Bình Dương khôi phục vườn cây đặc sản Lái Thiêu
NDĐT - Tháng năm mùa trái chín, chúng tôi trở lại thăm vùng đất Lái Thiêu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), nơi một thời nức tiếng cả nước với những vườn cây ăn trái đặc sản trải dài bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng. Nhìn những vườn cây xanh tốt, trĩu quả trên cành đong đưa theo gió, chúng tôi tin rằng, vườn trái cây Lái Thiêu đang hồi sinh mạnh mẽ.
Xanh lại vườn cây đặc sản Lái thiêu
Chúng tôi đến thăm An Sơn, là xã nông thôn mới của thị xã Thuận An vào mùa trái chín. Không khí ở đây mát mẻ và trong lành, gió chiều thổi nhẹ làm thoảng hương thơm cây trái. Hai bên đường là những vườn cây trĩu quả và rộn ràng tiếng nói, tiếng cười khi nhà vườn tất bật thu hoạch trái cây bán cho thương lái.
Trong niềm vui được mùa được giá, chỉ tay về khu vườn chỉ rộng hơn 2.000 m2, bà nông dân Hồ Thị Bởi khoe: “Năm nay, măng cụt có giá, tại vườn 32.000 đồng/kg, bà con trồng cây ăn trái rất phấn khởi, vì có thêm thu nhập.
Măng cụt được mùa, được giá, người dân vùng đất Lái Thiêu có thêm thu nhập.
“Với gần 40 cây măng cụt trong vườn năm nay cho gia đình tôi thu nhập thêm hơn 40 triệu đồng. Nhiều năm liên tiếp cây măng cụt mang đến niềm vui cho người nông dân”, bà Hồ Thị Bởi chia sẻ thêm.
Kế An Sơn là phường An Thạnh, dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cây thơm lừng mùi trái chín. Lý giải vườn cây tươi tốt tràn đầy sức sống, ông Trần Văn Đồng cho biết, có được vườn cây thế này là do mấy năm gần đây, hệ thống nước dẫn nội đồng và đê bao được Nhà nước quan tâm cải thiện đúng mức. Từ đó, những vườn cây ăn trái ở phường An Thạnh nói riêng và cả vùng Lái Thiêu nói chung như: dâu, măng cụt, mít tố nữ, sầu riêng đã phát triển trở lại.
“Với bình quân mỗi ngày thu nhập hơn 400.000 đồng từ trái cây trong vườn, mùa trái cây năm nay cũng cho tôi thu nhập thêm vài ba chục triệu đồng”, ông Trần Văn Đồng nói trong tâm trạng hài lòng.
Không riêng gì An Sơn và An Thạnh, trên trục đường DT 745 hướng về TP Hồ Chí Minh qua phường Hưng Định, Bình Nhâm, Lái Thiêu và Vĩnh Phú, những ngày đầu tháng năm, vào dịp Tết Đoan Ngọ, hai bên đường nhộn nhịp cảnh người mua, kẻ bán. Không ít người dân nhiều nơi, nhất là khách du lịch đổ về chỉ để trực tiếp thưởng thức các loại trái cây đặc sản, tươi rói, nức mùi thơm của vùng đất Lái Thiêu, mà nhà vườn vừa hái xuống. Nhìn những cần xé trái cây, nào là dâu, mít tố nữ, chôm chôm, đặc biệt là măng cụt được người mua chọn lựa, chất lên xe, ăn tại chỗ thật nhộn nhịp, vui tươi.
Chị Lan Hương cùng bạn bè đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đã mấy năm nay, năm nào tôi cũng rủ bạn bè đến vườn cây Lái Thiêu để thưởng thức trái cây tươi và hít thở không khí của nhà vườn”.
Chứng kiến quang cảnh này, chúng tôi tin rằng, vườn trái cây Lái Thiêu một thời nổi tiếng cả nước về du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, đang hồi sinh mạnh mẽ.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội nông dân xã An Sơn, Vũ Thị Cẩm Hà cho biết, cũng như nhiều địa phương khác tại thị xã Thuận An, cây ăn quả tại An Sơn đang có dấu hiệu phục hồi. Đến nay, toàn xã đã khôi phục lại hơn 250 ha trái cây. Kết quả là nhờ chính sách hỗ trợ, giữ gìn và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương. Dù không chi trực tiếp bằng tiền, nhưng tỉnh đã hỗ trợ năm triệu đồng/ha tiền phân bón, bốn triệu đồng/ha cho công tác nạo vét kênh mương, hỗ trợ 100% giống cây trồng mới, kinh phí tập huấn khoa học - kỹ thuật. Những hỗ trợ gián tiếp này đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp người nông dân giảm nhẹ chi phí, có điều kiện phục hồi cây ăn trái, tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa thiết thực để gây dựng lại vườn cây đặc sản nức tiếng một thời.
Phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn giá trị văn hóa
Thực tế, vườn cây ăn trái Lái Thiêu trải rộng trên địa bàn sáu xã, phường ven sông Sài Gòn của thị xã Thuận An, như: phường Vĩnh phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh và xã An Sơn. Thổ nhưỡng của vùng đất này vốn màu mỡ, thích hợp với nhiều chủng loại trái cây ăn quả đặc sản của vùng nhiệt đới, như: sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, đặc biệt là măng cụt. Đây cũng là vùng trồng cây ăn trái được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ, với bề dày truyền thống khoảng 200 năm.
Nhiều năm trước, cây suy thoái vì già cỗi và hệ thống kênh mương chưa tốt, cây chết, sản lượng sụt giảm, thu nhập cũng giảm theo. Từ đó, người dân nản lòng, diện tích cây ăn trái ở Lái Thiêu có lúc giảm mạnh. Trước tình hình đó, tỉnh Bình Dương đã quyết liệt từng bước khôi phục lại vườn cây trái danh tiếng và lợi ích kinh tế của trái cây Lái Thiêu. Bình Dương đã mạnh tay chi hàng trăm tỷ đồng đắp hệ thống đê bao dài hàng chục kilômet và khai thông, nạo vét các công trình thủy lợi quanh vùng chuyên canh cây ăn trái, để bảo đảm vườn cây không thiếu nước, không nhiễm mặn, ngập úng. Nhờ đầu tư đúng mức, đồng bộ và có chiều sâu, vườn cây Lái Thiêu có cơ hội phát triển trở lại và theo hướng bền vững.
Theo ông Trương Công Thạch, Phó Trưởng phòng kinh tế thị xã Thuận An, đến nay, vùng cây ăn trái Lái Thiêu đã phát triển lên 1.238 ha, gồm: sầu riêng, mít, măng cụt… Trong đó, diện tích cây măng cụt là nhiều nhất, với 661 ha. Cùng việc phát triển diện tích, hỗ trợ người trồng cây ăn trái đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, Bình Dương cũng quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho trái cây Lái Thiêu.
Đến nay, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu tập thể “măng cụt Lái Thiêu” cho nông dân, sắp tới, nhiều chủng loại trái cây đặc sản khác sẽ tiếp tục được đăng ký. Việc này vừa gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp để cùng bảo tồn chất lượng trái cây, một đặc sản riêng của địa phương, vừa góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, làm tăng thêm giá trị vườn cây.
Không chỉ có chất lượng về trái cây, nằm trong hệ thống vùng du lịch sinh thái Nam bộ và cách TP Hồ Chí Minh khoảng 25 km, vùng cây Lái Thiêu là khu vực đặc biệt có không khí trong lành; có điều kiện khí hậu rất tốt cho du lịch nghỉ dưỡng. Đây là điều kiện tốt để phát triển ngành “công nghiệp không khói” từ các vườn cây. Thấy được thế mạnh này, gần đây, Bình Dương đã chú trọng công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm trái cây gắn với du lịch. Trong đó, nổi bật là “Lễ hội mùa trái chín” với tâm điểm là đặc sản trái cây Lái Thiêu.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, lễ hội hướng đến mục đích khôi phục lại thương hiệu “vườn cây ăn trái Lái Thiêu”, với bề dày truyền thống qua bao đời, là dịp để các chủ nhà vườn, các doanh nghiệp trao đổi cơ hội đầu tư, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là trái cây. Lễ hội góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc quan tâm, khôi phục các loại cây ăn trái đặc sản vùng đất Lái Thiêu, phục hồi thương hiệu vườn trái cây Lái Thiêu. Qua đó, tạo điều kiện cho các loại hình du lịch sinh thái phát triển thuận lợi.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bình Dương muốn phát triển bền vững cần quan tâm gắn kết hài hòa với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, chú trọng đến nông nghiệp công nghệ cao. Vùng cây ăn trái trù phú Lái Thiêu không chỉ nổi tiếng của miền Đông Nam Bộ về cây lành quả ngọt, mà còn được xem như “lá phổi xanh” quý hiếm giúp cân bằng sinh thái giữa vùng đông đúc các khu công nghiệp, khu đô thị của Bình Dương và cả khu vực lân cận của TP Hồ Chí Minh.
Vì vậy, việc nỗ lực khôi phục “lá phổi xanh” vùng cây ăn trái Lái Thiêu là việc làm đúng hướng. Điều này vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất ven sông Sài gòn, vừa phục hồi bản sắc du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái đã từng vang bóng một thời.
Bình Dương khai mạc chợ phiên nông sản lần thứ I.
TTXTDL (Sưu tầm)
Bài viết tiếp theo
Tọa đàm “Phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ hội nhập”
Bảo tàng Quân đoàn 4: Tái hiện lịch sử, giáo dục truyền thống
Một ngày làm nông dân thực thụ tại nông trại TRee – Child Farm Bình Dương
Vinh danh 80 doanh nghiệp nhận được Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2014
Bài viết liên quan
Danh sách các cửa hàng Chicken Plus tại Bình Dương tính đến hiện tại
Hành trình 1 ngày khám phá các điểm đến nổi tiếng ở Thủ Dầu Một
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)