Thành phố Tân Uyên: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử, làng nghề truyền thống

Tân Uyên là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời; với tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Thành phố có cảnh quan sông Đồng Nai, những vườn trái cây xanh tươi, làng nghề truyền thống là điểm đến lý tưởng cho khách tham quan. Trên địa bàn thành phố hiện có 12 di tích, gồm di tích cấp Quốc gia Cù lao Rùa và 11 di tích cấp tỉnh, gồm các nhà cổ, đình, chùa, đặc biệt là Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi đã được công nhận điểm du lịch. Cùng với đó, thành phố có 18 cơ sở sản xuất ngành nghề gốm sứ và mây tre lá truyền thống. Sản phẩm được sản xuất từ gốm chứa đựng những dấu ấn truyền thống, được tạo nên từ đôi tay tài hoa của những người thợ lành nghề, mang giá trị văn hóa đặc trưng để hình thành sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách. Đây là những điều kiện thuận lợi để Tân Uyên phát triển du lịch, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá làng nghề truyền thống địa phương.

Di tích Lịch sử - Văn hóa Cù lao Rùa

UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan và UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về phát triển du lịch; đang xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo Đề án phát triển du lịch thành phố Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Tân Uyên. Thành phố đã chọn 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội là 2 địa phương phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, kết hợp tham quan nghỉ dưỡng cùng với du lịch tâm linh, đồng thời kết nối tham quan các di tích lịch sử - văn hóa và tham quan trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất các ngành nghề truyền thống trên địa bàn thành phố. 

Việc xây dựng sản phẩm Bưởi OCOP, các sản phẩm làm từ Bưởi, sản phẩm gốm, mây tre lá của các cơ sở ngành nghề truyền thống trên địa bàn gắn kết với hoạt động du lịch đã tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân và du khách. Trong những năm qua, phát triển du lịch trên địa bàn thành phố bước đầu có nhiều khởi sắc, nổi bật là việc tổ chức thành công Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng lần 1 và lần 2, thu hút hơn 20.000 lượt khách trong và ngoài thành phố tham gia với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sôi nổi, qua đó giới thiệu đến du khách những nét đẹp, đặc trưng của vùng đất và con người Tân Uyên. Trong khuôn khổ lễ hội, thành phố đã tổ chức cho hơn 5.000 lượt du khách tham quan các điểm du lịch, di tích, vườn bưởi đặc sản, thưởng thức những sản phẩm từ bưởi. Tiếp nối thành công đó, thành phố đang chuẩn bị tổ chức Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng lần III - năm 2024, gắn với chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Tân Uyên - thành phố Tân Uyên.

Khai mạc Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng lần III – năm 2024

Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức thành công thí điểm tuyến du lịch cho hơn 300 du khách là đoàn viên, hội viên các đoàn thể. Đồng thời, thành phố cũng đón tiếp hơn 7.000 lượt khách đến tham uan các di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, di tích Nhà cổ Đỗ Cao Thứa, nhà cổ Dương Văn Hổ, Đình Tân Trạch, di tích Cù Lao Rùa, di tích Chiến thắng Tháp canh Cầu Bà Kiên và kết nối tham quan trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất gốm, mây tre lá truyền thống phường Tân Phước Khánh. 

Tạo điều kiện để phát triển du lịch, thành phố thường xuyên quan tâm tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa gắn kết du lịch như: Di tích Chiến khu Vĩnh Lợi - Phòng Truyền thống, di tích Nhà cổ Ông Đỗ Cao Thứa, Nhà cổ Dương Văn Hổ, Đình Tân Trạch, di tích Miếu Ông - Nơi hoạt động trinh sát Quân báo Biệt Động tỉnh Bình Dương, di tích Chiến thắng Tháp canh Cầu Bà Kiên. Hiện nay, các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố đều được lắp đặt hệ thống wifi công cộng miễn phí đảm bảo phục vụ các hoạt động du lịch. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch được ưu tiên, đồng thời UBND thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển du lịch thành phố Tân Uyên theo hướng bền vững. Công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại các điểm tham quan du lịch được đảm bảo, mang lại sự an toàn cho khách du lịch trong suốt quá trình tham quan, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố. 

Đặc biệt, thành phố luôn quan tâm quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về những nét đẹp văn hoá, những điểm du lịch hấp dẫn để mời gọi khách tham quan; phối hợp Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương thực hiện phát sóng trực tiếp, giới thiệu các điểm tham quan du lịch, các cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển du lịch để thu hút các nhà đầu tư; tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Thành phố đã in ấn, cấp phát 3.000 cẩm nang và 5.000 tờ rơi giới thiệu về các điểm tham quan du lịch, bố trí, lắp đặt các bảng “Thông tin địa chỉ đỏ - giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa” bằng mã QR; lắp các bảng chỉ dẫn, biển báo, sơ đồ, về các điểm tham quan du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan du lịch thành phố Tân Uyên. 

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Tân Uyên, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các ngành nghề truyền thống, quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm du lịch từ ngành nghề thủ công truyền thống; tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch và đề xuất chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngành nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương. 

Gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công Mây tre lá

Cơ sở sản xuất gốm tại phường Tân Phước Khánh

Thành phố sẽ liên kết, kết nối các cơ sở sản xuất sản phẩm ngành nghề truyền thống với các đơn vị lữ hành, công ty du lịch nhằm thu hút khách du lịch, tăng cường khảo sát các hộ dân có điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn để tổ chức các tour tham quan trải nghiệm, sản xuất các sản phẩm ngành nghề truyền thống, kết hợp du lịch sinh thái và tham quan các di tích lịch sử - văn hóa; vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất tại các làng nghề truyền thống mở rộng quy mô gắn với phát triển mô hình du lịch trải nghiệm để du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu, giao lưu văn hóa; xây dựng các tour du lịch kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống. Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác hiệu quả Cổng thông tin điện tử, ứng dụng (App) Du lịch và các trang mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; cung cấp thông tin các sản phẩm du lịch ngành nghề để thu hút du khách đến tham quan, du lịch. 

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Tân Uyên sẽ góp phần mang những hình ảnh đẹp về đất và người thành phố vươn xa, để mỗi khi nhắc đến Tân Uyên, du khách không chỉ nhớ đến một đô thị hiện đại, văn minh mà còn ấn tượng nơi đây là vùng đất giàu truyền thống, đậm đà bản sắc văn hoá với những người dân thân thiện, hiền hoà, mến khách.

Hồng Nhung – Phòng VH&TT Tân Uyên