5 điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Bình Dương

Nói đến Bình Dương, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến những khu công nghiệp phát triển với quy mô lớn được xếp vào hàng bậc nhất cả nước. Nhưng ít ai biết khi đến với Bình Dương ngoài vẻ khô khan của những khu công nghiệp, chúng ta còn có thể được hòa mình vào bầu không khí xanh tươi của các khu du lịch sinh thái nổi tiếng và những địa điểm tâm linh thành kính, để hiểu được hết những vẻ đẹp của Bình Dương hôm nay.

binh duong image

1. Chùa Bà

Chùa Bà hiện nay tọa lạc tại số 04 đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một và tại P. Phú Chánh, TX. Tân Uyên (khu thành phố mới Bình Dương). Chùa do 4 ban người Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu.

binh duong image

Cổng chùa Bà

Hàng năm, chùa Bà Thiên Hậu tổ chức lễ hội rước kiệu Bà vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch, đây được xem là lễ hội lớn nhất ở Bình Dương, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong tỉnh và từ các tỉnh thành lân cận đến hành hương.

binh duong image

Nghi thức rước kiệu Bà

Lễ cúng vía Bà được tiến hành vào lúc nửa đêm 14 đến sáng 15 tháng Giêng, khách hành hương đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi. Ngôi chùa được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quan cảnh ngày hội thêm lộng lẫy. Ngày 15, lễ rước kiệu Bà được tổ chức theo lối cổ truyền: kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng đội múa lân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới tại chùa và trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua.

binh duong image

Số lượng người tham gia lễ hội

2. Nhà thờ Chánh Tòa giáo phận Phú Cường.

Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường nằm ở số 104, đường Lạc Long Quân, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, gần vòng xoay ngã 6 Thủ Dầu Một. 

Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường

Đến Thủ Dầu Một mà không ghé tham quan nhà thờ Chánh toà giáo phận Phú Cường quả là một thiếu sót. Hình ảnh ngôi nhà thờ cũ với tiếng chuông ngân nga mỗi chiều đã được thay thế bằng một ngôi nhà thờ mới theo phong cách Gothic nhưng dáng dấp đầy hiện đại sau khi được tôn tạo.

3. Cafe Gió và Nước.

Cafe Gió và Nước đã đoạt huy chương vàng Giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008. Đây là lần đầu tiên Kiến trúc sư Việt Nam, được nhận giải thưởng này và cũng là giải thưởng cao nhất. Địa chỉ: Đường Trần Bình Trọng, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.

binh duong image

Cafe Gió và Nước

Một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng chủ yếu bằng cây tầm vông, một loại cây sẵn có ở Bình Dương mang sắc thái dân tộc phong phú làm vật liệu chủ yếu. Thực khách thoải mái thưởng thức cafe và những món ăn nhẹ giữa khung cảnh thanh bình, thoáng mát và rất lịch sự.

binh duong image

Giữa không gian sàn uống cà phê là một hồ nước nhân tạo. Thoạt nhìn đáy hồ sâu thăm thẳm, nhưng thực ra hồ chỉ cạn chưa đến gối, chính cách tận dụng màu sắc đá đen tạc dưới đáy hồ mang đến cảm giác rất sâu. Nơi khách ngồi uống cà phê thấp hơn mặt hồ. Theo lý giải của kiến trúc sư thì cách bố trí mặt bằng như vậy giúp khách tận hưởng được luồng gió nước mát đưa từ mặt hồ sang. Thời gian từ khi thiết kế đến thi công mất 1 năm, với tổng chi phí là 1,5 tỷ đồng cho khuôn viên quán rộng 1.403 m2 (1.070.000 đồng/m2).

4. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu.

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu nổi tiếng từ xưa đến nay là vùng sinh thái nông nghiệp rất đặc sắc của Bình Dương và của cả vùng Đông Nam bộ, đã từng được xem là “Thánh địa” của các loại cây lành trái ngọt.

Hàng năm bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), người dân ở khắp nơi kéo về Lái Thiêu du lịch dã ngoại tại những vườn cây xanh mát, đầy quả ngọt trĩu cành, bên cạnh dòng sông Sài Gòn hiền hòa. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu trải rộng 1.200 ha trên địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn như Vĩnh phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn; đây là vùng trồng cây ăn trái lâu đời, khoảng 200 năm tuổi với nhiều chủng loại trái cây đặc sản nổi tiếng và được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ như: Sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, nhưng nổi bật nhất là Măng cụt Lái Thiêu.

binh duong image

Niềm vui mùa trái chín

5. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp.

Xuôi theo Quốc lộ 13 về hướng Bắc, qua trạm thu phí Suối Giữa rẽ trái vào đường Hồ Văn Cống, du khách sẽ thấy tấm bảng lớn với tiêu đề “Làng sơn mài Tương Bình Hiệp” như giới thiệu với quý khách gần xa biết đây là địa bàn của dân làm nghề sơn mài. Càng đi sâu vào trong làng, du khách sẽ gặp nhiều cửa hàng bày bán đủ mặt hàng được làm từ sơn mài. Từ những sản phẩm lớn như tủ, giường, bàn ghế, đến những sản phẩm nhỏ hơn như tranh ảnh, bình hoa, hộp đựng đồ trang sức… bằng bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, các sản phẩm ấy trở nên giá trị với những đường nét tinh xảo, nhẹ nhàng.

Xưởng sơn mài tại Tương Bình Hiệp

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp nhiều thế kỷ nay vẫn là niềm tự hào, vinh dự của người dân địa phương, được xem là chiếc nôi của nghề sơn mài trên đất Bình Dương và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là “Làng nghề truyền thống”. Đến thăm làng sản xuất sản phẩm sơn mài, du khách được tận mắt nhìn thấy và tìm hiểu từng công đoạn của nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam, tìm mua cho mình một sản phẩm ưng ý nhất làm quà cho gia đình, bạn bè sau mỗi chuyến đi xa.

binh duong image

binh duong image

Sản phẩm sơn mài hoàn thiện

TTXTDL