Tham quan Làng nghệ sơn mài Tương Bình Hiệp và Làng tre Phú An

Tham quan Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp và làng tre Phú An trải nghiệm trò chơi dân gian (nhảy sạp, đi cà kheo); Giao lưu ẩm thực thời kháng chiến...

Tham quan Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp và làng tre Phú An trong ngày Ngày gia đình Việt Nam năm 2022 được tổ chức tại Bình Dương với sự tham của hơn 250 đại biểu đến từ các tỉnh thành khu vực phía Nam về Bình Dương tham dự chương trình.

Chương trình tham quan Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (Thủ Dầu Một) và Làng Tre Phú An (Thị xã bến Cát) được diễn ra vào sáng ngày 26 tháng 6 năm 2022 với các địa điểm và nội dung tham quan: Tham quan cơ sở sơn mài Định Hoà và cơ sở sơn mài Tư Bốn; Tham quan Làng tre Phú An, trải nghiệm trò chơi dân gian (nhảy sạp, đi cà kheo); Giao lưu ẩm thực thời kháng chiến trên vùng đất Tây Nam Bến Cát tại làng tre Phú An…

Nghề sơn mài đã tồn tại và phát triển trên 200 năm tại vùng đất Tương Bình Hiệp (Bình Dương), trong quá trình tồn tại và phát triển các nghệ nhân sơn mài đã không ngừng khổ luyện và kết tinh những giá trị văn hoá trong từng sản phẩm sơn mài. Đặc biệt, sản phẩm sơn mài ứng dụng có nhiều đóng góp cho địa phương về kinh tế, văn hoá khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế. Với những giá trị đó, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã được bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2016.

 Đoàn tham quan Cơ sở sơn mài Định Hòa; ảnh: Minh Hiếu

Tại làng tre Phú An, đoàn đại biểu được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành và phát triển của làng tre, vai trò của cây tre trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, hình ảnh cây tre xuất hiện trong truyền thuyết thánh giống với vai trò là vũ khí đánh đuổi giặc ngoại xâm. Từ đó hình ảnh cây tre Việt Nam, không tách rời trong công cuộc bảo vệ quê hương, bờ cỏi đất nước cho đến ngày nay.

Những năm tháng chiến tranh, vùng đất phía Tây Nam của huyện Bến Cát đã bị quân đội xâm lược rải bom, chất độc hoá học biến nơi đây trở thành vùng đất “chết”, vùng Tam Giác Sắt. Sau chiến tranh, với mơ ước kiến thiết vùng đất Tam Giác Sắt trở thành vùng Tam Giác Xanh, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh cùng rất nhiều cộng sự đã cải tạo và phủ lên vùng đất này một màu xanh bạt ngàn của hơn 300 loài tre được cô và cộng sự dày công sưu tầm, chăm bón. Đến nay vùng Tam Giác Xanh đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Bình Dương.  

Không gian ẩm thực thời chiến được tái hiện tại Làng tre Phú An; Ảnh TTXTDL

 Các đại biểu tham gia trò chơi nhảy sạp tại Làng tre Phú An. Ảnh: Minh Hiếu

  Đoàn thưởng thức ẩm thực tại làng tre. Ảnh: Minh Hiếu

Chương trình tham quan Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (Thủ Dầu Một) và Làng Tre Phú An (Thị xã Bến Cát) làm cho tôi rất ấn tượng và tự hào để quảng bá, giới thiệu với các tỉnh, thành phố bạn về thành tựu  kinh tế - xã hội và nét đẹp truyền thống văn hóa của con người Bình Dương trong thời kỳ đổi mới.