Kỷ niệm 65 năm ngày ngành thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025)
Ngày 9/7/1960 được ghi nhớ như một dấu mốc khai sinh ngành Du lịch Việt Nam. Theo Nghị định số 26/CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành, Công ty Du lịch Việt Nam được thành lập, chính thức đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ngành du lịch bước vào giai đoạn mới với việc tiếp quản và phát triển hệ thống du lịch ở các tỉnh, thành phía Nam như Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Côn Đảo. Những trung tâm du lịch tiềm năng này dần được khôi phục và đưa vào vận hành, làm tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển sôi động trong những thập kỷ tiếp theo.
Bước ngoặt thực sự quan trọng vào năm 1986, khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới và mở cửa hội nhập. Du lịch từ một ngành chủ yếu phục vụ nội bộ và đối ngoại đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế có sức hút đầu tư lớn, tiềm năng tăng trưởng cao và khả năng lan tỏa rộng đến nhiều lĩnh vực khác. Năm 1992, Tổng cục Du lịch được thành lập, đánh dấu sự nâng tầm trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành. Các chính sách khuyến khích phát triển du lịch dần được hoàn thiện thông qua những văn kiện quan trọng như Chỉ thị 46 của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1994 về "Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới", hay Thông báo Kết luận 179 của Bộ Chính trị năm 1998 về "Phát triển du lịch trong tình hình mới" - văn bản chỉ đạo đặt nền tảng cho nhiều chính sách quan trọng sau này.
Giai đoạn 1990 - 2019 chứng kiến thời kỳ tăng trưởng liên tục và ấn tượng của ngành Du lịch. Lượng khách quốc tế năm 2019 đạt 18 triệu lượt, cao gấp 72 lần so với năm 1990 chỉ với 250 nghìn lượt. Khách nội địa đạt 85 triệu lượt, tổng thu du lịch lên tới 755 nghìn tỷ đồng, và du lịch đóng góp 9,2% GDP. Các thị trường quốc tế quan trọng như Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Mỹ, Úc dần được mở rộng. Năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể nhờ việc đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Giai đoạn 2020 - 2025, du lịch Việt Nam lại chứng kiến những thử thách khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử khi đại dịch Covid-19 ập đến. Ngành Du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề với các đường bay quốc tế ngưng trệ, hoạt động du lịch "đóng băng" hoàn toàn. Có thời điểm 90 - 95% doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động, người lao động trong ngành mất việc làm, nhiều người phải chuyển sang lĩnh vực khác mưu sinh. Trong bối cảnh đó, việc khôi phục ngành du lịch trở thành nhiệm vụ cấp bách, mang tính sống còn.
Từ 3,7 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, con số này đã tăng vọt lên 12,6 triệu lượt năm 2023 và đạt 17,6 triệu lượt năm 2024, tương đương 98% so với năm 2019 - tỷ lệ phục hồi cao nhất trong khu vực ASEAN. Khách nội địa năm 2024 đạt 110 triệu lượt, tổng thu từ du lịch lên tới 840.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Đặc biệt, sáu tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ khi Việt Nam đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024, phục vụ 77,5 triệu lượt khách nội địa và đạt tổng thu từ du lịch 515 nghìn tỷ đồng. Du lịch đã được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2025 này cũng đã đánh dấu 65 năm hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong quý I/2025, theo số liệu tổng hợp của UN Tourism, Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tăng trưởng lượng khách quốc tế đến (tăng 30% so với quý I/2024) và đứng thứ 2 về phục hồi lượng khách quốc tế đến (tăng 34% so với quý I/2019). Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tăng trưởng lượng khách quốc tế đến, tăng 30% so với quý I/2024. Trên toàn cầu, 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đứng thứ 6 về mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến và xếp thứ 4 về mức tăng tổng thu từ du lịch, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, Việt Nam đang ngày càng được quốc tế ghi nhận và vinh danh trên nhiều bảng xếp hạng uy tín. Năm 2024, Tổ chức Du lịch Thế giới (UN Tourism) đã chọn làng Trà Quế (Quảng Nam) là một trong những "Làng du lịch tốt nhất thế giới", tiếp nối thành công của làng Thái Hải (Thái Nguyên, 2022) và làng Tân Hóa (Quảng Bình, 2023). Bên cạnh đó, Việt Nam liên tục được vinh danh tại các giải thưởng World Travel Awards với các xếp hạng như: Điểm đến hàng đầu châu Á" và "Điểm đến du lịch di sản hàng đầu châu Á", Hà Nội là "Điểm đến thành phố ngắn ngày hàng đầu châu Á", Đà Nẵng là "Thành phố lễ hội - sự kiện hàng đầu châu Á", Hội An tiếp tục được vinh danh là "Thành phố du lịch văn hóa hàng đầu châu Á", trong khi Hà Giang và Mộc Châu lần lượt giành giải "Điểm đến văn hóa vùng" và "Điểm đến thiên nhiên vùng hàng đầu châu Á". Phú Quốc cũng góp mặt trong top 25 hòn đảo đẹp nhất thế giới do tạp chí Travel + Leisure bình chọn, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ngày càng hiện diện nổi bật trên bản đồ du lịch toàn cầu.
PXTDL - Huỳnh Trần Huy (tổng hợp từ Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Bài viết tiếp theo
Bài viết liên quan
Hỗ trợ tuyên truyền Cuộc thi "Sáng tác Video clip Du lịch Hưng Yên năm 2025" của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên
HIIVE by fusion Binh Duong tổ chức Cuộc thi ảnh Bình Dương: Chuyện Chưa Kể
Tạp chí Du lịch TP.HCM phát động cuộc thi “Thành phố Hồ Chí Minh – Những điểm chạm tầm cao”
Bình Dương sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)