Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch Làng thông minh

Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, làng thông minh, xã Bạch Đằng ngày càng thay da đổi thịt với diện mạo khang trang, hiện đại, hội nhập và phát triển năng động; đời sống tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ lực, xã Bạch Đằng đã và đang nỗ lực khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân, đồng thời giữ gìn những giá trị văn hóa của địa phương.

Xã Bạch Đằng từ lâu được biết đến với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc. Vùng đất này nổi bật với những di tích văn hóa lâu đời như Đình Tân Trạch, nhà cổ Đỗ Cao Thứa, nhà cổ Dương Văn Hổ - những công trình kiến trúc nghệ thuật đậm đà bản sắc vùng đất Nam Bộ. Thiên nhiên còn ban tặng cho nơi đây nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, tạo nên một điểm đến mới lạ và hấp dẫn du khách. Đến với cù lao Bạch Đằng, du khách được hoà mình vào không khí thanh bình, yên ả giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, hệ thống sông nước hữu tình, thơ mộng. Đặc biệt, nhắc đến vùng đất này, không thể thiếu đặc sản mang thương hiệu Bưởi Bạch Đằng nức tiếng gần xa. Ngoài ra, nằm giữa không gian xanh mát của cù lao còn có điểm du lịch thể thao Golf Mekong được thiết kế, đầu tư hiện đại, mang đến trải nghiệm thú vị cho những ai yêu thích thể thao kết hợp với tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên. Các tuyến đường bộ và đường thủy được đầu tư phát triển đồng bộ cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của du khách. Công trình cầu Bạch Đằng 2 đang triển khai thi công những công đoạn cuối cùng để khánh thành trong thời gian sắp tới, tạo thuận tiện kết nối giao thương, chào đón khách tham quan đến với cù lao xanh.

Trong 3 năm qua, thực hiện xây dựng làng thông minh, xã Bạch Đằng đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển du lịch, kinh tế và bảo tồn văn hóa, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành tỉnh, UBND thành phố, từ việc quy hoạch sản phẩm, dịch vụ du lịch đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của người dân địa phương là yếu tố quan trọng giúp phát triển bền vững mô hình này. Du lịch làng thông minh tại Bạch Đằng không chỉ tập trung vào việc khai thác tiềm năng sẵn có mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách. Một trong những điểm sáng của mô hình này là việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại các vườn bưởi đặc sản, nơi du khách có thể tham gia thu hoạch, nghe chính những người nông dân giàu kinh nghiệm, cần cù, sáng tạo giới thiệu quy trình trồng trọt, chế biến các sản phẩm từ bưởi và thưởng thức những quả bưởi ngọt thanh, tươi ngon ngay tại vườn. Những quy trình canh tác hiện đại, áp dụng chuyển đổi số, tem truy xuất nguồn gốc vào sản xuất đã mang đến trải nghiệm lý thú, góc nhìn mới cho du khách về sức sống của một vùng quê trong thời kỳ đổi mới. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa như lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng, giải đua thuyền truyền thống cũng là những điểm nhấn quan trọng, thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, góp phần tạo nên sức hút cho du lịch tại địa phương.

Từ khi triển khai mô hình làng thông minh gắn với phát triển du lịch tại xã Bạch Đằng, lượng khách du lịch đến với vùng đất cù lao đã tăng lên đáng kể. Các sản phẩm du lịch hiện có đang được bảo tồn và phát huy; đồng thời, những sản phẩm mới, sáng tạo hơn cũng đang dần hình thành, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã phối hợp với UBND xã Bạch Đằng, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành tổ chức các chương trình khảo sát, giới thiệu các điểm đến mới, đặc biệt là tuyến du lịch đường sông dọc theo sông Đồng Nai, giúp du khách có cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và những di tích lịch sử của địa phương, mở ra cơ hội hợp tác với các đơn vị lữ hành, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Công tác quảng bá du lịch làng thông minh cũng được chú trọng, thông qua nhiều hình thức như: biên soạn các tin bài, phóng sự, giới thiệu các sản phẩm du lịch; đăng tải trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; triển khai ứng dụng (App) Du lịch Bình Dương trên thiết bị thông minh; biện soạn và phát hành ấn phẩm Du lịch Làng thông Minh xã Bạch Đằng. Đặc biệt, việc số hóa các điểm đến du lịch với hình ảnh 360 độ đã mang đến trải nghiệm mới mẻ, giúp du khách cái nhìn toàn diện hơn về vẻ đẹp của Bạch Đằng. Hằng năm, thông qua việc tổ chức các chương trình, các cuộc thi về du lịch hoặc tại các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE, Hội chợ du lịch các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ và các địa phương khác trong nước, thông tin về các điểm đến của xã Bạch Đằng luôn được tỉnh quảng bá đến đông đảo du khách, thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu thông tin của du khách đối với địa phương.

Cùng với đó, thành phố Tân Uyên luôn quan tâm trùng tu khảo sát, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, tạo điểm nhấn để đón khách tham quan. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử theo đề án đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt. Cùng với đó, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai xây dựng Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong bối cảnh đô thị hóa và cách mạng 4.0 ở tỉnh Bình Dương”, trong đó có nghiên cứu phương án Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn xã Bạch Đằng.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng việc phát triển du lịch làng thông minh tại Bạch Đằng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Việc chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng cũng như sự đầu tư về hạ tầng. Các dịch vụ du lịch tại địa phương cần được đầu tư đa dạng và nâng cao chất lượng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển du lịch trên vùng đất cù lao, bên cạnh sự quan tâm đầu tư từ ngân sách, cần có sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân, với phương châm “Mỗi hộ gia đình phát triển một sản phẩm, một dịch vụ du lịch”, góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Xã Bạch Đằng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác truyền thông, quảng bá những nét đặc sắc của đất và người Bạch Đằng, Tân Uyên đến với du khách; duy trì và nâng cao chất lượng Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng, các hoạt động thể thao, các giải đua thuyền truyền thống… làm điểm nhấn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch làng thông minh một cách bền vững.

Trên cơ sở các Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Đề án ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh, các cấp, các ngành liên quan sẽ tổ chức khảo sát, nghiên cứu mô hình du lịch cộng đồng tại Bạch Đằng; tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá xúc tiến điểm đến của địa phương, đồng thời đẩy mạnh liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng, kết nối một số tour du lịch, chương trình du lịch đến với Làng thông minh xã Bạch Đằng trong thời gian tới.

Việc xây dựng mô hình làng thông minh gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại xã Bạch Đằng là một hướng đi mới đầy tiềm năng. Để đạt được hiệu quả thiết thực, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hoạt động du lịch phát triển sẽ mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho cộng đồng, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Hồng Nhung