Chùa Sùng Đức là ngôi chùa nổi tiếng ở huyện Dầu Tiếng và là ngôi chùa Phật giáo duy nhất tại xã Long Hòa. Chùa tọa lạc ở ấp Tân Hòa, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Năm 1998, ngôi chùa chỉ là một am nhỏ được hai vị nữ tu trẻ dựng trên nền đất được một nhà hảo tâm hiến tặng tại xã Long Hòa nhằm truyền bá Phật pháp đến bà con trong xã. Đến năm 2008, chùa Sùng Đức mới chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương công nhận và trở thành ngôi chùa chính thống của Phật giáo Việt Nam. Từ lúc thành lập đến nay, chùa Sùng Đức dưới quyền chủ trì của Sư trưởng Thích nữ Tâm Đoan và Sư phó Thích nữ Trung Thảo. Được sự ủng hộ của các tín đồ, năm 2010, chùa Sùng Đức được thiết kế và xây dựng mới. Đến năm 2015, chùa Sùng Đức được xây dựng hoàn thiện và có diện mạo như hiện tại cho đến ngày nay. Chùa theo hệ phái Tịnh Độ Tông.
Theo tác giả Giáp Thị Lan Hương và Ngô Minh Sang trong bài viết nghiên cứu mang tên “Chùa Sùng Đức, Dầu Tiếng, Bình Dương – Hình Thành, Kiến Trúc Và Một Số Hoạt Động” mô tả chùa Sùng Đức được xây dựng theo phong cách Trung Hoa, kiến trúc chùa theo kiểu hình tháp, mái cong, lợp ngói, chùa được xây bằng gạch và tất cả cửa chùa được làm bằng gỗ trừ cổng tam quan được làm bằng sắt có họa tiết hoa sen. Trên đỉnh chùa và cổng chùa đều có biểu tượng hình hoa sen, trên đỉnh tháp nơi thờ Phật của chùa có biểu tượng 4 mũi đài hình hoa sen có tên gọi là “Kalachakra” của Phật giáo Tây Tạng. Cổng tam quan của chùa Sùng Đức được thiết kế ba lối đi với phần cửa chính giữa lớn và hai cửa nhỏ hai bên. Cổng tam quan tượng trưng cho cách nhìn của Phật giáo bao gồm “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”. Trong đó “hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), “không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “trung quan” là thể hiện sự trung dung của cả hai yếu tố sắc và không.
Giữa sân chùa Sùng Đức là tượng Phật Di Lặc với hình ảnh trên môi luôn nở nụ cười khoan dung, độ lượng và an nhiên. Kế gần đó là tượng Phật Quan Âm Bồ Tát cao 3,5m đứng giữa hồ sen là biểu tượng của điềm lành, lòng từ bi bác ái, hướng thiện, hướng Phật, hóa hung khí, đem lại bình an, giải trừ tai ách. Xung quanh sân chùa được trồng nhiều loại cây kiểng, giúp cho ngôi chùa trở nên xanh mát, hòa hợp với thiên nhiên.
Cũng theo bài viết nghiên cứu trên, tác giả Giáp Thị Lan Hương cũng mô tả thêm rằng chùa được thiết kế gồm một trệt và một lầu, theo bố cục cấu trúc thì chùa Sùng Đức được xây với kiểu cấu trúc chùa chữ Công. Tầng trệt là giảng đường là nơi thuyết giảng Phật pháp cho các tăng ni, Phật tử, là nơi thường diễn ra các nghi lễ, các khóa tu một ngày. Giảng đường có bàn thờ lớn chính giữa được thờ Phật Thích Ca Mâu Ni Phật, hai bên là tượng Di Đà, Quan Âm và một bệ thờ đức Quan Âm tự tại. Hai bên cột có hai câu liễn bằng đồng, bên phải là câu liễn về Đức, bên trái là câu liễn về Sùng được viết bằng chữ Hán.
Đến với chùa, du khách sẽ có được những phút giây tận hưởng một không gian yên bình, thanh tịnh, xóa tan đi những muộn phiền, u sầu trong cuộc sống. Chùa Sùng Đức cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện xã hội và các khóa tu, sinh hoạt về Phật pháp thu hút khá đông các Phật tử và người dân tham gia.
TTXTDL - Huỳnh Trần Huy
Bài viết tiếp theo
Mã QR tra cứu lịch sử, ý nghĩa tên các con đường ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Những hoạt động thú vị tại Trung tâm thương mại Sora Gardens SC dịp Giáng Sinh năm 2024
Đại hội Chi bộ Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2027 đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Khách sạn Sun Hotel ở Thủ Dầu Một