Suối Mạch Máng (suối Sọ)

Từ trụ sở UBND phường Tân Bình –  TP. Dĩ An, ngược xe về khu phố Tân Phước. Con đường mả 35 trải dài, uốn lượn trong khu phố từ lâu đã đi vào lịch sử. Đi trên con đường đã từng xảy ra sự kiện “Mả 35” (năm 1947) và trận đánh suối Mạch Máng (1968), cảm xúc về dòng lịch sử hào hùng nơi đây lại ùa về. 

binh duong image

“Mả 35” vẫn còn đó như nhắc nhở thế hệ con cháu Tân Bình về tội ác dã man của giặc Pháp. Tháng 3-1947, lính Pháp và Cao Đài mở cuộc hành quân càn quét khu vực lò đường An Phú thì lọt vào ổ phục kích của ta. Trên đường tháo chạy ngang qua ấp Tân Phước, hễ gặp đàn ông là chúng bắt theo về đồn. Đến 12 giờ trưa ngày 14-3-1947, chúng đưa 30 người bị bắt ra bắn, rồi bắt thêm 5 người khác đào huyệt và hành quyết, vùi tất cả 35 người chung một hố chôn tập thể. 

Đến thời kỳ chống Mỹ, cuộc chạm trán giữa quân ta và 2 tiểu đoàn lính Mỹ diễn ra ác liệt. Quân địch huy động 30 xe tăng càn vào nhưng không chiếm được trận địa. Bộ đội, du kích của ta kiên cường bám trụ, chiến đấu đến cùng. Tân Phước chìm trong lửa đạn, quân địch và quân ta đều tổn thất nặng nề. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh. Máu loang đỏ cả dòng suối, sau này người dân nơi đây gọi là suối Sọ. 

Để ghi nhớ công ơn các anh hùng đã hy sinh cho độc lập dân tộc, người dân Tân Bình hôm nay không chỉ xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ mà còn thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cuộc sống cho người có công với cách mạng. Bằng hình thức xã hội hóa, nổi bật nhất là các hộ dân ở Tân Bình đã hùn, đổi đất ở khu vực ven suối Sọ để xây dựng bia tưởng niệm truyền thống suối Mạch Máng (suối Sọ) với kinh phí 1,4 tỷ đồng. Công trình hoàn thành đúng 40 năm kỷ niệm ngày xảy ra trận chống càn; đồng thời, khu chứng tích tội ác thực dân Pháp - Mả 35 cũng được trùng tu vào năm 2010, kinh phí gần 1 tỷ đồng. Hai công trình này mang ý nghĩa lịch sử to lớn như những tài sản quý giá để giáo dục thế hệ trẻ khẳng định và tự hào truyền thống anh hùng của quê hương Tân Bình.