Du lịch Bình Dương tiềm năng chưa phát triển
Du lịch Bình Dương vốn có rất nhiều thế mạnh, nhiều tiềm năng, nhưng chưa được khai thác có hiệu quả. Để du lịch Bình Dương phát triển bền vững, thật sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, như Đề án Quy hoạch phát triển Du lịch tỉnh Bình Dương năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra quả là việc không dễ.
Nhiều tiềm năng
Nói về tiềm năng thiên nhiên, Du lịch Bình Dương có lợi thế lớn nhất là đất rộng, cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, có sông, suối, hồ. Với nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử có sức hấp dẫn khách du lịch thập phương. Mặt khác do giao thông ngày nay tốt nên người dân tất cả các tỉnh- thành phố khác rất thuận lợi đến Bình Dương du lịch. Bình Dương cũng gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tương lai là sân bay quốc tế Long Thành, lại gần các cảng biển… nên rất thuận lợi để du khách quốc tế đến Bình Dương.
Bình Dương có 3 con sông lớn chảy qua địa bàn là sông Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé giúp cho không khí mát mẻ, cây xanh phát triển dễ dàng. Điều kiện đất đai màu mỡ rất lý tưởng cho loại hình du lịch sông nước, khu nghỉ dưỡng ven sông, các trò giải trí với sông nước như chèo thuyền, du thuyền ngắm cảnh, bơi lội, trượt nước…
Bình Dương còn có nhiều đồi núi, ao hồ, sông suối là tiềm năng phát triển của loại hình du lịch vốn rất phát triển ngày nay là gần gũi thiên nhiên, du lịch thư giãn ngắm cảnh, thể thao với nước, câu cá, chèo thuyền… giải trí với thiên nhiên như núi Châu Thới (là Danh thắng cấp Quốc gia), Núi Cậu tại hồ Dầu tiếng rộng mênh mông… Du lịch Bình Dương còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia như khu di tích Địa đạo Tây Nam – Bến Cát, Nhà tù Phú Lợi, chùa Hội Khánh… tỉnh cũng có gần 30 di tích cấp tỉnh, hơn 500 di tích khác chưa được xếp hạng. Bình Dương vốn là vùng đất phương Nam hình thành song song với TP. HCM, Đồng Nai nên có không ít các di tích văn hóa dân tộc lâu đời như chùa, đình, miếu, nhà cổ, mộ cổ… khiến du khách rất muốn tìm hiểu.
Tiềm năng chưa thật sự được đánh thức
Bình Dương vẫn còn rất nhiều tiềm năng du lịch chưa phát huy hết. Theo nhiều công ty du lịch thì mảng du lịch làng nghề tại Bình Dương chưa thực sự phát huy, thiếu đầu tư, thiếu hấp dẫn, thiếu hỗ trợ. Bình Dương vốn nổi tiếng với các làng nghề lâu đời của đất phương nam xưa, có thể phát triển loại hình du lịch tham quan học hỏi, tìm hiểu như nghề gốm, nghề gỗ thủ công, nghề đúc đồng, nghề sơn mài, nghề làm lu gốm… nhưng các làng nghề nhìn chung đang mai một dần.
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu với lợi thế ven sông Sài Gòn, đất tốt, dồi dào cây trái Nam bộ… vốn là thương hiệu du lịch từ trước năm 1975. Ngày nay, du lịch vườn, sông, rất phát triển nhưng Bình Dương vẫn chưa phục hồi và phát triển được thế mạnh du lịch này. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu nay đã mất dần uy tín do làm ăn thiếu bài bản, manh mún, chưa nói là chụp giật, có khi còn có hiện tượng lừa đảo làm du khách mất niềm tin. Nguyên nhân khác là vì những năm trước đây do chất thải công nghiệp với nhiều hóa chất độc hại vào khu vực Lái Thiêu, làm cho cây trái chết dần. Cùng với việc quy hoạch đô thị chưa thực sự phù hợp nên vùng cây ăn trái Lái Thiêu nay mất dần nét đẹp thôn quê thơ mộng, mà đã bị đô thị hóa, bê tông hóa. Thực tế ngày nay, việc xâm hại môi trường vẫn chưa thực sự được khắc phục triệt để, đó đây vẫn thấy những dòng nước thải đen ngòm, hôi thối chảy ra sông, ở vùng hồ Dầu Tiếng vẫn bức xúc việc khai thác cát bừa bãi, việc nuôi thủy sản, nuôi heo ven hồ vẫn xả thải vào hồ…
Làm gì để du lịch Bình Dương phát triển?
Những năm gần đây, xu thế du lịch sinh thái tại Bình Dương đã từng bước phát triển phần lớn do lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ tư nhân đầu tư vốn vào lĩnh vực này, tại Bình Dương đã xuất hiện nhiều khu du lịch sinh thái rộng từ vài hecta đến hàng trăm hecta với đa dạng các loại hình phục vụ du khách như KDL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, KDL Mắt Xanh, KDL Phương Nam, KDL Suối Trúc, KDL Bảo Anh, KDL Hồ Bình An, Làng du lịch Sài Gòn, KDL Xanh Dìn Ký…
Việc Bình Dương vừa cũng cố lại Hiệp hội Du lịch của tỉnh sẽ giúp các doanh nghiệp học hỏi nhau, trao đổi với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, tránh chồng chéo trùng lắp các ý tưởng, dự án du lịch.
Thời gian qua, Bình Dương đã phát huy được thế mạnh vườn cây ăn trái của tỉnh nhà trong phát triển du lịch. Một số thương hiệu trái cây đã hình thành như bưởi Bạch Đằng, măng cụt Lái Thiêu… Một só dự án xây dựng mô hình vườn cây ăn trái, thương hiệu trái cây uy tín đã được tiến hành tại Thị xã Thuận An có hai mô hình (tại phường Hưng Định và Bình Nhâm). Tại TX. Bến Cát có mô hình ở Xã An Tây. Tại TP. Thủ Dầu Một có 2 mô hình (phường Tân An và Tương Bình Hiệp). Huyện Dầu Tiếng có mô hình tại xã Thanh An. Thị xã Tân Uyên có 2 mô hình tại (Thạnh Phước và Bạch Đằng)… các mô hình Du lịch Vườn sẽ phục vụ các loại hình Du lịch như đờn ca tài tử, thưởng thức vị ngon trái cây, chèo thuyền trên sông…
Tuy nhiên, Du lịch Bình Dương còn rất nhiều vấn đề phải khắc phục, sửa chữa để phát triển mạnh hơn nữa, trên hết, Bình Dương cần khắc phục ngay những bất cập, những thiếu sót trong phát triển du lịch đã được các chuyên gia chỉ ra. Chẳng hạn, phải phục hồi lại du lịch sinh thái, du lịch thôn quê, du lịch làng nghề… bằng quy hoạch, bằng bảo vệ môi trường, phải có chính sách rõ ràng, cụ thể, thông thoáng, hấp dẫn để các nhà đầu tư sẵn sàng “mở hầu bao” đầu tư du lịch…
Ông Lê Văn Hùng, Phó Vụ trưởng – Phó Giám đốc phụ trách cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch tại TP.HCM góp ý: Bình Dương cần phát triển các tour du lịch tham quan khám phá các làng nghề truyền thống đặc thù của địa phương như gốm sứ, sơn mài, các tour du lịch ngắn ngày, phù hợp với du khách các tỉnh lân cận đến Bình Dương. Tăng cường quảng bá, hỗ trợ các công ty du lịch đưa khách đến Bình Dương.
Chắc chắn hoạt động du lịch Bình Dương sẽ phát triển, bởi lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã và đang có những chính sách, giải pháp đúng hướng để phát triển ngành công nghiệp không khói nhưng thu lợi nhuận rất cao này, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển Du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch sẽ là hành lang pháp lý định hướng khung để du lịch Bình Dương phát triển. Đây là một trong những kim chỉ nam đồng thời là hành lang pháp lý đề định hướng phát triển.
TTXTDL (tổng hợp)
Bài viết tiếp theo
Kiểm soát tốt hàng hóa, dịch vụ dịp lễ hội
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu: Sẵn sàng cho ngày lễ chính
Nét mới trong Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Ra mắt đội xe ôm phục vụ miễn phí du khách viếng chùa Bà
Bài viết liên quan
Danh sách các cửa hàng Chicken Plus tại Bình Dương tính đến hiện tại
Hành trình 1 ngày khám phá các điểm đến nổi tiếng ở Thủ Dầu Một
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)