Phát huy tiềm năng du lịch
Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều nỗ lực phát triển du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Hiện tỉnh rất chú trọng kết hợp giữa phát triển du lịch gắn liền với tham quan các di tích; khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, giá trị di sản văn hóa, giá trị môi trường sinh thái nhằm bảo đảm phát triển bền vững cả du lịch và môi trường sinh thái
Cụ thể là nhiều đề án ra đời để nâng cao tầm vóc du lịch Bình Dương như Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam - thắng cảnh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến 2020; Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020...
Hiện nay, loại hình du lịch văn hóa truyền thống, du lịch sinh thái, du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, du lịch thể thao, du lịch mua sắm... đang được các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh Bình Dương khai thác. Các tour du lịch đã kết nối với một số di tích trên địa bàn tỉnh như Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh... Nhờ đó, hàng năm, các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong ngành du lịch cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm, điển hình như Khu du lịch Đại Nam, Công ty TNHH Xuân Cầu với Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu và bán đảo Tha La (huyện Dầu Tiếng). Dự án này có quy mô sử dụng đất 1.232 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.544 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2015-2023. Dự án sẽ là điểm nhấn phát triển du lịch của huyện Dầu Tiếng trong thời gian tới.
Có thể thấy, ngành du lịch của Bình Dương đang có nhiều cố gắng trong việc đa dạng hóa loại hình du lịch để thu hút du khách về đây tham quan, nghỉ dưỡng. Bình Dương đang quyết tâm đưa ngành công nghiệp không khói này trở thành một thế mạnh mới của tỉnh trên con đường phát triển. Theo các chuyên gia, với những chính sách, giải pháp đúng hướng để phát triển ngành công nghiệp không khói nhưng thu lợi nhuận rất cao này của tỉnh, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đồng thời cũng là giải pháp nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Theo: baobinhduong.vn
Bài viết tiếp theo
Quán ăn ngon Bình Dương
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018: 4 tỉnh cùng góp giỗ
Năm Du lịch quốc gia 2018 là cơ hội lớn quảng bá vẻ đẹp Quảng Ninh
DẠY CƯỠI NGỰA GIẢI TRÍ TẠI ĐẠI NAM
Bài viết liên quan
Xã Định An, huyện Dầu Tiếng thúc đẩy phát triển du lịch qua nhiều hoạt động
Quảng bá thông tin Du lịch Bình Dương trên nền tảng Thư viện số
Lễ tổng kết và trao giải “Cuộc thi sáng tác video clip giới thiệu về Du lịch Bình Dương năm 2024”
Huyện Dầu Tiếng phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch