Bình Dương kết hợp phát triển du lịch với phát triển làng nghề thủ công truyền thống

Nghề gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, mây tre đan... là những ngành nghề có vị trí quan trọng trong cuộc sống cộng đồng cư dân Bình Dương.

Bình Dương là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, vùng đất tồn tại và phát triển mang đậm dấu ấn văn hoá làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, nghề gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, mây tre đan là những ngành nghề có vị trí quan trọng trong cuộc sống cộng đồng cư dân Bình Dương. Việc kết hợp phát triển du lịch với phát triển làng nghề thủ công truyền thống sẽ là đòn bẫy góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng nghề đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh nhà.

Trong thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương với chức năng và nhiệm vụ của mình đã gắn kết các hoạt động phát triển du lịch với phát triển làng nghề thủ công truyền thống bằng những hình thức cụ thể như sau:

  1. Tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm làng nghề trên các nền tảng công nghệ và các sự kiện thương mại

Ấn phẩm thông tin du lịch làng nghề (ấn phẩm giới thiệu quảng bá về điểm đến, tour tuyến, sản phẩm làng nghề tiêu biểu: gốm sứ, sơn mài, mây tre lá, làm heo đất,…) được xuất bản với nhiều hình thức khác nhau như: sổ tay du lịch, bài viết, video clip, ảnh 360, livestream để cung cấp thông tin và giới thiệu đến du khách thông qua các nền tảng số như: App du lịch Bình Dương, Website Trung tâm, Zalo, facebook….

Trong những năm qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch đã tổ chức các chương trình khảo sát nhằm tìm kiếm, giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch giới thiệu sản phẩm, kí kết hợp tác phát triển. Qua nhiều lần tổ chức khảo sát kết hợp tọa đàm lấy ý kiến đánh giá hoàn thiện sản phẩm du lịch, các điểm đến làng nghề truyền thống tiêu biểu luôn được Trung tâm lựa chọn đưa vào chương trình khảo sát, giới thiệu đến cơ quan báo chí và các chuyên gia, các đơn vị lữ hành với mong muốn tiếp nhận các ý kiến đánh giá, đề xuất từ các đơn vị tham gia. Qua đó đã từng bước hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề nâng cao giá trị sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch.

Thường xuyên giới thiệu, kết nối các điểm đến du lịch làng nghề đến các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh để các đơn vị đưa vào thiết kế, khai thác tour, tuyến phục vụ du khách đến với Bình Dương. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên xây dựng tour, tuyến du lịch tham quan các điểm đến ở Bình Dương phục vụ các hội nghị, sự kiện cấp Quốc gia, Quốc tế do tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức như: Phục vụ đại biểu tham dự Chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) 2018; Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á Horasis 2019; phục vụ cho Đoàn đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: thành tựu và triển vọng”,…

  1. Kết nối các loại hình du lịch tham quan với du lịch làng nghề tạiđịa phương

Thực hiện kết nối giữa làng nghề thủ công truyền thống với ngành du lịch để thu hút khách tham quan, du lịch và nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Phối hợp tốt với các hoạt động du lịch của các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, thành phố với các hình thức: hợp tác, kết nối lồng ghép vào các chương trình tham quan du lịch đến tỉnh Bình Dương để giới thiệu về làng nghề thủ công truyền thống cùng với việc tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, các khu văn hóa vui chơi giải trí của tỉnh.

Làng nghề thủ công truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu giá trị văn hóa làng nghề đến với du khách, mà còn khẳng định được vai trò quan trọng của ngành nghề thủ công truyền thống trong đời sống kinh tế và xã hội của đất nước. Thực tế cho thấy, sự hấp dẫn du khách đến với làng nghề được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như không gian văn hóa làng nghề, kỹ năng của nghệ nhân, sản phẩm lưu niệm được bán tại chỗ… Do đó, kết hợp làng nghề và hoạt động du lịch sẽ mở ra triển vọng lớn để cứu những làng nghề truyền thống khỏi nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Làng nghề làm đa dạng sản phẩm du lịch và làm tăng nguồn thu ngành du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, nét tài hoa của nghệ nhân làng nghề và hỗ trợ “xuất khẩu tại chỗ”, giải quyết đầu ra cho sản phẩm – vốn đang là thách thức lớn nhất của các làng nghề truyền thống hiện nay, giúp nghệ nhân có thể sống được bằng nghề và các thế hệ sau có động lực tiếp nối nghề truyền thống. Hiện nay, các cơ sở sơn mài tại Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã hình thành các phòng trưng bày để phục vụ khách du lịch như: cơ sở sơn mài Định Hòa, sơn mài Tư Bốn với các chương trình như: nghe giới thiệu về lịch sử hình thành nghề sơn mài, thưởng lãm tác phẩm sơn mài và trải nghiệm thực hành các thao tác, quy trình tạo nên một tác phẩm sơn mài; Riêng nghề gồm sứ ở thành phố Thuận An có Vườn nhà gốm, thành phố Tân Uyên có sơ sở gốm Xưa - nơi tham quan, học tập, thưởng lãm và trải nghiệm làm nghệ nhân gốm sứ, đây là mô hình hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Đi đầu trong ngành gốm sứ có thể kể đến là thương hiệu gốm sứ Minh Long I (Trung tâm thương mại Minh Sáng Plaza) là nơi trưng bày và bán sản phẩm gốm sứ với đầy đủ các dòng gốm từ trang trí đến gia dụng, từ bình dân đến các dòng sản phẩm cao cấp. Đặc biệt, khu trải nghiệm và giới thiệu phim tài liệu Đất của mẹ - nói về huyền thoại nghề gốm sứ của Bình Dương. Đây được xem là địa điểm hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan tại Bình Dương. Xây dựng các tour, tuyến du lịch như: làng nghề thủ công truyền thống (gốm sứ, sơn mài, mây tre đan, nghề guốc, làm heo đất) với các điểm tham quan, điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh.

  1. Xúc tiến thương mạisản phẩm làng nghề

 Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh xây dựng Kế hoạch và tổ chức các cuộc thi sáng tác, sáng tạo sản phẩm làng nghề hay giới thiệu về hình ảnh, lịch sử, văn hóa đặc thù của làng nghề; chọn một số các sản phẩm đạt giải để giới thiệu, kinh doanh hoặc làm quà tặng lưu niệm trong hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Phối hợp với Sở Công thương và các ngành chức năng để hỗ trợ trực tiếp cho từng cơ sở sản xuất hiện tại được ổn định sản xuất và tạo điều kiện cho các cơ sở làng nghề được tham gia các cuộc hội thảo, hội chợ, Festival, các chuyến đi khảo sát thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm nguyên vật liệu trong và ngoài nước; tạo điều kiện đưa các sản phẩm tiêu biểu của làng nghề tham gia, giới thiệu, tìm kiếm khách hàng mới hoặc học hỏi, thay đổi tư duy sản xuất, thiết kế sản phẩm,…giúp việc sản xuất phát triển và bắt kịp xu hướng thị trường ngày càng đổi mới.

Dựa trên các chương trình và giải pháp cụ thể đã, đang và sẽ thực hiện cùng với sự quan tâm của các cấp ngành, chúng ta tin rằng: các ngành nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh sẽ thật sự sôi động trở lại. Tiếp tục góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp xây dựng bản sắc văn hóa và mục tiêu kinh tế của đất nước.

                                                                                                      TTXTDL