Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới
Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP. Hải Phòng) hay còn gọi là quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 12/7/2025 tại kỳ họp lần thứ 47 vừa qua. Đây cũng là di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận.
Với 12 cụm, điểm di tích, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thể hiện đầy đủ truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, từ việc thành lập tại vùng núi thiêng Yên Tử được chứng minh trong các đền cổ, am, tháp, di tích khảo cổ, đến di tích Chùa Vĩnh Nghiêm và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và sự hệ thống hóa các triết lý thể hiện qua các văn bia, di vật liên quan và thực hành nghi lễ. Các di tích này cung cấp đầy đủ đại diện về lịch sử, tinh thần và địa lý của Phật giáo Thiền Trúc Lâm, thể hiện quá trình hình thành, phát triển, mối quan hệ bền vững của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu trong các không gian lịch sử, văn hóa.

quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thành di sản văn hóa thế giới
Quần thể có tổng diện tích vùng lõi 525,75 ha, tổng diện tích vùng đệm là 4.380,19 ha. Trong đó, vùng lõi gồm 12 thành phần di sản chính, phản ánh đầy đủ các giai đoạn hình thành, lan tỏa và phục hưng của thiền phái Trúc Lâm. 12 thành phần di sản chính gồm:
1. Chùa Hoa Yên, Yên Tử, Quảng Ninh: Trung tâm tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nơi hình thành Thiền phái Trúc Lâm.
2. Am Ngọa Vân, Yên Tử, Quảng Ninh: Nơi Phật hoàng nhập diệt, được coi là thánh địa thiêng liêng nhất của Thiền phái.
3. Thái Miếu, Quảng Ninh: Các điểm thiền định cổ trên tuyến hành hương Yên Tử, tiêu biểu cho thực hành tu tập giữa rừng thiêng.
4. Bãi cọc Bạch Đằng (Yên Giang), Quảng Ninh: Di tích lịch sử vật thể, phản ánh tư tưởng nhập thế và tinh thần bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc.
5. Chùa Lân (Long Động), Quảng Ninh: Trung tâm giảng pháp, đào tạo tăng tài, gắn với hoạt động tổ chức Phật sự của Trúc Lâm.
6. Chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Nơi tu hành của Tam tổ Huyền Quang, trung tâm phát triển tư tưởng nhập thế của thiền phái.
7. Đền Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Gắn với Trần Hưng Đạo, biểu tượng kết hợp giữa hộ quốc an dân với tinh thần Phật giáo Trúc Lâm.
8. Chùa Thanh Mai, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Nơi đây gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, khi ngài tu hành, biên soạn kinh, sách về đạo Phật lúc sinh thời.
9. Động Kính Chủ, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Được ví là 'Nam thiên đệ lục động' tức động đẹp thứ sáu ở Việt Nam.
10. Chùa Nhẫm Dưỡng, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Nơi tu hành của Hòa thượng Thủy Nguyệt, pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền sư.
11. Chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang cũ (nay là Bắc Ninh): Nơi tu tập, đào tạo tăng chúng, nổi bật với hệ thống thư tịch cổ và vườn tháp độc đáo.
12. Chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang cũ (nay là Bắc Ninh): Trung tâm in khắc và lưu giữ hơn 3.000 mộc bản kinh Trúc Lâm, được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.


Việc UNESCO chính thức công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới gắn với việc di sản này đảm bảo các tiêu chí (iii) và (vi).
Ở tiêu chí (iii), quần thể này cho thấy sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam; cùng cảnh quan linh thiêng được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết với thiên nhiên; và một hệ thống đạo đức dựa trên lòng yêu chuộng hòa bình, tu dưỡng bản thân, lòng khoan dung, nhân ái và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
Còn theo tiêu chí (vi), quần thể này là minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách thức một tôn giáo, xuất phát từ nhiều tín ngưỡng, bắt nguồn và phát triển từ quê hương Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục, thúc đẩy một quốc gia mạnh mẽ, bảo đảm hòa bình và hợp tác khu vực.
Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền Phật giáo mang bản sắc Việt Nam do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII. Không chỉ có giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh đặc biệt, quần thể còn mang vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc cổ, cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đặc hữu. Việc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tiếp tục khẳng định vị thế và giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đặt ra yêu cầu cao trong công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan của quần thể trong tương lai.
PXTDL - Huỳnh Trần Huy (tổng hợp từ các Báo điện tử)
Bài viết tiếp theo
Bài viết liên quan
Cập nhật địa chỉ mới của các Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh của tỉnh Bình Dương (cũ) sau sáp nhập với TP. Hồ Chí Minh
Đôi nét về nghề làm guốc mộc ở Bình Dương
Tuyến xe buýt Thành phố mới Bình Dương - Thành phố Dĩ An kết nối vào Bến xe Miền Đông Mới sẽ hoạt động từ ngày 1/7/2025
Một số thông tin tổng quan về loại hình "Dark Tourism" (tạm dịch là du lịch đen tối)