Du lịch 1 ngày: Khu Kim Điện (Khu du lịch Đại Nam) - Lò lu Đại Hưng - Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

Bình Dương nổi tiếng với các làng nghề thủ công truyền thống, trong đó nghề gốm sứ và nghề sơn mài đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Du lịch 1 ngày với 3 điểm nêu trên thì điểm đến đầu tiên sẽ là Lò Lu Đại Hưng, vì đi vào sáng sớm sẽ có rất nhiều nghệ nhân đang làm nghề ở đây. Lò lu Đại Hưng là một trong những lò lu còn khá nguyên vẹn, đã hình thành, tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm trên vùng đất Bình Dương. Lò lu Đại Hưng được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là Di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 4815/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2006. Đến với lò lu Đại Hưng chúng ta được tham quan các công đoạn làm lu, khạp: ngâm đất sét (nguyên liệu) - nghiền đất - nén đất tạo độ dẽo, mịn - cắt đất thành thớ - tạo hình - phơi sương gốm - trang trí hoa văn - tráng men - phơi gốm đã tráng men - nung - thành phẩm. Trẻ em đến đây còn được nhào nặn tượng mà mình yêu thích với nguyên liệu là đất sét tự nhiên, thoả thích tạo hình những con vật mà mình yêu thích, khi ra về còn được các nghệ nhân tặng thêm đất sét mang về nhà nặn tượng, thật thích thú.

Điểm đến thứ 2 là: Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp (cơ sở Sơn mài Định Hoà) là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật Bình Dương. Nghề làm tranh sơn mài đã theo chân những lưu dân người Việt đến Tương Bình Hiệp, một làng nhỏ thuộc huyện Bình An xưa vào thời kỳ khai phá lập làng. Những bức tranh sơn mài do họ thực hiện đã chinh phục được sự cảm thụ của cư dân lục tỉnh Nam Kỳ. Từ đó Tương Bình Hiệp trở thành cái nôi của nghề làm tranh sơn mài tỉnh Bình Dương. Các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp mang vẻ đẹp tinh xảo, thanh thoát, đậm đà tính cách Á Đông, với các thể loại như: sơn lộng, sơn khắc; sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc; sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng...do chính tay người dân nơi đây làm. Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Dùng cơm trưa tại Cơ sở sơn mài Định Hòa; dùng bữa sáng Bún Bò Đông Ba (Thủ Dầu Một) hoặc Bún Bò Đông Ba (Thành phố Mới).

Điểm đến thứ 3 trong ngày là: Khu Kim Điện (Khu du lịch Đại Nam) được xây dựng theo mô-típ vuông tròn. Mái vòm hình tròn biểu trưng cho Trời có vẽ 108 con chim hạc với ý nghĩa: 54 con hạc bay thuận chiều kim đồng hồ tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam ở cõi trần, 54 con hạc bay ngược chiều kim đồng hồ tượng trưng cho 54 dân tộc ở cõi âm (bởi theo quan niệm dân gian, hạc là con vật tượng trưng cho sự vĩnh cửu, lại có âm dương kết hợp hài hòa sẽ tạo nên sự phát triển trường tồn bền vững). Chính giữa của mái vòm là điểm vọng âm. Đứng tại điểm vọng âm, âm thanh sẽ được khuếch đại và truyền đi khắp Kim Điện. Hình vuông được thể hiện qua 4 vách của đền thờ, bao gồm 28 bộ cánh cửa với mỗi cánh cửa cân nặng 500 kg. Trên nền 28 bộ cửa được chạm trổ 28 bộ tranh lịch sử tiêu biểu, đánh dấu các mốc son lịch sử của Việt Nam bắt đầu từ Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 – 43 sau Công Nguyên, cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu năm 248, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí năm 542, … cho đến thời kỳ hiện đại như Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự kiện Bác Hồ đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại Quảng Trường Ba Đình ngày 02/09/1945. Nối tiếp đó là những thành công khác như Trận Điện Biên Phủ năm 1954, Trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và kết thúc bằng thắng lợi rực rỡ mùa xuân lịch sử 30/04/1975. Các cuộc khởi nghĩa thể hiện sự anh dũng của một dân tộc luôn đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân tộc.

                                                                                                                                               

                                                                                                                                             TTXTDL (Thiện)