Phú Giáo Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh

Gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với du lịch sinh thái là một trong những định hướng chiến lược của huyện Phú Giáo.

Phú Giáo là huyện nông nghiệp, với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Những năm gần đây, trong xu thế phát triển chung, kinh tế nông nghiệp Phú Giáo đang chuyển mình sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Song song với đó, chiến lược phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, gắn với phát triển du lịch sinh thái bằng việc tận dụng các điểm đến du lịch sinh thái trên địa bàn như suối Rạt, suối bà Mụ hay du lịch tâm linh, với các điểm du lịch như Cầu Sông Bé, chùa Bửu Phước, dinh tỉnh Trưởng Phước Thành… đã và đang được Huyện ủy, UBND huyện xây dựng và triển khai bước đầu đã có những chuyển biến đáng ghi nhận trong nhận thức của các cấp Đảng, chính quyền địa phương thời gian qua.

Ông Phan Hữu Trí, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Giáo cho biết: Trong những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo ngành chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phát triển du lịch ở địa phương một cách cụ thể, đặc biệt tập trung vào phát triển du lịch sinh thái, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Kết quả, đã xây dựng được chương trình hành động cụ thể đó là “Chương trình hành động phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái của huyện Phú Giáo, giai đoạn 2016-2020”. Đây là một hướng đi đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Chương trình này vừa tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của huyện trong tương lai. Qua thời gian triển khai thực hiện Chương trình này đã và đang đạt được những bước tiến tích cực, điển hình như: Ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Giáo tiếp tục phát triển đúng định hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Tạo đà cho bước tiếp theo trong chương trình hành động của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kì 2020 – 2025.

Tính đến năm 2023 tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện đạt hơn 38.341 ha. Cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm ở những khu vực thổ nhưỡng phù hợp. Bên cạnh phát triển cây chủ lực là cao su, huyện còn hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ven sông, suối. Cây cam, bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt là các loại cây ăn trái chủ lực của huyện, với diện tích khoảng 1.600 ha. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2023 tăng bình quân trên 6,94%/năm. Cụ thể giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 75 triệu đồng/ha đất canh tác/ năm. Riêng vùng cây ăn trái nói chung và cây ăn trái ven sông Bé nói riêng có giá trị sản xuất đạt từ 500 triệu đồng trở lên tùy theo thời vụ và sự biến động của giá cả thị trường. Thực hiện Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Hàng năm UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân; Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã trở thành một giải pháp trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương. Đến nay, huyện Phú Giáo đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao. Trong đó, có 4 sản phẩm được chứng nhận 3 sao (gồm: HTX Nông nghiệp CNC Kim Long, HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên, Tổ yến Hiếu Hằng, Cà phê rang xay nguyên chất Đăng Nguyễn), 1 sản phẩm được công nhận 4 sao (Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I).

Ngoài ra, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái do Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao U&I làm chủ đầu tư với quy mô hơn 400ha cũng là địa điểm thu hút khách tham quan đến học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái và tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Hiện trên địa bàn huyện, các trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến được người dân mạnh dạn đầu tư, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, chăn nuôi theo quy mô trang trại tập trung trên địa bàn huyện đã và đang phát triển mạnh, đặc biệt là hình thức chăn nuôi gia công cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hộ gia đình trong huyện cũng đang dần chuyển sang chăn nuôi với quy mô trang trại tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Trên lĩnh vực hạ tầng phục vụ du lịch; hiện trên địa bàn huyện có 36 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với hơn 400 phòng; trong đó có 6 cơ sở đã được Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thẩm định, công nhận đạt tiêu chuẩn. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, môi trường sinh thái của địa phương. Thời gian qua, Phú Giáo tập trung khai thác, phát triển du lịch theo hướng du lịch gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, với một số sản phẩm du lịch gồm: Du lịch tham quan các Di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh kết hợp với tham quan các lễ hội truyền thống; Du lịch sinh thái, dã ngoại cuối tuần; Du lịch gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tham quan trang trại, vườn cây ăn trái ven sông Bé…

Đặc biệt, hiện nay huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch theo hướng đầu tư phát triển loại hình du lịch gắn với mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng phát triển làng thông minh, nhờ có sự hiện diện của nhiều trang trại, vườn cây ăn trái lớn như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao U&I, xã An Thái; Trang trại Chiến Thắng, xã Tam Lập; Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, xã An Bình; Công ty Cổ phần Vinamit, xã Phước Sang và các vườn cây ăn trái được đầu tư bài bản… Các điểm du lịch tiềm năng của huyện có thể thúc đẩy du lịch sinh thái – tâm linh phát triển như: Suối Rạt và suối bà Mụ, xã An Bình; di tích cầu gãy sông Bé (cầu gãy Phước Hòa), nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, xã Tam Lập; Công viên tượng đài chiến thắng Phước Thành; Dinh tỉnh Trưởng tỉnh Phước Thành (nay là Nhà Truyền thống huyện); chùa Bửu Phước, xã Phước Hòa; trong đó có 03 di tích Nhà truyền thống huyện, chùa Bửu Phước và cầu gãy sông Bé được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đó là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện đang thực hiện việc bảo tồn và duy trì hoạt động lễ hội Cầu Mùa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, xã Tam Lập; Tết ChôL Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, xã An Bình; điệu hát Then của đồng bào dân tộc Tày, xã Phước Hòa… đây là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng của huyện nhà.

Và để tận dụng được những điều kiện tự nhiên sẵn có, thời gian qua huyện đã và đang triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng nông thôn mới, đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm xây dựng lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao. Huyện cũng liên kết với các công ty du lịch để thu hút du khách đến vừa tham quan, nghỉ dưỡng, vừa trải nghiệm cuộc sống trong không gian nông thôn; kết hợp nông nghiệp công nghệ cao với du lịch qua những dịch vụ như mua, bán sản phẩm nông nghiệp tại chỗ, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… Cùng với đó, địa phương sẽ xây dựng chương trình phát triển du lịch sinh thái tại các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện có gắn với việc khai thác du lịch trên lòng hồ Phước Hòa.

Theo ông Phan Hữu Trí, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Giáo cho biết: Dù tiềm năng của địa phương khá lớn để khai thác và phát triển du lịch đặc biệt là du lịch gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, dã ngoại cuối tuần vừa tham quan vừa nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, thời gian qua các điểm du lịch của huyện chưa hoạt động ổn định, chưa tạo sức hút du khách bởi nhiều yếu tố như: Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đã bước đầu thực hiện nhưng mang lại hiệu quả chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư về hạ tầng để phát triển du lịch còn hạn chế; công tác vận động xã hội hóa xây dựng các mô hình, điểm du lịch còn khó khăn. Và để có chiến lược phát triển du lịch bền vững, thời gian gần đây, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cương khai thác ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quảng bá về hình ảnh du lịch Phú Giáo đến với du khách trong và ngoài huyện; tổ chức khảo sát khu đất phát triển khu du lịch sinh thái suối Rạt thuộc địa bàn xã An Bình và phương án thu hồi đất để đầu tư xây dựng quần thể khu di tích cầu Sông Bé trên địa bàn xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa; tiếp tục nâng cấp toàn diện hệ thống giao thông nông thôn lên một tầm mới, ngoài ra huyện đang trong quá trình nghiên cứu hình thành các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa phương, ưu tiên các địa phương đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao..... Có thể xem đây là những giải pháp quan trọng, tạo đòn bẩy để phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân nông thôn.

                                                                                                        HẢI SÂM