Chùa Hội Khánh

Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được xếp hạng ngày 07/01/1993.

Được xây dựng vào năm 1741 ở vị trí dưới chân đồi thơ mộng rợp bóng mát của hàng Dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi, chùa Hội Khánh được xem là ngôi chùa cổ có giá trị văn hóa, kiến trúc vào bậc nhất của vùng đất Nam Bộ. Đây là một công trình kiến trúc gỗ lớn nhất tỉnh, nơi lưu giữ nhiều cổ vật hàng mấy trăm năm có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, mỹ thuật. Điểm nổi bật của ngôi chùa khiến du khách phải trầm trồ thán phục là nét chạm trổ tinh xảo, khéo léo ở từng bộ phận, chi tiết của nội thất như cột, kèo, đầu dư, cửa võng, câu đối… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ bộ tượng gỗ mít sơn son thếp vàng Thập Bát La Hán, Thập Điện Minh Vương và hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị Bồ tát với nhiều dáng vẻ khác nhau, tạo nên một công trình kiến trúc tuyệt mỹ.

Hiện nay, đối diện chùa Hội Khánh, Thượng tọa Thích Huệ Thông đã tổ chức xây dựng một công trình Phật học, thư viện với quy mô lớn trên khu đất rộng 13.829 m2 vừa làm nơi chiêm bái cho đồng bào, Phật tử, vừa là trường Phật học, nơi đào tạo thế hệ kế thừa Phật Pháp. Đồng thời, đây cũng là trung tâm văn hóa Phật giáo của tỉnh. Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 22m, dài 52m (thể hiện cho Ngũ thập nhị vị, ngũ thập nhị chúng, ngũ thập nhị chúng cúng vật). Tháng 5/2013, Tổ chức kỷ lục Châu Á đã chính thức xác lập tượng Phật nằm tại chùa Hội Khánh là: “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á”. Công trình Phật tượng này sẽ góp phần vào nền kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng tâm linh cho dân tộc Việt Nam trong giai đoạn phát triển Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng.

Địa chỉ: Số 35 đường chùa Hội Khánh, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một.

Điện thoại: (0274) 3 841 606 – Bảo tàng tỉnh Bình Dương.