“Cầu Ngang mùa hẹn”: Nỗ lực lấy lại thương hiệu
Từ chiều ngày 1-6, các ngả đường về khu vực trung tâm Cầu Ngang thuộc khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định, TX.Thuận An đã tấp nập người bán kẻ mua. Lâu rồi mới có một lễ hội quy mô như thế diễn ra nên bà con hẹn nhau đến tham quan, mua bán rất đông. Cả một đoạn đường dài ven rạch Vàm Búng được chặn các phương tiện giao thông, trở thành một “phố đi bộ” để người dân thuận tiện mua bán, thưởng thức đặc sản trái cây miệt vườn.
Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín lần này có hơn 120 gian hàng trái cây, ẩm thực các vùng miền, hàng gốm sứ và thương mại, dịch vụ tham gia tạo điều kiện cho du khách cũng như người dân địa phương tham quan, mua sắm. Sau chương trình khai mạc là các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Sân khấu hóa, ca nhạc, tổ chức vòng bán kết hội thi Hương sắc miệt vườn lần thứ 2-2019 với 41 thí sinh dự thi.
“Thông qua lễ hội lần này, UBND TX.Thuận An mong muốn các ngành chức năng của địa phương tăng cường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà vườn để chung tay góp sức khôi phục lại thương hiệu khu du lịch Cầu Ngang - Lái Thiêu nổi tiếng trước đây. Lãnh đạo thị xã cũng kêu gọi các hộ nông dân, nhà vườn luôn nỗ lực để cùng chính quyền duy trì trái cây đặc sản. Cần thay đổi tư duy, phương thức kinh doanh, thân thiện trong phục vụ du khách, tránh tình trạng ép giá, cò mồi, xây dựng hình ảnh thân thiện, nhiệt tình trong lòng du khách từ đó thu hút nhiều hơn lượng khách đến nhà vườn du lịch dã ngoại”. (Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TX.Thuận An) |
Tại hội chợ trái cây, để thêm phần phong phú, Ban tổ chức đã bố trí 60 gian hàng dưới hình thức bán trái cây và giống cây trồng. Ngoài các nhà vườn ở TX.Thuận An còn có các gian hàng đến từ TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng. Các nhà vườn nổi tiếng của các tỉnh miền Tây như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ… cùng các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng tham gia lễ hội lần này.
Hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ cũng được bày bán rất nhiều, thuận tiện cho bà con lựa chọn khi tham gia lễ hội. Gốm sứ Cường Phát được rất nhiều khách chọn mua. Bà Trần Thị Xuân, nhà ở An Sơn, TX.Thuận An, cho biết cả 2 lễ hội bà đều tham dự và cảm thấy rất vui sau một thời gian gián đoạn, lễ hội Lái thiêu mùa trái chín lại được tổ chức. Bà Nguyễn Thị Hằng, ở phường Hưng Định, TX.Thuận An nói, đây là cơ hội rất tốt cho các nhà vườn xung quanh bán trái cây, giới thiệu vườn cây ăn trái của mình đến du khách gần xa, nhất là vào dịp Tết Đoan Ngọ 5-5 âm lịch hàng năm.
Theo chị Trần Yến Nhi (ở TP.Hồ Chí Minh): “Năm nay tôi mới biết được lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín và đã đưa cả gia đình đến đây tham quan. Không chỉ là một dịp du lịch miệt vườn đơn thuần, tôi còn mua được nhiều món hàng gốm sứ gia dụng rất đẹp của Công ty Gốm Cường Phát. Các con của tôi cũng đã được trải nghiệm làm heo đất nên rất thích thú. Cách TP.Hồ Chí Minh không xa nên đây là điểm du lịch dã ngoại lý tưởng dành cho người thân, bạn bè”.
Nỗ lực lấy lại thương hiệu vùng du lịch sinh thái
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TX.Thuận An, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín là một trong những hoạt động quảng bá về TX.Thuận An, giới thiệu đặc sản trái cây nổi tiếng, nghề gốm sứ truyền thống và sự phát triển của TX.Thuận An những năm qua. TX.Thuận An là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của tỉnh. Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp, Đảng bộ và chính quyền thị xã còn quan tâm đến phát triển nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt TX.Thuận An đã chú trọng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và duy trì các vùng chuyên canh cây đặc sản, cây ăn trái truyền thống của địa phương.
Lái Thiêu - Bình Dương nổi tiếng với các vườn cây ăn trái, người dân cần cù, chịu thương chịu khó cùng với ưu đãi của thiên nhiên đã tạo nên những loại cây ăn trái rất đặc biệt, như: Măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ, dâu, bòn bon… đã chinh phục được khẩu vị của nhân dân trong và ngoài khu vực, trở thành một món ngon không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ hàng năm của nhân dân vùng Nam bộ xưa và nay.
Cũng theo ông Tâm, việc tổ chức lễ hội cùng với các hoạt động khác, như: Hội thi Hương sắc miệt vườn, đờn ca tài tử, đua xuồng ba lá, liên hoan ẩm thực, hội chợ thương mại, du lịch sinh thái… còn là dịp nhằm nâng cao ý thức gìn giữ vườn cây, bảo tồn giống cây ăn trái, khôi phục thương hiệu vườn cây ăn trái Lái Thiêu đã gắn liền với quá trình phát triển của vùng đất màu mỡ này. Đây còn là sự kiện quan trọng để các nhà vườn, doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, trao đổi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây ăn trái đặc sản để quảng bá văn hóa đặc sắc của vùng đất, con người Thuận An.
QUỲNH NHƯ
Bài viết tiếp theo
Kể chuyện nghề y người Việt xưa qua hiện vật...
Thông báo Tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh đẹp du lịch Bến Tre năm 2019
Về Bình Dương du xuân và dự Lễ hội Rằm tháng Giêng
Du lịch về nguồn – Sức hút từ Bình Dương
Bài viết liên quan
Danh sách các cửa hàng Chicken Plus tại Bình Dương tính đến hiện tại
Hành trình 1 ngày khám phá các điểm đến nổi tiếng ở Thủ Dầu Một
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)