Di tích lịch sử, văn hóa Chiến thắng Bàu Bàng – Điểm đến du lịch về nguồn

Di tích tọa lạc tại Khu phố Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, nằm trên tuyến quốc lộ 13.

 

Bàu Bàng nằm ở phía bắc của tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với tỉnh Bình Phước, có đường Quốc lộ 13 chạy ngang qua và cách trung tâm tỉnh Bình Dương 30km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 50km, thuận tiện giao thông. Huyện Bàu Bàng có diện tích tự nhiên là 34.020,11 ha, dân số: 61.561 hộ với 135.660 nhân khẩu. Trên địa bàn huyện Bàu Bàng có nhiều khu di tích lịch sử của những trận đánh ác liệt qua các thời kỳ như: Trận Đồng Sổ, trận Bàu Bàng, trận đánh Bót Cây Trường… ghi dấu ấn vẻ vang năm xưa. Đáng kể đế đó là Di tích lịch sử - văn hóa Chiến thắng Bàu Bàng, di tích thuộc Khu phố Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, nằm trên tuyến quốc lộ 13, đây là còn đường huyết mạch của tỉnh, có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng về cả quân sự và kinh tế, chạy suốt theo chiều dài của tỉnh Bình Dương theo hướng Nam - Bắc.

Di tích lịch sử - văn hóa Chiến thắng Bàu Bàng là một công trình văn hóa, nghệ thuật thể hiện nội dung tư tưởng và tinh thần của thời đại, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của vùng đất và con người Bình Dương. Chiến thắng Bàu Bàng ngày 12/11/1965, là trận tập kích tiêu diệt cụm quân Mỹ tại Bàu Bàng của Sư đoàn 9 bộ binh, là trận đánh then chốt, mở màng cho chiến dịch mùa khô năm 1965-1966 của quân và dân ta, làm dấy lên phong trào “Tìm Mỹ mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh” diễn ra sôi nổi trong các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích xã, ấp trong toàn Miền. Chiến thắng Bàu Bàng đã làm nức lòng nhân dân cả nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi trong bài thơ chúc tết năm 1966: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây-me, Đà Nẵng”.

Toàn cảnh khu di tích lịch sử - văn hóa Chiến thắng Bàu Bàng

Qua 10 năm hình thành và phát triển, huyện Bàu Bàng tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp; gắn với thu hút phát triển nguồn nhân lực, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng huyện Bàu Bàng sớm trở thành trung tâm Công nghiệp - Đô thị phía Bắc của tỉnh Bình Dương. Huyện Bàu Bàng tuy nằm ở vùng ven của tỉnh Bình Dương nhưng nổi tiếng một thời chống Pháp, chống Mỹ, có nhiều khu di tích lịch sử tâm linh.

Huyện Bàu Bàng rất quan tâm và đã lên kế hoạch mở rộng, bảo dưỡng các khu di tích, nhằm phục vụ du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống, huyện quan tâm đến phát triển du lịch về nguồn, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước của ông cha ta đi trước. Hiện các Di tích trên đã được trùng tu xây dựng, như khu Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng, nhà truyền thống trận đánh Bót Cây Trường và đang có kế hoạch xây mới khu di tích trận đánh Đồng Sổ và ấp chiến lược Bến Tượng…, khuyến khích các nhà đầu tư khai thác các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái phù hợp với định hướng phát triển kinh tế trọng tâm của huyện Bàu Bàng trong thời gian tới.

Di tích lịch sử - văn hóa Chiến thắng Bàu Bàng còn là nơi thư giãn, học tập, tập thể dục rèn luyện sức khỏe trong không khí trong lành, bình yên của đa số người dân huyện Bàu Bàng, cũng như các hình thức sinh hoạt văn hóa, tham quan, nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn trong và ngoài huyện. Đến tham quan và tìm hiểu về di tích. Đồng thời, hoạt động của địa phương cũng luôn hướng về Di tích: Hội trại tòng quân, Lễ dân hương, dâng hoa nhân các ngày lễ lớn, các hoạt động của đoàn thể, hội viên, thăm quan, về nguồn… góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước của thế hệ tương lai của đất nước.

Đoàn thể tổ chức đồng diễn kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024.

Hàng năm Huyện tổ chức Hội trại tòng quân tại khu di tích.

Giờ đây đến với di tích lịch sử - văn hóa chiến thắng Bàu Bàng, không ai có thể hình dung được nơi đây là một chiến trường ác liệt năm xưa. Những dấu tích về chiến thắng oai hùng đó giờ đây được thay thế bằng một khu tượng đài uy nghi, hoành tráng trong tư thế của người chiến sỹ giải phóng quân đứng hiên ngang trên bục cao, giương cao ngọn súng, nằm giữa vườn cây xanh ngát hiền hòa. Thời gian dần trôi qua, vùng quê hương Bàu Bàng đang ngày càng thay đổi da thịt, khoác lên mình màu áo sặc sỡ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ nhưng những giá trị lịch sử của di tích sẽ luôn trường tồn mãi mãi, tinh thần cách mạng và ý chí kiên cường của những người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh hay vẫn còn sống vẫn luôn luôn sống mãi theo thời gian. Điều đó đã làm nên một chiến thắng Bàu Bàng oai hùng năm xưa và cũng là niềm tự hào của người dân Bàu Bàng hôm nay, là nền tảng để giáo dục tinh thần, truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau của huyện nhà./.

                                                                                                              Nguyễn Thị Nhất - Phòng VH&TT huyện Bàu Bàng