Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi: Điểm đến lý tưởng cho du lịch về nguồn

Du lịch về nguồn, vừa là hành trình tìm về văn hóa, nguồn cội, truyền thống cha anh, vừa mang lại những phút giây thoải mái, thư giãn – đó là một trong những hình thức giáo dục truyền thống thiết thực, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ nhiều phía, đặc biệt là trường học và các tổ chức Đoàn, Hội. Công trình Khu di tích tưởng niệm truyền thống Chiến khu Vĩnh Lợi vừa được khánh thành là một trong những điểm đến lý tưởng cho thế hệ trẻ nói riêng cũng như mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương nói chung.

binh duong image

Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, tọa lạc tại địa bàn ấp 3, xã Vĩnh Tân, cách trung tâm TX.Tân Uyên tầm 13km. Nơi đây năm xưa là tiền đồn xuyên suốt của chiến khu Đ, tập trung cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo hai cuộc kháng chiến. Với tinh thần “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”, trong chiến tranh, quân và dân ta đã làm nên nhiều trận thắng hào hùng, lực lượng vũ trang địa phương không ngừng lớn mạnh, đưa đất nước hoàn toàn giải phóng vào ngày 30/4/1975. Trở về từ kháng chiến, tâm nguyện của Ban liên lạc những người kháng chiến Châu Thành, cũng như các đồng chí lão thành cách mạng là mong muốn được ghi lại dấu ấn lịch sử về chiến khu Vĩnh Lợi anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Tân Uyên, mong ước có một công trình tri ân bậc tiền nhân, một điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên đất anh hùng. Từ ý nghĩa sâu sắc đó, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương xây dựng Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi tại căn cứ địa cách mạng năm xưa. Sau 5 năm xây dựng, ngày 22/12/2016 vừa qua, công trình đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng, đón khách tham quan. Ông Phan Văn Hiếu – Nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành thời chống Mỹ, Trưởng Ban liên lạc Những người kháng chiến huyện Châu Thành chia sẻ niềm phấn khởi khi hoàn thành tâm nguyện: “Cuộc đời tôi đã gắn bó với Vĩnh Lợi từ bé, rồi khi trưởng thành cho đến tuổi già. Cho nên hôm nay, tôi rất phấn khởi khi Đảng và Nhà nước khôi phục lại khu căn cứ Vĩnh Lợi, đồng thời hoan nghênh tinh thần sáng tạo trong việc xây dựng khu di tích lịch sử này, để lưu giữ một thời oanh liệt trong chiến tranh, cho lớp trẻ kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, xây dựng cuộc sống mới trong hòa bình và độc lập”.

binh duong image

Công trình Khu di tích chiến khu Vĩnh Lợi được khởi công xây dụng trên diện tích hơn 5,5hecta, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Việt Nam, dung hoà giữa truyền thống dân tộc và nét hiện đại, văn minh. Tổng thể khu di tích bố cục theo kiểu cân xứng, đăng đối, thể hiện tính nghiêm trang, mạnh mẽ, uy nghi trên một trục thần đạo với Đền tưởng niệm ở trung tâm. Quần thể công trình nhiều hạng mục, bố cục tạo thành một tổng thể cân xứng, hài hòa.

Khi về thăm nơi đây, khu di tích gây được ấn tượng cho du khách ngay từ đầu với cổng chính được thiết kế theo hình thức cổng Tam quan truyền thống, gồm ba lối vào, hai bên tả hữu là hai cổng phụ tạo vẻ bề thế, khang trang cho khu di tích. Bước vào khuôn viên, niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người con đất Việt được thắp lên bởi tượng đài chiến thắng sừng sững, uy nghiêm, cao 14,4m. Đây cũng chính là biểu tượng của chiến khu. Hạng mục chính thứ hai của công trình là khu đền tưởng niệm với tổng với diện tích 1,7hecta. Qua lối vào cửa chính, đến khu sảnh là không gian tưởng niệm uy nghiêm, kính cẩn trước bàn thờ Tổ quốc và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Phía sau là gian trưng bày truyền thống với những hiện vật, hình ảnh xưa về hai cuộc kháng chiến – những chiến tích của một thời đầy vẻ vang. Tầng trên khu đền tưởng niệm là nơi khắc tên, lưu danh các anh hùng liệt sĩ, năm xưa đã anh dũng nằm lại đất mẹ, mang hòa bình về cho Tổ quốc. Nằm trong khuôn viên đền tưởng niệm còn có nhiều điểm tham quan ý nghĩa như phong truyền thống căn cứ kháng chiến, phòng đọc tư liệu, tạo điều kiện để người tham quan hiểu thêm về trang sử vàng vẻ vang của dân tộc.

Định hướng vừa là nơi giáo dục truyền thống, vừa là điểm du lịch, tham quan, khu di tích chiến khu Vĩnh Lợi còn có nhiều hạng mục khác phục vụ du khách như nhà nghỉ, hội trường, nhà ăn… nằm trên những con đường đi bộ rợp màu xanh với nhiều vườn hoa, thảm cỏ. Một không gian tổng thể phục vụ du lịch về nguồn hôm nay đã sẵn sàng chào đón bước chân du khách từ mọi nơi, bằng tất cả niềm tự hào của thế hệ cháu con đất Vĩnh Lợi anh hùng. Trong ngày khánh thành khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, anh Nguyễn Lê Trung Kiên – đoàn viên xã Vĩnh Tân là một trong những bạn trẻ đầu tiên đặt chân đến đây, tham quan từng hạng mục khu di tích. Cũng như bao người trẻ khác, công trình đã thắp sáng niềm tự hào về quê hương, nguồn cội, tiếp thêm nguồn động lực để anh Kiên cũng như các bạn trẻ phấn đấu chung sức dựng xây quê hương, đúng tâm nguyện của bậc cha anh. Anh Nguyễn Lê Trung Kiên bày tỏ: “Là một người con của đất Vĩnh Tân, tham quan khu di tích, tôi cảm thấy càng thêm tự hào về thế hệ đi trước, về những công lao mà cha ông đã để lại. Hiện tại, tôi đang là học sinh, đồng thời cũng là đoàn viên đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong học tập, tôi luôn cố gắng phấn đấu đạt thành tích tốt, cũng như trong hoạt động phong trào, tôi sẽ tích cực tham gia các hoạt động để góp phần vào sự phát triển của quê hương, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông”.

binh duong image

Trưởng thành trong nền hòa bình, độc lập, tự do, thế hệ hôm nay vẫn luôn được nhắc nhở, giáo dục về lịch sử đấu tranh đầy vẻ vang của thế hệ đi trước. Để những bài học đó trở nên sống động, chân thực, việc trải nghiệm, tham quan thực tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi đã chính thức đi vào hoạt động, các cơ sở đoàn, các trường học sẽ có thêm điểm đến lý tưởng để nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Cô Trần Thị Nguyệt Nga – giáo viên chủ nhiệm lớp 8A2, trường THCS Vĩnh Tân cho biết: “Để bảo tồn và phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, sau khi khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi được khánh thành, tôi sẽ tổ chức những tiết học thực tế, trải nghiệm tại đây nhằm giúp các em học sinh biết trân trọng những trang lịch sử vẻ vang đã qua của dân tộc, đồng thời tiếp thêm động lực để các em cố gắng học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Tân nói riêng và đất nước nói chung”.

binh duong image

Về định hướng phát triển Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi trong thời gian tới, ông Võ Văn Tính – Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết: “Sau khi khánh thành và đưa công trình vào sử dụng, để tiếp quản và điều hành hoạt động của khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, UBND thị xã đã thành lập Ban quản lý di tích, xây dựng quy chế quản lý, có con người quản lý và kinh phí phục vụ riêng. Hàng năm, UBND thị xã sẽ xem xét, nghiên cứu để có kế hoạch trùng tu, bảo dưỡng và nâng cấp công trình, hạn chế việc xuống cấp, để công trình luôn được khang trang. Thị xã cũng đã giao cho UBND xã Vĩnh Tân, nơi công trình Khu di tích chiến khu Vĩnh Lợi được xây dựng, và pshường Tân Hiệp - phường giáp ranh gần khu di tích để gìn giữ, đẩy mạnh công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, tập trung lực lượng công an, dân quân tổ chứ tuần tra, canh gác tại các tuyến đường gần khu di tích để đảm bảo tốt nhất về vấn đề an ninh trật tự, giữ gìn sự thật trang nghiêm tại khu di tích, đặc biệt là an toàn cho khách tham quan nghiên cứu lịch sử và viếng di tích”.

Trên xã nông thôn mới Vĩnh Tân hôm nay, tìm về khu di tích, du khách sẽ được đi trên những con đường giao thông được láng nhựa thẳng tắp. Khu di tích chiến khu Vĩnh Lợi chính là điểm đến lý tưởng cho việc giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống cho các thế hệ kháng chiến cách mạng lão thành cũng như lớp người tiếp nối, đồng thời là điểm tham quan, vui chơi giải trí kết hợp du lịch về nguồn, sinh thái phục vụ nhân dân. Hãy cùng tìm về nơi đây, để thấy được sự hy sinh to lớn của bậc tiền nhân, và tự hào về quê hương Tân Uyên kiên cường, bất khuất.

theo tanuyen.binhduong.gov.vn