Điểm qua 5 Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của tỉnh Bình Dương tính đến hiện nay

Bình Dương bên cạnh là một tỉnh phát triển mạnh về kinh tế nhất là công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ và đồng thời cũng là một tỉnh giàu giá trị lịch sử, di sản văn hóa đặc sắc cả về vật thể và phi vật thể. Trong nhiều di sản phi vật thể thì tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: "Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp", "Nghề gốm Bình Dương", "Võ lâm Tân Khánh Bà Trà", "Lễ hội Kỳ yên đình Tân An" và "Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An".

1/ Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng cư dân Bình Dương, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá của tỉnh Bình Dương, mà còn là di sản văn hoá phi vật thể đáng trân trọng của dân tộc. Ngày 6/4/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp hình thành từ thế kỷ XVIII, do lưu dân người Việt từ miền Bắc, miền Trung mang theo vào vùng đất mới trong quá trình khai hoang, lập ấp. Thoạt đầu, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp hoạt động dưới dạng cha truyền con nối, dần dần phát triển thành làng nghề khá sầm uất, đỉnh điểm có khi lên đến 90% hộ gia đình tại địa phương cùng làm nghề nhất là vào thập niên 80, 90 của thế kỷ 20. Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp luôn được các thế hệ nghệ nhân, thợ thủ công lưu truyền cho đến hiện nay.

Để làm thành một tác phẩm sơn mài là cả một quá trình đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người thợ. Tùy vào loại sản phẩm mà cốt sẽ được tạo bằng những chất liệu khác nhau, như gỗ dùng làm bàn ghế, tủ, bình; ván ép dùng làm tranh, hộp; gốm dùng làm bình, tượng; vải hay giấy dùng làm cốt cho những sản phẩm có kiểu dáng nhẹ, mỏng như bát đĩa, độc bình. Vì là một chủng loại khá đặc biệt, sơn mài có thể phân thành nhiều thể loại khác nhau như: sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng, sơn khắc… 

Để tạo ra một tác phẩm sơn mài sản xuất theo kiểu truyền thống thường phải trải qua 25 công đoạn khắt khe, đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian. Có công đoạn phải làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót. Riêng công đoạn sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 - 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Sau công đoạn phất vải, thông thường người thợ phải qua 5 công đoạn sơn là sơn bóng, sơn nam, sơn lót, sơn quang thọ, sơn quang… Sơn có thể từ 16 đến 30 lớp tùy vào sản phẩm là tranh khổ lớn, khổ nhỏ, cẩn ốc, cẩn trứng, dát vàng, dát bạc hay là một loại đồ mỹ nghệ cụ thể. Nếu trước đây người thợ phải mài sau mỗi lớp thì ngày nay họ đã có cải tiến, chỉ mài sau khi hoàn tất xong từng công đoạn, tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật tạo tác.

Thực trạng của nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp trong những năm gần đây có chiều hướng giảm mạnh về số hộ gia đình làm sơn mài. Nhiều hộ gia đình sản xuất sơn mài làm ăn nhỏ, lẻ không đủ sức cạnh tranh trên thị trường nên đành phải bỏ nghề, một số cơ sở sản xuất sơn mài lớn khác do không duy trì được nguồn vốn đầu tư dài hạn, và đang có nguy cơ phá sản. Một số cơ sở sản xuất sơn mài muốn giảm giá thành để cạnh tranh trên thị trường nên làm hàng kém chất lượng, mất uy tín với khách hàng; việc thay thế sơn ta bằng sơn công nghiệp làm mất đi vẻ tinh tế, dung dị và độc đáo của sơn sản phẩm truyền thống Tương Bình Hiệp. Nhiều người thợ sơn mài chuyển sang làm công nhân hoặc công việc khác để có thu nhập ổn định hơn do hoàn cảnh cuộc sống và do sự bấp bênh của nghề. Mặt khác, công tác quảng bá chưa được chú trọng và công tác hỗ trợ người làm nghề của các cấp, các ngành địa phương chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Dù vậy nhưng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đã và đang thể hiện một sức sống bền bỉ và là một di sản quý giá của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Những nguy cơ, thử thách này vẫn có thể được khắc phục nếu có những chính sách hợp lý, hiệu quả trong hỗ trợ cho những người làm nghề. 

2/ Nghề gốm Bình Dương

“Nghề thủ công truyền thống nghề gốm Bình Dương” được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo quyết định số 598/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Lịch sử làng nghề gốm Bình Dương bắt đầu từ thế kỷ 17, khi một thương nhân người Hoa tình cờ phát hiện loại đất màu trắng đặc biệt có thể tạo thành đồ gốm. Nghề gốm ở Bình Dương có ba làng nghề sản xuất khá tập trung gồm Tân Phước Khánh (Tân Uyên), Lái Thiêu (Thuận An) và Chánh Nghĩa (Thủ Dầu Một) với hàng trăm cơ sở sản xuất, chủ nhân các lò sản xuất gốm tại đây đa số là người Việt gốc Hoa. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, làng nghề Tân Phước Khánh đã có hơn 10 lò gốm thủ công, sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng như chén, dĩa, ấm tách, chậu hoa, bình lọ, và các vật trang trí khác. Từng sản phẩm gốm đều chứa đựng tâm hồn, tài năng, trình độ, sáng tạo, tinh thần lao động của người thợ. Điều đó còn thể hiện sự học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm qua các thế hệ và không ngừng sáng tạo của con người. Đồng thời, nghề gốm Bình Dương còn thể hiện sự tiếp biến văn hóa, giao lưu văn hóa của các cộng đồng Việt - Hoa trên đất Bình Dương từ khi hình thành đến nay.

Các sản phẩm gốm của Bình Dương có đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và tính ứng dụng, từ các sản phẩm gốm trang trí cho đến các sản phẩm gốm gia dụng như lu khạp chứa nước, chén bát đựng đồ ăn,... Các sản phẩm này không chỉ đẹp mắt mà còn có độ bền cao. Ngoài ra, heo đất thủ công ở Lái Thiêu và lu, hũ ở lò gốm Đại Hưng ở thành phố Thủ Dầu Một cũng là những sản phẩm độc đáo của gốm thủ công Bình Dương.

3/ Võ lâm Tân Khánh Bà Trà

“Tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian võ lâm Tân Khánh Bà Trà” được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo quyết định số 599/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Võ Tân Khánh, Võ Bà Trà hay Takado… đều là tên dùng để chỉ một một môn phái võ thuật được hình thành và phát triển ở Bình Dương vào nửa đầu Thế kỷ XIX, sau này được phát triển rộng khắp ra nhiều vùng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tên gọi “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” là một tên gọi ghép bao gồm nhiều thành tố mang ý nghĩa khác nhau: “Võ Lâm” – hình thức, loại hình võ thuật; “Tân Khánh” – vùng đất khởi thủy, khởi phát của môn phái; “Bà Trà” – người sáng lập, Tổ sư môn phái… Theo tác giả Hồ Tường, môn phái Tân Khánh Bà Trà thuộc dòng “võ lâm” – tức hệ thống võ thuật được người đời đúc kết, truyền dạy trong dân gian, qua các nhóm, hội…trên mọi miền lãnh địa, không yêu cầu hệ thống, bài bản nhất định, tồn tại dưới dạng miếng đánh, thế đánh…Khi các đòn thế, bài bản trong dân gian được hội tụ tại mảnh đất “Tân Khánh – Bình Chuẩn” đặc biệt dưới tài võ nghệ của nhân vật Võ Thị Trà đã hình thành nên một môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà nổi danh khắp chốn. Miệt “Tân Khánh – Bình Chuẩn” được mệnh danh là “Đất võ Phương Nam”.

Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có hình thức biểu hiện rất đa dạng, phong phú với hàng trăm các đòn thế, bài bản sử dụng linh hoạt các bộ phận trên cơ thể để tấn công, phòng thủ như tay, chân, đầu gối, cùi chỏ và hàng chục các binh khí cổ truyền, trong đó có nhiều loại binh khí riêng của môn phái như khăn, đòn xóc, đòn gánh, kỷ (ghế), kỳ (cờ), liềm, thiết phủ…những binh khí là nông cụ sản xuất và vật dụng đời thường gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp.

Đặc trưng nổi bật nhất của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà là tính linh hoạt, tinh giản và hiệu quả; lối đánh liên hồi nhằm triệt hạ đối thủ, có tính sát thương cao. Các chiêu thức, đòn thế của môn phái được tinh giản đến mức tối lược, nhằm dễ nhớ, sử dụng nhanh chóng và tạo ra những đợt tấn công tổng lực khiến đối thủ không có cơ hội kháng cự. Các chiêu thức, đòn thế của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đánh không có điểm dừng, đòn này liên tiếp – nối tiếp đòn khác, đó cũng là điểm khác biệt lớn với võ thuật Việt Nam thường thấy.

4/ Lễ hội Kỳ Yên Đình Tân An

Đình Tân An tọa lạc tại phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1261/QĐ - BVHTTDL ngày 26/4/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngày 12/1/2022, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL). Đình Tân An có phong cách kiến trúc độc đáo, là di tích lịch sử - văn hóa, nơi còn lưu giữ được Sắc phong của vua Tự Đức. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Tân An là nơi diễn ra nhiều hoạt động cách mạng của địa phương.

Lễ hội Kỳ yên (Cầu an) có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh của người Việt, có ý nghĩa cầu mưa thuận gió hóa, đất đai tươi tốt, nước mạnh dân yên. Khi người Việt vào đất phương Nam khẩn ấp lập làng, đối diện với muôn vàn hiểm nguy từ thiên nhiên khắc nghiệt, những cơ sở thờ tự ra đời. Đình làng là một trong những nơi mà người Việt gửi vào đó tất cả niềm mong ước được thần Thành Hoàng bảo vệ cuộc sống. Những người lao động quanh năm với cuộc sống mưu sinh, họ luôn khao khát được bình yên, khỏe mạnh và họ đã dựa vào đấng siêu nhiên, những vị thần linh mà họ tôn kính. Từ đó, ở Nam Bộ, lễ hội Kỳ yên trở thành đại lễ, lễ chính ở các ngôi đình, trong đó có Lễ hội Kỳ yên Đình Tân An.

Đình Tân An tổ chức lễ hội Kỳ yên vào tháng 11 âm lịch. Lễ hội Kỳ yên thường niên (vào các năm Sửu, Dần, Thìn, Tỵ, Mùi, Thân, Tuất, Hợi), đình Tân An tổ chức lễ hội kỳ yên với quy mô nhỏ, diễn ra trong 1 ngày (15 tháng 11). Sau 3 năm đáo lệ (vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu), đình Tân An tổ chức lễ hội với quy mô lớn, kéo dài trong 3 ngày, có mời đoàn hát Bội về biểu diễn. Về cơ bản, các nghi thức cúng tế trong Lễ hội Kỳ yên thường niên cũng thực hành như các năm đáo lệ, nhưng chỉ thực hiện nghi lễ Thỉnh sắc, Cúng thần an vị, tế Hậu Bối - Chiến sĩ và Đưa sắc; không thực hiện nghi lễ Thỉnh sanh, Túc yết, Đàn cả, Xây chầu, Đại bội, Tôn vương, Hồi chầu và diễn tuồng hát Bội như các năm đáo lệ, nên thời gian tổ chức ngắn hơn.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An là minh chứng lịch sử về quá trình mở cõi về phương Nam, khai hoang lập ấp của cư dân địa phương. Bên cạnh đó, Lễ hội thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu…; thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Thực hành lễ hội là cách để người dân bày tỏ lòng tri ân đối với các vị Thần đã có công bảo vệ, phù hộ xóm làng, tri ân các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, các anh linh liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước. Ngôi đình không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Thực hành lễ hội thể hiện tính cố kết cộng đồng, phản ánh tính cách người dân Nam Bộ và tính tự chủ của cộng đồng địa phương. Tham gia vào các công việc của đình làng, lễ hội là cả cộng đồng, không phân biệt nam nữ, thể hiện sự bình đẳng giới trong xã hội mới.

5/ Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An

Đình Dĩ An là ngôi đình cổ có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của tỉnh Bình Dương và là ngôi đình thứ 3 của tỉnh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2019. Hằng năm, Đình Dĩ An có nhiều lễ cúng, trong đó “Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An” là nghi lễ lớn, quan trọng nhất của Đình và được tổ chức vào ngày 15 và 16/11 Âm lịch hằng năm. Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là một lễ hội truyền thống lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa; là yếu tố cố kết cộng đồng, sợi chỉ đỏ kết nối truyền thống và hiện tại. Với những giá trị to lớn đó, ngày 2 tháng 2 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã ký Quyết định số 150/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về cơ bản, nghi thức cúng tế trong “Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An” nói riêng và hệ thống đình thần ở Bình Dương nói chung vẫn giống nhau về nghi thức lễ. Nhưng riêng tại Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An còn giữ đầy đủ các giá trị truyền thống, đó là một sự chỉnh chu về việc thực hành bài bản trong quy trình thực hiện các nghi thức lễ được trao truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Lễ cúng tế trong Đại lễ Kỳ yên Đình Dĩ An diễn ra với 22 nghi thức liên tục, nối tiếp nhau, được bắt đầu từ nửa đêm 14 rạng ngày 15 và kết thúc vào chiều ngày 18 tháng 11 âm lịch, bao gồm các lễ: Lễ cúng Ngũ hành, lễ tế Ngọc Hoàng, cúng Tiền hiền - Hậu hiền, Lễ Nghinh sắc Ông, Lễ đọc kinh Cầu an, Lễ Chiêu vong - Chiêu u, Cúng Anh hùng -Liệt sĩ, Diễn Địa Nàng - bóng rỗi, Lễ an vị Ngũ hành Nương Nương, Lễ Thỉnh sanh, Lễ Túc yết, Lễ Xây chầu -Đại bội, lễ Đàn cả, và cuối cùng là Lễ Tống phong.

Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An phản ánh sâu sắc gốc tích tộc người, quá trình định cư tộc người Việt trên mảnh đất Nam Bộ. Đó là quá trình định cư, mở đất; quá trình dựng ấp, lập làng; xây miếu, dựng đình và quan trọng hơn đó là việc triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong, thừa nhận những vị Thần Thành Hoàng bảo trợ cho con dân xứ sở; đó là những minh chứng lịch sử quan trọng, xác thực quá trình người Việt làm chủ mảnh đất này. Lễ hội cúng đình, lễ nghinh sắc phong…không đơn thuần là những nghi lễ tín ngưỡng dân gian, nó còn mang những giá trị lịch sử thể hiện quyền lực nhà Nguyễn đã được thiết lập và chi phối khi vùng đất phía Nam mới mẻ nay đã được bình ổn và được quản lý. Lễ hội Kỳ Yên đình Dĩ An hội đủ các yếu tố về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị khoa học. Lễ hội Kỳ Yên đình Dĩ An mang đậm nét văn hóa truyền thống đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua, Lễ hội không chỉ là dịp để nhân dân trong vùng tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền, những người đã có công khai làng, lập ấp mà còn là dịp để nhân dân đánh dấu một năm yên ổn, mưa thuận gió hòa, đồng thời cùng nhau cầu phúc cho một năm mới bình an, mùa màng bội thu, nhà nhà hưng thịnh…đây là một trong những nét đẹp văn hóa, một vốn quý trong di sản văn hóa của địa phương rất đáng trân trọng, giữ gìn và đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng địa phương.

TTXTDL - Huỳnh Trần Huy tổng hợp