Du lịch sinh thái: Về với Dầu Tiếng
Đôi khi bạn muốn trốn sự ồn ào náo nhiệt của phố thị tr ong dịp cuối tuần thì về Dầu Tiếng theo kiểu đi du lịch sinh thái (DLST) là một lựa chọn thích hợp và thú vị…
Một nhóm bạn trẻ chúng tôi gặp ở hồ Dầu Tiếng trong dịp hè đã tỏ vẻ rất thích thú với chuyến phượt đường ngắn của họ. Theo Nhật Thanh, người được bầu là trưởng nhóm chuyến đi hôm đó, cho biết các bạn đến từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Tất cả các thành viên đều đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Họ có chung một quan điểm là tuổi trẻ phải làm việc hết mình và trải nghiệm bằng những chuyến du lịch khám phá, tìm hiểu trong và ngoài nước. “Chuyến đi này là các bạn ở Bình Dương rủ tụi em về quê chơi. Em tổ chức được gần chục lần phượt như thế này rồi ở các tỉnh, thành miền Nam. Những chuyến đi cuối tuần hay đi - về trong ngày như thế này thì Dầu Tiếng là một lựa chọn hợp lý”, Nhật Thanh chia sẻ.
Trên đường đi từ TP.Hồ Chí Minh đến Dầu Tiếng, các bạn trẻ cho biết họ đã ghé thăm làng tre Phú An, khu du lịch Đọt Champa, chùa Núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng… Thưởng thức đặc sản thì họ cho biết rất ấn tượng với bánh tráng Tân An cuốn rau móp xào, vịt nướng ở Hố Trầu. Khung cảnh trên đường về Dầu Tiếng với những vườn cao su, vườn cây ăn trái bạt ngàn khiến cho các bạn trẻ ở đây trầm trồ thích thú. Đủ cảnh sông nước hữu tình, rừng cây yên bình cho họ tạm quên đi áp lực công việc hay những lo toan bộn bề về cuộc sống.
Về Dầu Tiếng thì không thể không ghé hồ Dầu Tiếng. Đây là hồ nhân tạo lớn nhất nước và là một công trình thủy lợi quan trọng nhất khu vực miền Nam. PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh) cũng đề cao đến DLST của Bình Dương, trong đó có Dầu Tiếng. Tại hội thảo Du lịch Bình Dương - nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến sự bền vững, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng cũng đã có bài tham luận nhấn mạnh về DLST. Theo đó, DLST và làng nghề có ảnh hưởng tích cực đến chiến lược kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thế mạnh của DLST Dầu Tiếng được đánh giá cao do nằm ven sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn đoạn từ Lái Thiêu (TX. Thuận An) lên Dầu Tiếng thích hợp để phát triển giao thông đường thủy, giao thương hàng hóa và cả du lịch. Đó còn là “trục đường thủy” nối các di tích lịch sử, danh thắng như Đình thần Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một), Bến Dược (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), Bến Súc (huyện Dầu Tiếng) và đặc biệt là lòng hồ Dầu Tiếng - điểm du lịch nổi tiếng được nhiều người biết đến khi về vùng đất này. Tất cả là thế mạnh để vùng đất Dầu Tiếng phát triển hơn nữa từ nguồn lợi của ngành du lịch mang lại. Người dân ở đây cũng cần được hỗ trợ, đào tạo để tự họ biết làm du lịch, quảng bá thương hiệu và sản vật địa phương đi xa hơn thông qua con đường làm kinh tế bằng DLST…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết sở cũng đã có nhiều chuyến khảo sát, kiểm tra các mô hình DLST ở Dầu Tiếng. Tinh thần chung là ủng hộ những cách làm hay, hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cơ hội về việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát huy tiềm năng của vùng đất này.
TTXTDL
Theo Báo Bình Dương online
Bài viết tiếp theo
Khám phá Làng tre Phú An
Hơn 100 đơn vị du lịch lữ hành tìm hiểu tiềm năng du lịch Bình Dương
Gần 100 công ty du lịch đến khảo sát tour tại Bình Dương
Việt Nam năm thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á
Bài viết liên quan
Danh sách các cửa hàng Chicken Plus tại Bình Dương tính đến hiện tại
Hành trình 1 ngày khám phá các điểm đến nổi tiếng ở Thủ Dầu Một
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)