Bình Dương - 3 điểm đến cho 1 ngày thú vị
Di tích lịch sử nhà tù Phú Lợi - Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Hội Khánh - Trung tâm mua sắm Minh Sáng Plaza.
1. Di tích lịch sử nhà tù Phú Lợi
Di tích lịch sử nhà tù Phú Lợi tọa lạc tại địa chỉ: Đường 1 tháng 12, phường Phú Lợi thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Là 1 trong số 13 di tích cấp quốc gia của tỉnh Bình Dương.
Nhà tù Phú Lợi do chính quyền Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng năm 1957 để giam giữ và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước lúc bấy giờ. Với tổng diện tích của nhà giam khoảng 8 hecta, được chia thành 3 khu giam và được đặt tên là Bạch Đằng, Đống Đa và Chi Lăng, có 9 nhà giam lớn, bao quanh các nhà giam lớn là các phòng kỷ luật, phòng tra tấn. Vào thời kỳ cao điểm số lượng tù nhân bị giam giữ tại nhà tù Phú Lợi lên đến 6.800 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.
Tượng đài Phú Lợi bất khuất
Ngày nay đến tham quan di tích lịch sử Nhà tù Phú lợi, quý vị sẽ được tham quan các hạng mục như: Phòng trưng bày, hình thức tra tấn tù nhân trong Lồng kẽm gai; Locot Trung tâm, Tượng đài Phú Lợi bất khuất, Nhà giam C, Phòng kỷ luật, xem phim tư liệu và tham gia các hoạt động tại khu sinh hoạt ngoài trời.
2. Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Chùa Hội Khánh
Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Chùa Hội Khánh tọa lạc tại số 29 đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chùa Hội Khánh được xây dựng vào thế kỷ XVIII (năm 1741). Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh Bình Dương, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 07/01/1993.
Chùa Hội Khánh đầu tiên có tên là Tổ đình Hội Khánh, là một ngôi chùa cổ do Đại Ngạn Thiền sư (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741). Lịch sử ghi chép lại: “Năm thứ 2 đời vua Cảnh Hưng (1741), trên đường du vân truyền đạo, Thiền sư Đại Ngạn đã dừng chân tại một ngọn đồi thuộc làng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để lập am tu hành. Một thời gian sau, tín đồ đến với Thiền sư ngày càng đông. Từ chiếc am lợp tranh bé nhỏ thủa ban đầu, ngôi Tổ đình Hội Khánh được dựng lên. Vào thời kỳ Đại Ngạn Thiền sư xây Tổ đình Hội Khánh và truyền bá Phật pháp tại đây, vùng đất này còn hoang sơ, rừng rậm và nhiều thú dữ. Tuy dân cư chưa được đông lắm thế nhưng rất được dân chúng tôn sùng. Ngày 09/09 năm Nhâm Thân (1812) Thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn viên tịch”.
Lúc đầu, Tổ đình Hội Khánh được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng vào năm 1861 giặc Pháp đánh chiếm Nam bộ, Tổ đình Hội Khánh bị thiêu thủy hoàn toàn. Năm Mậu Thìn (1868), Hòa thượng Thích Chánh Đắc (Toàn Tánh) cho trùng tu lại chùa nhưng không dựng trên nền chùa cũ mà cho xây lại dưới chân đồi, cách vị trí cũ khoảng 100m. Năm 1883, Hòa thượng Thích Trí Tập (Chương Đắc) tổ chức đúc Đại Hồng Chung (đây là pháp khí đầu tiên được đúc tại Thủ Dầu Một). Năm 1885, Hòa thượng Thích Thiện Quới (Ấn Long) tổ chức khắc bản in kinh (mộc bản) gồm kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Kim Cang… Về sau, các bộ kinh được trùng khắc vào năm 1930 do Hòa thượng Thích Từ Văn (Chơn Thinh) chủ trì. Năm 1908, Hòa thượng Thích Từ Văn cho xây dựng lại cổng Tam Quan. Nơi tụng kinh và gian phía Đông của chùa được xây dựng lại vào năm 1917 và gian phía Tây được xây lại vào năm 1984. Chính điện được xây lại năm 1990 và 1991. Dù được trùng tu và mở rộng nhiều lần nhưng chùa Hội Khánh đến nay vẫn không mất đi vẻ trang nghiêm cổ kính.
Vào ngày 29 tháng 02 năm 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé cho trùng tu lại những pho tượng cổ trong chùa. Diện tích của chính điện cùng với nơi tụng kinh và hai gian phía bên Đông và Tây là 700m². Trong chính điện có tượng Phật Thích Ca, Địa Tạng và những vị bồ tát khác, tất cả đều làm bằng gỗ mít sơn mài – truyền thống đất Thủ. Ngoài ra còn có tượng của 18 vị La Hán xung quanh chính điện. Các tượng được các thợ trong vùng Thủ Dầu Một tạo tác vào thế kỷ thứ XIX. Trong suốt 250 năm kể từ ngày thành lập chùa đã có 10 vị sư trụ trì. 09 vị đã mất, được an táng và lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Các vị trụ trì viên tịch gồm có: Thích Đại Ngạn – Từ Tấn (1741 – 1788), Thích Chân Kính – Minh Huệ (1788 – 1815), Thích Chánh Đắc – Toàn Tánh (1815 – 1869), Thích Trí Tập – Chương Đắc (1869 – 1884), Thích Thiện Quới – Ấn Long (1884 – 1906), Thích Từ Văn – Chơn Thinh (1906 – 1931), Thích Ấn Bửu – Thiện Quới (1931 – 1941), Thích Thiện Hương – Thị Huê (1941 – 1971), Thích Quảng Viên – Đồng Bửu (1971 – 1988. Đương nhiệm trụ trì là Hòa thượng Thích Huệ Thông – Nhật Minh, hiện là Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương.
Trong thời kì chiến tranh, chùa Hội Khánh cũng được xem là một trong những nơi xuất hiện nhiều anh hùng yêu nước. Tiêu biểu nhất phải kể đến là hòa thượng Từ Văn - trụ trì đời thứ 6 của chùa Hội Khánh cùng với nhà yêu nước Phan Đình Viện và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thành lập “Hội danh dự yêu nước”, tiếp nối truyền thống đó hoà thượng Từ Tâm tham gia kháng chiến chống Pháp và bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Nhà chùa cũng là nơi xuất thân của nhiều nhà sư yêu nước và đức độ. Sống đẹp đời và đẹp đạo đã góp phần vào cuộc kháng chiến của nước nhà.
Giai đoạn năm 1923 – 1926, chùa Hội Khánh còn trở thành trụ sở của “Hội danh dự”, nơi quy tụ nhiều nhà yêu nước nổi tiếng và cụ Nguyễn Sinh Sắc – người thân sinh ra Bác Hồ. Hiện nay, chùa là địa chỉ tu học của nhiều Phật tử và là ngôi chùa cổ nổi tiếng của Phật giáo Bình Dương.
3. Trung tâm mua sắm Minh Sáng Plaza
Trung tâm thương mại Minh Sáng Plaza; Địa chỉ: 888, Đại lộ Bình Dương, P. Thuận Giao, TP. Thuận An; Điện thoại: (0274) 3 784 576 - 784 577
Là nơi trưng bày và bán các sản phẩm mang thương hiệu của gốm sứ Minh Long I. Trung tâm được xây dựng trong khuôn viên rộng 25.000 m2. Nổi bật nhất của Minh Sáng Plaza là biểu tượng bộ ấm chén uống trà được đặt trước cửa Trung tâm. Sảnh trong được bài trí rộng rãi, sang trọng, với vòi phun nước có biểu tượng 81 con cá vượt vũ môn rất ấn tượng.
Đến với Minh Sáng Plaza, quý khách sẽ có cơ hội khám phá các dòng sản phẩm gốm sứ của Minh Long như: gốm sứ cao cấp, sản phẩm gốm sứ dùng trong gia đình, trang sức làm từ gốm sứ, dòng gốm sứ Horeca dành cho nhà hàng khách sạn,... Đối với những ai đam mê, thích khám phá về nghề gốm sứ thì đến đây sẽ có dịp tìm hiểu và xem phim tư liệu về gốm sứ và tham gia trải nghiệm ngồi vào bàn xoay tự tay tạo một sản phẩm gốm sứ cho riêng mình.
TTXTDL
Bài viết tiếp theo
Khám phá các điểm đến du lịch tại huyện Bắc Tân Uyên
Kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2024)
Phấn đấu mục tiêu cao, ngành du lịch quyết tâm phục hồi hoàn toàn và phát triển đột phá vào năm 2024
Thông báo Sửa đổi, bổ sung Thể lệ Cuộc thi ảnh quảng bá văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Điện Biên năm 2024