BÌNH DƯƠNG ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN DU LỊCH

Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương bằng nhiều hình thức khác nhau đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch.

 

Trong những năm vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương bằng nhiều hình thức khác nhau đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch tại Bình Dương. Kết quả là đến nay, số lượng du khách đến và lưu trú tại Bình Dương ngày một tăng cao. Không khí hoạt động tại các điểm du lịch thêm phần nhộn nhịp. Và, theo đó, nguồn thu, nhịp điệu hoạt động của các công ty du lịch lữ hành, doanh nghiệp dịch vụ du lịch… có xu hướng phát triển mạnh mẽ.

1. Khảo sát điểm đến và mở rộng phạm vi hợp tác, kết nối tour, tuyến…

Khảo sát thực tiễn tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, địa điểm tham quan… nhằm giới thiệu các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh đến với các công ty lữ hành, các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho các điểm du lịch giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hiện có của đơn vị mình và tìm cơ hội hợp tác, kết nối tour, tuyến thu hút du khách đến với Bình Dương ngày một đông hơn. Ở góc nhìn này, từ khi thành lập (năm 2013), Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương không chỉ thường xuyên tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tiễn tại những điểm đến trong tỉnh, mà còn phối hợp với các ngành chức năng trong và ngoài tỉnh, tham gia nhiều cuộc hội thảo, nhiều đợt khảo sát… mà cả “ba nhà” (Nhà nước – với đại diện của nhiều trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh, thành phố; Nhà hoạt động du lịch – bao gồm các công ty du lịch lữ hành, chủ các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch… và nhà báo, phóng viên, nhà hoạt động Văn hóa – Truyền thông – Du lịch…) cùng ngồi lại, chia sẻ khó khăn hoặc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hiện có của đơn vị mình, hoặc hỗ trợ các đơn vị tìm cơ hội hợp tác kết nối tour, tuyến… nhằm thu hút du khách đến với Bình Dương và là điểm nhấn, tạo đà cho du lịch Bình Dương trở mình trên con đường liên kết ngành du lịch trong vùng, quốc gia và quốc tế.

2. Liên kết vùng: Điểm nhấn tạo đà cho ngành du lịch các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ

Thực ra, việc liên kết giữa Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương với Trung tâm Xúc tiến Du lịch các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ nhằm xây dựng các tour, điểm đến theo tuyến du lịch tại các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam Bộ đã có từ lâu. Thế nhưng, tính từ tháng 04/2022 đến nay, việc liên kết này bắt đầu được thực hiện nhiều hoạt động khá sôi động, thu hút nhiều phân khúc du khách và từng bước góp phần tạo nên sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch ở vùng Đông Nam Bộ nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng. Điển hình đó là những hoạt động:

Khảo sát và thiết lập tour du lịch bằng đường tàu hỏa, từ đó, tạo điều kiện cho du khách đi tour có thể lựa chọn điểm xuất phát, điểm trở về tại các ga tàu hỏa ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương (Ga Dĩ An) hay Đồng Nai (Ga Biên Hòa hoặc Ga Long Khánh). Dù chỉ có những thay đổi nhỏ; Song, nhiều tour du lịch bằng đường sắt đã giúp cho nhiều đơn vị du lịch lữ hành thu hút, tích hợp thêm nhiều du khách trong việc tổ chức tour. Một số du khách nhiều lần du lịch đó đây, nhưng chủ yếu di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không. Giờ đây, nhờ đi lại bằng tàu hỏa nên du khách có được nhiều trải nghiệm mới. Và, với ưu điểm của ngành đường sắt là ổn định về lịch trình khởi hành, do đó, du khách rất thuận lợi trong việc sắp xếp thời gian đi – về của mình.

Thiên nhiên vốn ban tặng cho vùng Đông Nam Bộ hệ thống núi non, sông ngòi, cảnh quan, hệ sinh thái… với những đặc điểm riêng có của Miền Đông. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, thế đất, dáng sông và tình người xứ này còn bồi đắp nên nhiều công trình, thiết chế mang vóc dáng và bản sắc Văn hóa - Lịch sử - Tôn giáo và tín ngưỡng. Tiêu biểu như: Núi Bà Đen (Tây Ninh), Núi Cậu - Lòng hồ Dầu Tiếng (Bình Dương), Núi Bà Rá (Bình Phước), Núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Chứa Chan (Đồng Nai), sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; hồ Dầu Tiếng (Bình Dương và Tây Ninh), hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Thác Mơ (Bình Phước), v.v… Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân ở các tỉnh, thành ở vùng Đông Nam Bộ còn đầu tư mới hoặc nâng cấp hạ tầng dịch vụ du lịch như xe vận tải, nhà hàng, khách sạn; Các ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá như: Tuần lễ Văn hóa - Ẩm thực, Ngày hội Du lịch, hoạt động Đờn ca tài tử, lễ hội văn hóa dân gian, tín ngưỡng… nhằm giới thiệu những đặc sản trong ẩm thực, những điểm mới, hoạt động mới trong lĩnh vực Văn hóa - Du lịch tại các địa phương đến với du khách… Những điều này đã và đang thực sự góp phần tạo nên sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch của vùng Đông Nam Bộ nói chung, nhất là tạo điều kiện nền tảng để các công ty du lịch lữ hành có thể đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc du khách tùy thuộc vào sở thích, thời gian và cả mức chi tiêu cho mỗi chuyến du lịch.

Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức các hoạt động Famtrip “Hào khí Miền Đông”, tuyến du lịch "Tình đất đỏ miền Đông" Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước - Tây Ninh, hành trình “Về nguồn” bằng tuyến du lịch đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương (thăm Khu Di tích địa đạo Củ Chi - Thành phố Hồ Chí Minh), Làng Tre Phú An và Di tích lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát, viếng Chùa Hội Khánh, Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, thăm làng Sơn mài Tương Bình Hiệp - Bình Dương, Caravan về miền Quốc bảo sâm Ngọc Linh Kontum K5, v.v… đều là những tour, tuyến liên kết nhưng đã gặt hái được nhiều thành công vượt trội cả về số lần tổ chức, số lượng du khách, doanh thu và dư luận xã hội.

3. Vận hành App du lịch Bình Dương

Ngày này, việc ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của một quốc gia, đặc biệt là trong việc phát triển ngành du lịch. Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được coi là giải pháp đột phá để tạo lợi thế thu hút du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành du lịch Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Trong những năm qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Thông qua các phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin (cổng thông tin điện tử, báo điện tử,…) Trung tâm đã và đang vận hành website dulichbinhduong.org.vn được tích hợp nhiều tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng web hỗ trợ các hoạt động du lịch như: bản đồ du lịch điện tử, tiếp nhận góp ý, phản ánh, bình luận từ du khách và người truy cập. Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội như facebook, zalo cũng là một trong những kênh quảng bá thông tin hiệu quả và phổ biến đang được Trung tâm vận hành.

Năm 2022 được xem là “năm sinh” của App du lịch Bình Dương trên nền tảng các thiết bị di động. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cùng Viễn thông Bình Dương (gọi tắt là VNPT Bình Dương thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam).

App du lịch Bình Dương được cung cấp trên hai “kho ứng dụng” là App Store - hệ điều hành IOS và Google Play - hệ điều hành Android, bao gồm 64 chức năng; trong đó có nhiều chức năng quản trị và nhiều chức năng tích hợp các tiện ích cho người dùng khi có nhu cầu tra cứu những thông tin về du lịch Bình Dương. Ngay sau khi đưa vào ứng dụng, App du lịch Bình Dương thực sự là một cẩm nang số hóa về du lịch, dịch vụ du lịch của Bình Dương. Từ việc tìm hiểu những thông tin về điểm đến trên Bản đồ số du lịch, lịch trình xe buýt, xe khách, thông tin về những sự kiện đang và sắp diễn ra, cho đến nhu cầu muốn kết nối thông tin của du khách với các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, giải trí.… ai ai cũng có thể thực hiện được ngay tại chiếc điện thoại thông minh có wifi của mình. Thậm chí, ứng dụng App du lịch Bình Dương còn giúp du khách tạo hình ảnh, lưu giữ hình ảnh, lịch trình hoạt động của du khách, hoặc có thể đưa ra những phương án, những gợi ý về điểm đến vui chơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực... để du khách chọn lựa và có những tháng ngày vui vẻ, nghỉ ngơi thỏa mái tại Bình Dương.

Nhờ những lợi ích thiết thực và thường xuyên như thế nên hiện nay, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương đã liên kết với Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương và trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm lắp đặt các Bảng hướng dẫn (standee) cài đặt, sử dụng App du lịch Bình Dương tại khu vực hành chính công. Đây cũng là một trong những hoạt động có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi để người dân và du khách được tiếp cận và sử dụng App du lịch Bình Dương.

4. Hệ thống ấn phẩm Thông tin du lịch Bình Dương phong phú và đa dạng

Ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương đã chú trọng đến công tác biên tập và xuất bản những ấn phẩm có nội dung giới thiệu và quảng bá về thế núi, dáng sông, những thiết chế về Văn hóa - Lịch sử - Tâm linh trong những tour, tuyến, điểm đến của du lịch Bình Dương. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Trung tâm đã sản xuất, in ấn và phát hành hàng loạt các ấn phẩm chuyên đề về du lịch Bình Dương như: “Cẩm nang du lịch Bình Dương – 10 điều hấp dẫn du khách” (2016), “Bình Dương – Du lịch làng nghề” (2017), “Bình Dương - Ẩm thực đặc sản” (2017), “Bình Dương – Du lịch về nguồn” (2018), “Bình Dương – Du lịch sinh thái” (2018), “Danh bạ các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ tại Bình Dương” (2019), “Bình Dương – Du lịch tâm linh (2019), “Bình Dương – Địa chỉ đỏ” (2020), Ảnh đẹp du lịch Bình Dương, v.v… Điều đáng khích lệ là hầu hết các ấn phẩm đó đều được in ấn song ngữ (Tiếng Việt và Tiếng Anh), nội dung cô đọng, trình bày rõ ràng, thiết kế đẹp, lựa chọn được nhiều hình ảnh mang ý nghĩa biểu trưng của Bình Dương như: Măng cụt Lái Thiêu, bưởi Bạch Đằng, gốm sứ Bình Dương, sơn mài Tương Bình Hiệp. Nhờ vậy, những ấn phẩm này đã trở thành công cụ quan trọng, không chỉ có tác dụng trực tiếp cung cấp thông tin, giới thiệu điểm đến của du lịch Bình Dương, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Từ những lợi ích trong thực tế đó, nhiều ấn phẩm đã được Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương chọn lọc, bổ sung nội dung và tái bản nhiều lần. Mới đây, trong năm 2023, Trung tâm còn in ấn và phát hành “Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Bình Dương”. Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động ngành kinh tế du lịch Bình Dương theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.   

5. Thương hiệu du lịch Bình Dương: Lan tỏa tại nhiều sự kiện văn hóa, hội chợ du lịch

Với chủ đề “Cùng vững bước, cùng đi lên” (Growing Forward Together), Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE HCMC) tổ chức hồi trung tuần tháng 9/2022, được xem là sự kiện quan trọng của ngành kinh tế thương mại du lịch nhiều quốc gia nằm trong vùng hạ nguồn sông Mekong sau 2 năm vắng bóng vì đại dịch.

Tại hội chợ này, những gian hàng trưng bày một số sản phẩm đặc trưng về Thương mại - Du lịch Bình Dương, cùng với hoạt động “quét mã” App du lịch Bình Dương, đã ghi dấu nhiều ấn tượng tốt đẹp về thương hiệu du lịch Bình Dương trong lòng đông đảo doanh nghiệp lữ hành, du khách trong và ngoài nước. Thậm chí, có nhiều du khách từng nhiều lần qua lại trên vùng đất “Miền Đông gian lao và anh dũng”, nhưng lần đầu tiên mới biết đến những thông tin và nhìn thấy hình ảnh đẹp tại Bình Dương như: Cầu Gãy Sông Bé, Di tích Dinh tỉnh trưởng Phước Thành, Nhà máy Xe lửa Dĩ An, Chùa Châu Thới, Khu Du lịch Thủy Châu, Chùa Hội An (Thành phố mới), Khu Di tích Nhà tù Phú Lợi, v.v….

Tính chung trong hai năm gần đây, do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn, song, bằng sự nỗ lực của nhiều đơn vị kinh tế, công ty du lịch lữ hành, chủ các khu du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch… Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương đã tham gia hàng chục lần hội chợ chuyên đề về du lịch. Tiêu biểu như: Tham gia quảng bá hình ảnh du lịch, ẩm thực Bình Dương tại gian hàng “Du xuân Bình Dương”, “Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022”, “Tuần Lễ văn hóa, ẩm thực, du lịch tỉnh Đồng Nai năm 2022”, “Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022”; “Phiên chợ Giới thiệu sản phẩm Việt và điểm đến du lịch Bình Dương tại Trung tâm mua sắm Aeon Mall Bình Dương Canary năm 2022”, “Không gian, văn hóa, ẩm thực du lịch tỉnh Bình Phước năm 2023”, “Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh năm 2023”, v.v. Trong mỗi lần tham gia, Trung tâm đều thực hiện trưng bày các sản phẩm về thương mại, du lịch Bình Dương; đồng thời, trực tiếp giới thiệu thông tin sản phẩm du lịch Bình Dương đến đông đảo doanh nghiệp lữ hành, du khách trong và ngoài nước tham gia hội chợ. Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch, mà còn xúc tiến hợp tác đầu tư phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Dương. Về phía Trung tâm, mỗi lần tham gia hội chợ là một lần giao lưu, tiếp cận, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cũng như tiếp nhận những phản hồi, góp ý của khách hàng, du khách dành cho sản phẩm du lịch Bình Dương.

6. Tổ chức Hội thi sáng tác, tuyên truyền và viết bài cảm nhận điểm đến du lịch Bình Dương

Với hình thức tổ chức hội thi để tuyên truyền và giới thiệu các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Trung tâm xúc tiến du lịch đã tổ chức và di trì các cuộc thi như: Cuộc thi sáng tác mẫu quà lưu niệm, quà tặng du lịch; Cuộc thi thuyết minh giới thiệu điểm đến; Cuộc thi viết bài cảm nhận về du lịch Bình Dương; Cuộc thi ảnh đẹp Bình Dương. Các cuộc thi đã thu hút được nhiều tác giả tham gia đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, có sự đa dạng về độ tuổi và ngành nghề…

Từ các cuộc thi, những điểm đến, giá trị lịch sử, văn hóa về vùng đất và con người Bình Dương đã được nghiên cứu, chọn lọc và tạo tác thành sản phẩm: quà tặng, quà lưu niệm, biểu trưng du lịch, bài thuyết trình, bài cảm nhận, bài giới thiệu về điểm đến của du lịch Bình Dương. Các tác giả tham gia các cuộc thi trở thành những tuyên truyền viên giới thiệu về sản phẩm du lịch Bình Dương, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch Bình Dương.

Thông qua các cuộc thi, đã có nhiều mẫu sản phẩm quà tặng lưu niệm, quà tặng du lịch độc đáo, hấp dẫn mang tính đặc trưng riêng của vùng đất và con người Bình Dương được sản xuất phục vụ nhu cầu của du khách. Truyền tải giá trị văn hoá, phong tục tập quán của địa phương qua các bài viết, bài cảm nhận, bài thuyết trình, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Bình Dương đến với du khách khi du lịch tại Bình Dương. 

Trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, đi vào chiều sâu để tăng tính hiệu quả; đẩy mạnh khai thác App du lịch Bình Dương; thường xuyên khảo sát lại đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ của các điểm đến để tăng cường liên kết với đơn vị kinh doanh trong công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến. Tiếp tục nghiên cứu để định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lich. Từ đó, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho du lịch Bình Dương đối với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

                                                                                                     Trung Tâm XTDL