Đình Phú Long – nơi lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống
Đình Phú Long (khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An) được ban sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 2001. Trải qua gần 200 năm, dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng kiến trúc và những hiện vật có giá trị còn lưu giữ tại đình. Đây đang là địa chỉ thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Đình Phú Long còn gọi là “Phú Long linh miếu”, xưa thuộc tổng Bình Chánh Thượng, huyện Bình An, nay thuộc khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Đình do nhân dân địa phương lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, được ban sắc phong đời vua Tự Đức (năm Tự Đức thứ 5, 1853). Lúc đầu đình được xây dựng bằng tre, gỗ, trên nền đất thô sơ. Sau đó, đình được trùng tu nhiều lần vào các năm 1865, 1935, 1997... Trong đó, lần trùng tu năm 1865 có quy mô lớn, với việc xây tường bằng vôi gạch, mái lợp ngói gần giống hiện trạng ngày nay. Hiện nay, đình có tổng diện tích sử dụng là 5.828m2, diện tích xây dựng là 1.258m2. Ðình rộng 40m bề ngang vào sâu trên 50m.
Đình được xây dựng kiểu chữ tam (三), theo lối “trùng thiềm điệp ốc”, lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa. Cổng đình, tường vách dọc ngang được chạm trổ hoa văn, họa tiết, phần lớn được cẩn li ti bằng những mảnh men sành sứ cổ, đủ sắc màu, phong phú với nhiều hình tượng, điển tích đa dạng, mang sắc thái đặc thù của vùng sông nước thiên nhiên hài hòa. Về kiến trúc, toàn bộ mặt tiền, phần bê tông của đình được cẩn các mảnh gốm sứ đầy màu sắc, tạo nên vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật gốm sứ truyền thống trong kiến trúc đình, chùa tại Thủ Dầu Một. Mái võ ca được trang trí bốn con lân đứng hàng ngang hướng về sân đình, hai đầu hồi là hai con rồng.
Tiền điện được tiếp liền sân khấu ngoài trời, nơi trình diễn tuồng tích, hát xướng phục vụ thần, nên sân khấu luôn hướng về bàn thờ thần. Đây cũng là nơi tổ chức lễ tế thần... Toàn bộ tiền điện có gắn bao lam bằng gỗ được chạm trổ với các đề tài hoa trái như mai, lan, cúc, lựu, nho, chuối, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Ở khoảng giữa trung điện và chính điện có một bao lam ghép gốm sứ men màu xanh, trang trí các hình long, lân, cảnh hội Bát tiên, Long Hải tướng quân, cá hóa rồng...
Trên mái trung điện, ở giữa có hình nhật nguyệt, đầu hồi là hình long, lân, quy, phụng. Phần mái hậu điện cũng có các hoa văn cá hóa long, lưỡng long tranh châu. Bên trong mái ở trung điện và hậu điện là hai bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, kết cấu theo kiểu kẻ chuyền, hai hàng cột gồm sáu cây loại gỗ gõ, có đường kính 40cm. Chính giữa chính điện là án thờ sắc thần Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban, hai bên thờ Tả Ban và Hữu Ban. Ở đây còn thờ các vị có công với làng, với đình theo thứ tự từng án thờ có lập bài vị. Riêng án thờ được đặt cao nhất là hình một chiếc ghế dựa bằng gỗ hình vuông, chạm thủng hình mai, lan, cúc, trúc, với long vị đắp nổi trông rất uy nghi (gọi là ngự).
Chính điện có nhiều hương án được xếp trật tự dành cho du khách thập phương đến thắp nhang, lễ bái thể hiện lòng thành kính. Bên hương án có đôi quy, hạc đứng chầu, tượng trưng cho sự bền vững.
Gian đầu hồi, bên trái đặt bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương, bên cạnh đặt một cái mõ dài 1.8m, bên phải đặt bàn thờ ông Hổ, bên cạnh có một cái trống để sử dụng vào các dịp cúng tế, lễ hội.
Các bàn thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền cũng được bài trí tôn nghiêm. Từ ngoài nhìn thẳng vào chính điện, có hàng lễ bộ, gồm nhiều loại binh khí với bốn cặp hạc đứng trên lưng rùa.
Hai cửa trung môn nối liền với đông lang và tây lang. Đây là nơi chuẩn bị lễ vật cúng thần trong các dịp cúng tế, còn ngày thường là nơi giải quyết một số công việc của cộng đồng xã thôn. Trên mái nhà đông lang, hai bên trang trí rồng, giữa là đầu lân, long mã, các con thú và cây, quả. Hai bên nhà đông lang trang trí hai con phụng, giữa là hình nhật nguyệt. Ngoài ra, đình còn có nhà bếp với đầy đủ tiện nghi để phục vụ các lễ tiệc ngày hội đình.
Đình còn lưu giữ rất nhiều câu đối khắc trên thân các cây cột, hương án..., tất cả đều được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ. Các hoa văn trang trí trong lẫn ngoài đình là hình cá hóa long, rồng cách điệu, cảnh hội Bát tiên... Mỗi họa tiết đều là câu chuyện được truyền miệng về các điển tích trong đối nhân xử thế, ca ngợi cảnh đất nước thái bình, thịnh trị, công đức của vị Thành Hoàng đối với quê hương, làng xóm. Các hình ảnh đó đều được đắp nổi bằng gốm sứ một cách nghệ thuật và độc đáo. Nhờ được đắp nổi mà từng họa tiết trên nền tường, thân cột đều như nhảy múa, sống động chẳng khác gì đang kể lại câu chuyện xa xưa huyền thoại, thu hút người xem.
Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, Đình Phú Long đã từng là nơi ẩn náu, cất giấu vũ khí của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng tại địa phương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Trải qua biết bao biến cố thằng trầm của lịch sử và thời gian Đình Phú Long được xem là một công trình không chỉ có giá trị văn hóa, lịch sử đã được công nhận mà còn là công trình “sợi dây kết nối” và là nơi lưu giữ các “giá trị văn hoá truyền thống” của các thế hệ của người dân Lái Thiêu và những khu vực lân cận, hàng năm cứ vào ngày 17, 18 tháng 8 AL Đình thần Phú Long tổ chức lễ cúng kỳ yên nhằm nguyện cầu Linh thần cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc.
Nhật Khánh tổng hợp và sưu tầm.
Nguồn: Lái Thiêu – Thuận An Đất và Người - Báo bình dương
Bài viết tiếp theo
Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7 năm 2020
Tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa
Phổ biến triển khai ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn
Xúc tiến du lịch Bình Dương đến thị trường khách du lịch miền Tây Nam Bộ
Bài viết liên quan
Danh sách các cửa hàng Chicken Plus tại Bình Dương tính đến hiện tại
Hành trình 1 ngày khám phá các điểm đến nổi tiếng ở Thủ Dầu Một
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)