Thách thức và giải pháp trong phát triển du lịch Phú Giáo

Song hành cùng với định hướng phát triển du lịch của Tỉnh Bình Dương, Huyện Phú Giáo đã và đang định hướng ngành du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào tăng trưởng và phát triển bền vững, cân đối của nền tế địa phương. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của nhiều xu thế du lịch mới đã đặt ra cho du lịch Phú Giáo không ít khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Và điều quan trọng nhất lúc này là cần sớm tìm ra những giải pháp cụ thể để vượt qua thách thức, đưa du lịch Phú Giáo ngày một khởi sắc hơn.

Thời gian qua Huyện uỷ, HĐND-UBND huyện rất quan tâm đến công tác phát triển du lịch trên địa bàn; Cở sở hạ tầng giao thông đã được đầu tư cải thiện hiện đại và thuận tiện; Ngoài những di tích lịch sử - văn hoá, những ngôi chùa cổ kính, còn có các điểm du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các bãi đá tự nhiên dọc Suối Rạt – Sông Bé,… Chính nhờ sự pha trộn giữa nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và tiềm năng du lịch lịch sử - sinh thái của Phú Giáo đã làm nên yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của huyện nhà ngày càng tạo được dấu ấn.

Thiền viện trúc lâm thanh nguyên

Tuy nhiên, trước mắt du lịch Phú Giáo đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cụ thể là:

Thứ nhất, các điểm du lịch trên địa bàn huyện còn nhỏ và phân tán, nên du khách phải mất nhiều thời gian để di chuyển từ điểm du lịch này đến điểm du lịch khác, điều này đòi hỏi khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch ở Phú Giáo thì du khách phải dành nhiều thời gian và chi phí. Sự phân tán của các điểm du lịch không chỉ đặt ra thách thức về mặt di chuyển mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch tổng thể của du khách khi đến tham quan du lịch tại Phú Giáo.

Thứ hai, cơ sở vật chất hiện tại và các sản phẩm du lịch tại huyện Phú Giáo chưa đủ mạnh mẽ để thu hút các đoàn khách nội địa lớn, đặc biệt là khách du lịch cao cấp và quốc tế. Hiện nay, huyện chỉ có một khách sạn với 23 phòng, phần lớn các cơ sở lưu trú khác đều là nhà nghỉ. Hạn chế về sức chứa và chất lượng của các cơ sở lưu trú dẫn đến thử thách đáng kể trong phát triển du lịch tại huyện.

Thứ ba, hệ thống sản phẩm du lịch của huyện chưa thực sự nổi trội, thiếu đi một chuỗi dịch vụ liên hoàn để gia tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, địa phương còn thiếu các hạ tầng du lịch quan trọng như các khu nghỉ dưỡng, cơ sở vui chơi giải trí, các hoạt động ngoài trời và các tiện ích cần thiết khác.

Thứ tư, một trong những thách thức lớn trong phát triển du lịch tại Phú Giáo là khả năng giữ chân khách du lịch ở lại qua đêm. Lý do không chỉ dừng lại ở việc Phú Giáo thiếu hụt các khách sạn, resort đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch mà các hoạt động giải trí và tham quan địa phương để trải nghiệm cuộc sống về đêm ở địa phương còn rất hạn chế, điều này dễ khiến du khách cảm thấy nhàm chán và không cảm thấy hứng thú ở lại, dẫn đến việc họ rời đi sớm hơn dự tính.

Thứ năm, hận thức của người dân về du lịch hiện nay còn khá mới mẻ. Lực lượng lao động tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch rất ít. Số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch tại các trường đại học, cao đẳng về huyện nhà làm việc còn ít. Chưa xây dựng, đào tạo bồi dưỡng được nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ hoạt động du lịch của địa phương.

Thứ sáu, công tác xã hội hóa gắn với việc thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch còn chưa mang lại hiệu quả, một số nhà đầu tư gặp khó khăn trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng phát triển du lịch.

Để vượt qua những thách thức, khó khăn hiện tại, cần có những giải pháp cụ thể để đưa du lịch Phú Giáo trở thành điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể là:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân trong công tác phát triển du lịch của huyện tạo đòn bẩy thúc đẩy du lịch Phú Giáo ngày càng phát triển hơn trong thời gian tới.

Thứ hai, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng có sức hút, các sản phẩm phải có sức hút đáp ứng nhu cầu cốt lõi của du khách như: nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan, khám phá và trải nghiệm những điều mới lạ. Bên cạnh đó tiếp tục tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, quy mô lớn.

Chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao

Thứ ba, tăng tính liên kết với các điểm đến khác trong Tỉnh. Tăng liên kết vùng du lịch được xem là một trong những giải pháp nhằm tạo ra nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách Phú Giáo có thể hợp tác với các địa phương lân cận để phát triển các sản phẩm du lịch liên kết.

Thứ tư, để phát triển du lịch huyện Phú Giáo cần tăng cường thu hút đầu tư du lịch. Có những chính sách cụ thể để ưu tiên phát triển ngành kinh tế du lịch tại địa phương. Huyện có thể xem xét và thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư du lịch. Thiết lập các chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án du lịch tại Phú Giáo, bao gồm: miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Thứ năm, trong phát triển du lịch việc tăng cường tiếp thị, quảng bá và xúc tiến du lịch là rất quan trọng. Huyện cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, đặc biệt trong thời đại 4.0 cần phải tận dụng các công cụ truyền thông đa phương tiện; Xây dựng website du lịch với các thông tin chi tiết về các điểm đến, hoạt động du lịch, các gói tour, dịch vụ và tiện ích; Sử dụng các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, YouTube để chia sẻ hình ảnh, video và các câu chuyện về du lịch tại Phú Giáo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tham gia và trưng bày tại các triển lãm du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu và quảng bá du lịch Phú Giáo.

 Thứ sáu, huyện cần thực hiện các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực cho ngành du lịch địa phương nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách. Các hoạt động đào tạo có thể được triển khai dưới dạng tổ chức các khóa học, lớp huấn luyện để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nhân viên trong ngành du lịch, bao gồm hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên tham quan, thuyết minh viên tại điểm. Tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo thường xuyên để cập nhật kiến thức mới nhất về du lịch, cũng như để chia sẻ kinh nghiệm và các hình mẫu điểm đến thành công trong ngành. Thiết lập các chương trình hợp tác với các trường đại học và cao đẳng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu thị trường. Những hoạt động này sẽ giúp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ du lịch tại Phú Giáo, đồng thời giúp thu hút và duy trì được sự quan tâm của du khách đến với địa phương.

Trong thời gian tới, với những tiềm năng về di tích lịch sử - văn hóa và du lịch sinh thái, cùng với quyết tâm giải quyết những hạn chế hiện tại và đưa ra các giải pháp thích hợp, song song với đó là sự chung tay đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân Phú Giáo thì chắc chắn huyện Phú Giáo  trong thời gian tới có thể đạt được những thành tựu to lớn trong ngành du lịch, từng bước khẳng định vị thế của mình là một điểm đến hấp dẫn và bền vững trên bản đồ du lịch của Bình Dương.                                  

HÀ TRANG