Cảm nhận về điểm tham quan Di tích lịch sử Địa đạo Tây Nam Bến Cát - Tam Giác Sắt

Di tích lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát toạ lạc tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, là 1 trong số 13 di tích cấp quốc gia của Bình Dương.

Sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, tôi rất tự hào về quê hương của mình, tự hào về tinh thần sáng tạo, hội nhập và phát triển. Và, càng tự hào hơn về những chiến công vang dội của các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh sương máu của mình để bảo vệ quê hương đất nước. Bản thân đã được học và đọc nhiều về trang sử của Bình Dương nhưng thật sự cảm phục và yêu quê hương mình hơn khi được đến tham quan tại di tích lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát. Một ngôi làng ngầm dưới lòng đất, một công trình kiến trúc có giá trị vượt thời đại - giá trị của lòng yêu nước và khát vọng hoà bình của dân tội Việt Nam nói chung và của quân dân Bình Dương nói riêng.

Di tích lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát toạ lạc tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, là 1 trong số 13 di tích cấp quốc gia của Bình Dương.

Ấn tượng đầu tiên khi vào cổng tham quan di tích là bản đồ tham quan di tích rất chi tiết cụ thể các hạng mục tham quan.

Đầu tiên chúng ta sẽ nhìn thấy đó là tượng đài Trung tâm của di tích có hình mũi lao thẳng lên trời chân đắp đài cao giống như ụ chiến đấu, khi lên tượng đài chúng ta có thể nhìn thấy sông Sài Gòn - cửa ra vào địa đạo của quân và dân ta trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở vị trí này, chúng ta có thể có được những bức ảnh rất đẹp, ghi hình được toàn cảnh sông Sài Gòn từ trên cao, bên kia sông là Bến Đình - Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng ta sẽ được nghe thuyết minh viên giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của địa đạo.

Sau chiến thắng Tháp canh Cầu Bà Kiên ở Tân Uyên vào ngày 19 tháng 3 năm 1948, nhận thấy được việc tận dụng địa hình áp sát mặt đất để tấn công địch, địa đạo Tây Nam Bến Cát nhanh chống được hình thành, ban đầu chỉ là những ô ụ, giao thông hào ngắn để dễ dàng di chuyển dưới lòng đất mà không bị địch phát hiện, đến thời kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được hoàn tất có độ sâu cách mặt đất 4 mét và chiều dài khoảng 100km và trở thành căn cứ địa của nhiều cơ quan lãnh đạo cách mạng.

Về tên gọi: (1) di tích này có tên gọi là di tích lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát vì địa đạo nối liền 3 xã từ An Điền qua An Tây và kéo dài xuống tận Phú An, 3 xã này nằm phía Tây Nam của huyện Bến Cát nên người dân gọi là địa đạo Tây Nam Bến Cát. (2) tên gọi thứ 2 là địa đạo Tam giác sắt, tên gọi này do quân đội Mỹ đặt vào năm 1967 sau khi thực hiện cuộc hành quân Cedafal vào vùng đất này nhưng không thành. Trước những tổn thất nặng nề về vũ khí, về người và uy tính của 1 đơn vị thiện chiến như sư đoàn bộ binh số 25 “Tia chớp nhiệt đới”, quân đội Mỹ gọi vùng này là vùng bất khả xâm phạm - vùng Tam giác Sắt.

Sau khi tham quan tượng đài trung tâm, chúng ta sẽ đến nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ. Trong nhà tưởng niệm chúng ta sẽ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Kế bên nhà tưởng niệm là hạng mục Làng ngầm dưới lòng đất, có độ sâu cách mặt đất 4m, chiều ngang rộng, dài thông ra sông Sài Gòn (tham quan 1 đoạn), dưới Làng ngầm chúng ta có thể cảm nhận được cuộc sống cơ cực của người dân dưới lòng đất trong thời kỳ chiến tranh, hình ảnh tải thương, cứu thương, sinh hoạt dưới lòng đất, đây là 1 hạng mục rất ý nghĩa và có nhiều điều thú vị. Khác với địa đạo Củ Chi chỉ khôi phục hệ thống địa đạo chiến đấu, Làng ngầm dưới lòng đất của địa đạo Tây Nam Bến Cát có sức chứa 150 người tham quan cùng 1 lúc, không bị ngạc, không phải khom người, đặc biệt là hệ thống âm thanh dười làng ngầm tạo cảm giác như đang trong 1 trận càn của địch.

Song song với Làng ngầm dưới lòng đất là khu trưng bày dưới lòng đất, được xem là nơi tái hiện lại không gian làm việc các đơn vị lãnh đạo cách mạng như: khu uỷ Sài Gòn Gia Định, thị đội Thủ Dầu Một….tại đây có trưng bày các vật dụng đào địa đạo: những cái cuốc có kích thước chưa bằng lòng bàn tay, những chiếc ky đan vội bằng tre nhưng với tinh thần yêu nước, người dân 3 xã Tây Nam của huyện Bến Cát đã tạo dựng nên 1 công trình kiến trúc vĩ đại trong lòng đất, được biết thời gian đào địa đạo bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau, việc đào địa đạo được tổ chức thành từng đội, tổ, thôn, ấp, xã. Đơn vị nhỏ nhất là đội, mỗi đội 2 người thực hiện đào chiều dài là 8 mét trong 1 đêm, đất đào địa đạo được đem ra sông Sài Gòn để dấu vết tích. Và còn rất nhiều câu chuyện thú vị về công việc đào địa đạo chúng ta sẽ được nghe khi đến đây tham quan. Trong khu trưng bày dưới lòng đất có hầm chỉ huy, phòng dưỡng thương, khu nhà bếp cùng nhiều hiện vật như máy chiếu phim của tổ chức I4 - Ban tuyên truyền của Thành đoàn Gia Định, máy đánh chữ, đèn tự chế được làm từ vỏ đạn, quả bom bi của Mỹ, đạn T40…. không gian và giải pháp trưng bày ấn tượng, ý nghĩa.

Kết thúc khu trưng bày dưới lòng đất là nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

Phía sau nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp là hệ thông địa đạo chiến, hệ thống hào, hầm chông - đây được xem là chiến trường tiêu diệt giặc tại chỗ. Những bàn chông được chế tác bằng những vật liệu như tre, tầm vông, sắt nhọn trở thành nỗi ám ảnh của lính Mỹ khi thực hiện trận càn trên vùng đất này.

Kết thúc lộ trình tham quan tại địa đạo là khu trưng bày ngoài trời - khu trưng bày vũ khí rất ấn tượng. Ngoài ra, trong khuôn viên di tích chúng ta có thể tham quan bia Khu lưu niệm căn cứ Thành đoàn Gia Định.

Có thể nói Di tích lịch sử Địa đạo Tây Nam Bến Cát (Tam Giác Sắt) là 1  trang sử “Chân trần, chí thép”. Để đất nước được giải phóng, được thống nhất như ngày hôm nay, rất nhiều người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả vì Tổ quốc thống nhất”. Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe dọa, của cải, ruộng nương làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Đó là những con người “mạnh hơn sắt thép” đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và mãi mãi thanh xuân - cái tuổi đẹp nhất của một đời người dành trọn vẹn cho đất nước, cho các thế hệ mai sau. Sử sách không ghi hết được sự hy sinh cao cả của họ, chỉ có lòng thành kính nhớ ơn mới là đáng quý (Đảng Bộ tỉnh Sóc Trăng, 2021).

“Ta đánh giặc ngày đêm không ngủ

Đánh luồn hầm, đánh tạc đạn, đánh giao thông

Tập kích ban đêm, ngày đeo “chim sẻ”

Dưới lưỡi lê ta, xác giặc chất chồng…”

(Báo Bình Dương, 2013)

Với hệ thống địa đạo dài hơn 100km, khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm… địa đạo Tây Nam là căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến, đây còn là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ. Từ căn cứ này, nhiều lực lượng vũ trang chủ lực làm bàn đạp xuất phát tiến công vào sào huyệt kẻ thù trong những trận đánh lớn, chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch Lê Hồng Phong (1950); những trận phục kích đánh giao thông trên đường 14; đánh các cuộc càn “Phong hỏa”, “Át-tăng-bơ-rơ”, “Xê-đa-phôn”…

Địa đạo Tây Nam Bến Cát không đơn thuần mang ý nghĩa địa danh, mà nó là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một “Làng ngầm” kỳ diệu. Chúng ra có thể thấy đây là một công trình độc đáo, chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ở nơi khác để giữ bí mật địa đạo đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu, là biểu hiện sự đồng tâm hiệp lực của quân dân. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.