Chiến thắng Bàu Bàng
Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh được công nhận ngày 14/12/2012
Là công trình văn hóa – nghệ thuật thể hiện nội dung tư tưởng và tinh thần của thời đại, hai tượng đài chiến thắng Bàu Bàng và Phước Thành là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Bình Dương. Khu tượng đài chiến thắng Bàu Bàng được xây dựng dựa trên di tích lịch sử cách mạng Bàu Bàng (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng). Nằm sát quốc lộ 13, khuôn viên tượng đài rộng 13.200m2 với những khoảng không gian cây xanh thật thoáng mát. Những thảm cỏ vòng cung, vườn hoa xung quanh tượng đài làm cho công trình toát lên vẻ đẹp trang nhã và trang trọng.
Tượng đài Chiến thắng Bàu Bàng
Ảnh chụp phía sau tượng đài
Chiến thắng Bàu Bàng (12-11-1965) đã qua gần nửa thế kỷ nhưng ở đây dường như vẫn còn nóng hổi một điểm son trong trận đầu thắng Mỹ trên chiến trường Đông Nam bộ. Chiến thắng đã góp phần to lớn vào kho tàng lịch sử quân sự, kinh nghiệm của lực lượng vũ trang cách mạng về cách đánh chiến thuật sinh động. Là trận mở đầu, tạo đà cho những trận tiếp sau cho đến chiến thắng cuối cùng. Và đầu xuân 1966, Bác Hồ gửi thư mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước rằng: “Mừng miền Nam rực lửa chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây-me, Đà Nẵng”. Công trình ghi lại công ơn của các vị anh hùng đã ngã xuống vì nước. Không những vậy, nó còn mang một ý nghĩa tư tưởng hết sức sâu sắc về truyền thống đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Góp phần truyền dạy cho tầng lớp thanh thiếu niên về tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đến với những di tích lịch sử, chúng ta xin ghi nhớ công lao của các chiến sĩ đã hy sinh cho quê hương Bình Dương được giàu đẹp, ấm no hạnh phúc. Biểu tượng chiến thắng của những tượng đài sẽ mãi ghi sâu trong tâm mọi người, động viên thế hệ hôm nay luôn sống xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc.
Địa chỉ: Xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng.
Điện thoại: (0274) 3 516 515 – Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bàu Bàng.
Bài viết liên quan
Đình thần Vĩnh Phước - TX.Tân Uyên
Chiến khu Vĩnh Lợi
Nhà máy xe lửa Dĩ An
Đình Tương Hiệp