Chiêm ngưỡng ngôi chùa có tượng Phật nhập Niết bàn trên mái dài nhất châu Á
Được xây dựng lại từ giữa thế kỷ 19, trải qua gần 150 năm, ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc thủa ban đầu, trong một khuôn viên rộng rãi, yên tĩnh dưới những hàng dầu cổ thụ cao hàng chục mét.
Chùa Hội Khánh tọa lạc tại số 35 đường bác sĩ Yersin, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993.
Chùa xây dựng từ năm 1741, tuy nhiên đến năm 1861, chùa đã bị người Pháp thiêu hủy. Năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích 1.211m2. Tuy được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu.
Ngoài kiến trúc thì nét nổi bật của ngôi chùa mà du khách có thể cảm nhận ngay khi bước chân vào là khuôn viên rất rộng rãi, rợp bóng những cây Dầu cổ thụ cao hàng chục mét. Không gian này tạo cho ngôi chùa khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm giữa một đô thị đang chuyển mình.
Năm 2007 chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật hành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn). Đây là những công trình có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp.
Tượng “ông Nhật”, “bà Nguyệt” ở hai hướng Đông – Tây trên mái chùa, tượng trưng cho yếu tố “âm” và “dương”
Một phù điêu chim Phụng trên mái chùa được đắp công phu với những trang trí bằng mảnh sành rất đẹp mắt.
Trong những năm 1923 -1926, chùa là nơi ẩn náu, quy tụ các nhân sĩ: nhà nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra “Hội danh dự” với sự tham gia của chính hoà thượng Từ Văn, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác Hồ), cụ Tú Cúc… Mục đích của Hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước.
Cấu trúc chùa gồm bốn phần chính gồm: Tiền điện – chánh điện; giảng đường kiến trúc này có 92 cột gỗ quý; hành lang phía Đông và Tây của chùa bố trí theo kiểu “sắp đôi” nối liền nhau với kiến trúc “trùng thềm, trùng lương”. Đây là biến tấu đặc biệt trong kiến trúc theo truyền thống chùa cổ xứ Nam Kỳ. Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ...
Tranh tượng, tự khí thờ phụng được các nghệ nhân điêu khắc, chạm trổ rất công phu, sắc sảo… đặc biệt là bộ bao lam “thập bát La Hán” (tạo tác năm 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước chánh điện; các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925). Ngoài ra, nhà chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm
Một vị sư đang làm lễ tại chính điện.
Đặc biệt, chỉ trên một cây dầu trước cửa chùa có bốn tổ ong lớn, với độ dài gần 1m, mỗi tổ có hàng con ong mật. Ông Lê Minh Hòa - người dân tại đây cho biết do khuôn viên chùa yên tĩnh, quanh khu vực này có nhiều hoa trái, lại ở trên cây cao nên bầy ong sinh sống rất hiền hòa. "Không những không gây hại, bầy ong còn khiến ngôi chùa thêm thú vị, chúng như những người "gác cổng" cho khu di tích này" - ông Hòa nói.
Một tổ ong trên cây
Ngôi tháp 7 tầng, cao 27m được xây dựng phía bên phải chùa vào năm 2007.
Năm 2008, một Phật đài cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều ngang 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện … Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Công trình này được khánh thành trọng thể vào ngày Rằm tháng Hai năm Canh Dần (30-3-2010) mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tháng 5/2013, Tổ chức kỷ lục châu Á đã chính thức xác lập tượng Phật nằm tại chùa Hội Khánh là: “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á”
Đây cũng chính là địa chỉ của trường trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương, là nơi đào tạo các thế hệ kế thừa Phật pháp, đồng thời là trung tâm văn hóa Phật giáo của tỉnh, nơi chiêm bái của Phật tử.
TTXTDL Theo: infonet.vn
Bài viết tiếp theo
Đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông
Khu du lịch Đại Nam với nhiều ưu đãi hấp dẫn chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Mỗi đoàn viên thanh niên sẽ là một tuyên truyền viên du lịch
Lễ hội văn hóa thế giới TP. HCM và Gyeongju 2017 thu hút hơn 3 triệu lượt người tham gia
Bài viết liên quan
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)
Hình ảnh làng nghề gốm sứ Bình Dương xuất hiện trên tờ vé số truyền thống
Huyện Bàu Bàng tổ chức Lễ tưởng niệm 61 năm ngày anh hùng liệt sĩ Trừ Văn Thố hy sinh (18/10/1963 - 18/10/2024)