1958, Mỹ - Diệm đã gây ra vụ đầu độc tù nhân chính trị hết sức dã man. Vụ đầu độc đã gây ra sự phẫn nộ trong nước và lan ra cả thế giới, làm dấy lên làn sóng đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là một trong những chứng tích lịch sử tố cáo tội ác dã man của chế độ Mỹ - Diệm và chiến tranh xâm lược.

Phát huy giá trị di tích

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, do tiếp giáp với Sài Gòn nên Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Để hỗ trợ lực lượng cách mạng, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã sớm hình thành các khu căn cứ, cơ sở cách mạng. Từ những khu căn cứ này, lực lượng cách mạng đã được củng cố, xây dựng ngày càng vững mạnh và đã phối hợp với nhân dân tổ chức nhiều trận đánh, phản công, đánh bại những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Những cái tên như chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hòa, địa đạo Tam giác sắt, chiến khu Long Nguyên, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh... đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành niềm tự hào của bao thế hệ. Ở mỗi di tích hôm nay vẫn còn lưu dấu rõ nét tinh thần yêu nước nồng nàn, những trận đánh sáng tạo cùng những chiến thắng oanh liệt của lực lượng cách mạng trên đất Bình Dương.

Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 60 di tích đã được xếp hạng, công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong những di tích đã được công nhận đó, có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân Bình Dương. Đây chính là điều kiện thuận lợi để kết nối di tích với phát triển du lịch và giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.

Trong thời gian qua, một số di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị du lịch lữ hành kết nối trong các tour du lịch về nguồn và tổ chức đưa khách đến tham quan, tìm hiểu. Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương tiến hành biên soạn, in ấn, phát hành bản đồ du lịch Bình Dương, cẩm nang du lịch Bình Dương, ấn phẩm Bình Dương - Du lịch về nguồn, tờ bướm giới thiệu các di tích tiêu biểu của tỉnh, trong đó có các di tích lịch sử cách mạng đến với du khách trong và ngoài nước. Ở một số địa phương, việc biên soạn, in, phát tờ bướm giới thiệu về các di tích, các điểm đến trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện.

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ đã dần khép lại nhưng lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc sẽ còn tồn tại mãi, là niềm tự hào, là động lực để các thế hệ sau tiếp bước. Những chứng tích còn lưu dấu hôm nay cùng những trang sử gắn liền với các di tích lịch sử cách mạng này chính là nơi giáo dục lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông một cách tốt nhất cho những thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình.

 Đơn vị phối hợp: Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương. Địa chỉ: Số 239, đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Điện thoại: (0274) 3 855 636. Website: www.dulichbinhduong.org.vn Email: ttxtdl@ binhduong.gov.vn

 

 Cẩm Lý

Theo Báo Bình Dương online