Một ngày du lịch khám phá, tìm hiểu lịch sử tại huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) và huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh)
Du lịch khám phá, tìm hiểu lịch sử địa phương là một loại hình du lịch có tiềm năng phát triển rất lớn ở Bình Dương. Mỗi vùng đất, địa phương trong tỉnh đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử riêng, từ các di tích cổ, các bảo tàng lịch sử, các chứng tích chiến tranh,... Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương và Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương nổi bật trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với nhiều chiến công hiển hách, thể hiện tinh thần kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta. Dưới đây là gợi ý các điểm đến mà bạn có thể tham quan, tìm hiểu về lịch sử một thời hào hùng khi khám phá huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) kết hợp khám phá huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Qua những gợi ý trên cũng sẽ góp phần giúp bạn có một chuyến đi đầy thú vị, ý nghĩa, tạm lánh xa đi những xô bồ, muộn phiền trong cuộc sống thường ngày và có được nhiều khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp.
1/ HUYỆN DẦU TIẾNG (TỈNH BÌNH DƯƠNG)
** Rừng Kiến An (thời gian tham quan khoảng từ 60 – 90 phút)
Rừng Kiến An nằm ở tỉnh lộ 748, ấp Bàu Khai, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Rừng Kiến An đã được chọn làm căn cứ cách mạng từ thời Pháp thuộc. Khi ấy, Pháp phân loại khu rừng này là rừng cấm 124, giáp với rừng cấm 123 ở An Tây, Bến Cát. Với địa hình thuận lợi là một khu rừng già, nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, rừng Kiến An trở thành vị trí đắt địa, có tầm quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trên cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Cùng với các vùng căn cứ kháng chiến ở Bến Cát, nơi đây đã trở thành căn cứ của cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, là cái nôi của chiến khu Bắc Bến Cát. Căn cứ cách mạng rừng Kiến An đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích cách mạng cấp tỉnh tại Quyết định 3875/QĐ-UB, ngày 02 tháng 6 năm 2004.
Đến đây, bạn sẽ được ôn lại lịch sử hào hùng của cha ông ta qua hai cuộc kháng chiến, được xem những hình ảnh tư liệu lịch sử để thông qua đó vun đắp cho bản thân thêm về tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn.
** Làng cao su thời Pháp thuộc (thời gian tham quan khoảng 60 - 90 phút)
Di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc hiện tọa lạc ở ấp Hiệp Phước, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Di tích thuộc lô 50 của Nông trường Cao su Trần Văn Lưu, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và di tích đã được công nhận Di tích văn hóa cấp Tỉnh vào ngày 01/04/2009 và được trùng tu xây dựng với diện tích 6,9 ha; khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công ty (21/5/1981 – 21/5/2011) và đón khách cho đến nay.
Di tích lịch sử Làng cao su thời Pháp thuộc được chia thành nhiều khu trưng bày với các hiện vật có giá trị được sưu tầm nguyên bản, bao gồm: 3 căn nhà ở của phu mủ cao su ngày trước với hai căn xây bằng đá, căn còn lại xây bằng gạch được hoàn thành vào những năm 1925 – 1935. Ngoài ra, ở đây vẫn còn đó một nhà máy chế biến mủ tờ dời từ phần của nhà máy trung tâm do người Pháp để lại ngày trước cùng một máy bửa củi. Ngoài ra, khu vực nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật như khuôn đúc làm tô mủ, thùng trút mủ vào thời kỳ trước cũng xuất hiện tại đây. Du khách khi đến đây sẽ nhìn thấy vô số hình tượng người công nhân với tư thế đứng cạo mủ, tay xách thùng cùng những dụng cụ lao động thô sơ khác. Bên cạnh đó, ở đây còn tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt trong nếp sống thường ngày của người công nhân một cách sinh động.
Di tích lịch sử Vườn cao su thời Pháp thuộc là một di tích lịch sử, địa chỉ đỏ mà bạn không nên bỏ qua. Nơi đây đã chứng kiến những tháng ngày đen tối và khốn khổ đến cùng cực của những kiếp người nhỏ bé, thân phận đầy cực khổ, đắng cay của những người phu cao su.
2/ HUYỆN CỦ CHI (THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)
** Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (thời gian tham quan khoảng 3 - 4 tiếng)
- Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004.


Bài viết tiếp theo
Lịch sử và ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch)
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025
Kế hoạch tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025
Nhà hàng King’s Grill – ẩm thực đáng trải nghiệm tại Thủ Dầu Một
Bài viết liên quan
Ra mắt ấn phẩm Tour, tuyến Bình Dương
Gợi ý hành trình khám phá các điểm đến tâm linh nổi tiếng tại huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.
Gợi ý hành trình 1 ngày khám phá huyện Phú Giáo của tỉnh Bình Dương cùng huyện Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước theo tuyến tỉnh lộ 741
Sơ đồ tuyến du lịch Bình Dương