Lễ hội đua bò của đồng bào Khmer ở An Giang

Lễ hội đua bò ở vùng Bảy Núi (An Giang) là một trong những lễ hội được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Ðôn-ta (lễ cúng ông bà, tưởng nhớ tổ tiên) của đồng bào Khmer Nam Bộ, diễn ra khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hằng năm.

binh duong image

Từ năm 1992 đến nay, hoạt động này đã được nâng cấp thành  Ngày hội Văn hóa – Thể thao quy mô cấp tỉnh, do huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang luân phiên đăng cai tổ chức.

Để tham gia cuộc đua, bò phải được tuyển chọn từ vòng xã, huyện mới được lên thi đấu giải cấp tỉnh. Trường đua thực ra là một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, ngang 100m, có nước xâm xấp, được xới nhiều lần để tạo độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó. 

binh duong image

Thể thức đua bò là bắt thăm chọn ra từng cặp đấu và được sắp theo thứ tự đôi trước đôi sau. Người ta dùng bừa làm chỗ để  người điều khiển đứng vừa cầm dây vàm để kìm cương, vừa cầm roi có đầu nhọn như đinh (cây xà-luôl) để thúc vào mông bò... Cuộc đua gồm hai vòng, vòng một gọi là vòng “hô”; đây là vòng để làm nóng cho bò đi hai vòng quanh trường đua để lấy trớn. Vòng sau gọi là vòng “thả”, khi đến điểm xuất phát, người điểu khiển dùng roi kích vào mông bò và bò bắt đầu dùng hết sức lực để băng về đích... 

Luật thi đấu: trong lúc đua, nếu người điều khiển lỡ rớt chân hoặc té xuống đất sẽ bị loại ngay. Mặt khác, nếu cặp bò dở chứng phóng ra khỏi đường biên, dân đua gọi là “tạt”, cũng bị xử thua. Luật chơi còn quy định nhiều điều khá lý thú. Chẳng hạn ở 2 vòng hô, lúc khởi động, người điều khiển cho bò chạy chậm để 2 bên thăm dò nhau, sau đó dồn hết sức cho vòng đua nước rút, tức vòng thả. Đoạn quyết định thắng bại chỉ ở trong khoảng 80-100 m cuối. Nếu ở vòng hô, đôi bò chạy sau giẫm chân lên bừa của đôi bò trước là coi như thua cuộc, chờ năm sau thi đấu lại. Trái lại, vào vòng thả, ở đoạn luật cho phép, nếu đôi bò sau phóng nhanh đạp lên bừa đôi bò trước hoặc vượt qua là thắng cuộc, dù chưa tới đích. Ngoài ra, trong quá trình thi đấu, nếu đôi bò nào bị trục trặc kỹ thuật như gãy bừa, sứt nêm, gãy đầm cũng bị loại.

Trong quan niệm của người Khmer, đôi bò thắng giải mang đến cho cả phum sóc nhiều niềm vui, may mắn để có một vụ mùa bội thu. Sau khi thắng cuộc, người Khmer không giết, cũng không bán mà gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu của gia đình và phum sóc.

Lễ hội đua bò Bảy Núi mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con Khmer vùng Bảy Núi, An Giang. Lễ hội không chỉ có đông đảo các đội đua bò ở địa phương trong và ngoài tỉnh tham dự mà còn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

TTXTDL (tổng hợp)