Du lịch sinh thái: Nỗ lực phát triển
Trước đây, vườn cây ăn trái, khu du lịch (KDL) sinh thái luôn là lựa chọn của du khách thập phương khi đến với mảnh đất Bình Dương. Những năm gần đây, các điểm đến này đang dần vắng khách. Do đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) đang nỗ lực xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để tìm lại thời “hoàng kim” cho du lịch sinh thái Bình Dương.
Đâu rồi thời “hoàng kim”
Cách đây 10 năm, KDL sinh thái Cầu Ngang (phường Hưng Định, TX.Thuận An), vườn cây ăn trái Lái Thiêu luôn thu hút khách thập phương từ các tỉnh, thành trong cả nước. Họ đến để được tận hưởng không khí trong lành của vườn cây và thưởng thức hương vị của nhiều loại trái cây đặc sản. Thế nhưng, hiện nay lượng khách đến với vườn cây ăn trái Lái Thiêu đã thưa dần. Ông Nguyễn Văn Dội, ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, gia đình nhiều năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái, trầm ngâm, nói: “Gia đình tôi có 5.000m2 đất, chủ yếu trồng măng cụt, dâu xiêm, bòn bon, sầu riêng. Khoảng từ năm 1970 đến năm 2000, gia đình nào ở đây có vườn cây ăn trái thì cuộc sống rất sung túc. Khi mùa trái chín, khách thập phương đến rất đông, trái cây không kịp chín để cung cấp cho khách. Do nhiều nguyên nhân, hiện nay diện tích cây ăn trái ngày càng sụt giảm, giá cả không ổn định, mất dần lượng khách du lịch dẫn đến thu nhập của người dân cũng dần khó khăn.
Đến Bình Dương, khách thập phương còn tìm đến với những vườn bưởi Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) xanh ngát, ngon ngọt. Thế nhưng, giờ đây nhiều vườn bưởi cũng chung cảnh “thiếu người thưởng lãm”. Ông Ngô Minh Hùng, ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng, tâm sự: “Ngày trước, khi đến mùa bưởi nhiều đoàn khách đến thăm, mua bưởi tại vườn. Hiện nay, đến vụ thu hoạch bưởi nhà vườn chủ yếu bán cho thương lái, lượng khách thập phương đến đây cũng thưa dần. Bởi vậy, muốn phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch phải có chính sách mới, phù hợp. Đặc biệt, phải có lượng khách ổn định để người dân yên tâm giữ bưởi tại vườn phục vụ du khách”.
Ngoài vẻ hoang sơ của KDL lòng hồ Dầu Tiếng, khách lữ hành đến với Dầu Tiếng còn được sống trong cảnh đẹp thiên nhiên của Suối Trúc. Suối Trúc nằm vắt mình trên một ngọn núi cao nhất trong cụm núi Cậu gồm 12 nhóm lớn nhỏ. Ở nơi đây, vào những ngày sau mưa, những ngọn thác hùng vĩ hình thành do lượng nước từ thượng nguồn ào ạt đổ về tạo nên cảnh quang rất đẹp, hoành tráng. Đến đây, du khách có thể ăn uống theo kiểu dã ngoại, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giới thiệu chưa sâu nên ít người biết đến, cộng với việc biến đổi khí hậu, KDL Suối Trúc giờ đây cũng đang dần biến mất!
Khách du lịch đến thăm vườn cây ăn trái Lái Thiêu (Ảnh: T.Lý)
Tìm lại chỗ đứng
Làm sao để thu hút khách du lịch đến với các KDL sinh thái, vườn cây ăn trái? Ngành VH-TT&DL cũng đã đề ra nhiều giải pháp gắn du lịch sinh thái với phát triển vườn cây ăn trái, kích cầu du lịch nội địa. Đối với vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Sở VH-TT&DL đang tiến hành xây dựng Đề án “Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó vườn cây ăn trái Lái Thiêu là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù.
Phát triển du lịch trong tỉnh, Sở VH-TT&DL đã thành lập Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh. Qua một năm hoạt động, trung tâm biên soạn, xuất bản Cẩm nang và Bản đồ Du lịch Bình Dương, xây dựng và vận hành website Du lịch Bình Dương (www.dulichbinhduong.org. vn); tuyên truyền các giá trị di tích lịch sử, văn hóa cách mạng cho đoàn viên thanh niên trong tỉnh, tham gia cung cấp thông tin du lịch Bình Dương tại các hội chợ du lịch do Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành tổ chức... Qua đó, đã góp phần quảng bá, xúc tiến và giới thiệu hình ảnh du lịch Bình Dương đến đông đảo người dân cũng như du khách trong và ngoài nước.
Ngành VH-TT&DL cũng đã chủ động tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch nội địa năm 2015. Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết hội nghị nhằm tăng trưởng khách du lịch nội địa, khuyến khích người dân đi tham quan du lịch tới các vùng miền trong nước, qua đó thêm yêu và tự hào quê hương đất nước, nâng cao ý thức về độc lập dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chương trình kích cầu du lịch sẽ là cơ hội để ngành du lịch Bình Dương giới thiệu hình ảnh địa phương đến với du khách trong và ngoài nước; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ để phát huy hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Ngành cũng đã yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện, thị, thành phố có liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các khu vui chơi giải trí… trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh các điểm đến du lịch Bình Dương. Đối với các điểm du lịch cần tích cực tu sửa, xây dựng các hạng mục để phục vụ du khách.
theo baobinhduong.vn
Bài viết tiếp theo
Tour trọn gói tại Đại Nam
Sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia về các giải pháp đột phá phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới
Họp báo lần 2 về Cuộc thi “Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội”
Chủ trương tổ chức Lễ hội "Lái Thiêu mùa trái chín" năm 2015
Bài viết liên quan
Danh sách các cửa hàng Chicken Plus tại Bình Dương tính đến hiện tại
Hành trình 1 ngày khám phá các điểm đến nổi tiếng ở Thủ Dầu Một
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)