Gợi ý hành trình khám phá huyện Phú Giáo trong 1 ngày

Phú Giáo là một huyện nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương, cách thành phố Thủ Dầu Một khoảng 35 km. Thuở xa xưa, vùng đất có tên gọi Phú Giáo ngày nay là một nơi hoang vu thuộc xứ Đồng Nai. Trong suốt chặng đường lịch sử, tổ chức hành chính của huyện Phú Giáo thường xuyên có nhiều biến động. Cho đến ngày 20 tháng 8 năm 1999, huyện Phú Giáo được tái lập với diện tích tự nhiên khoảng 543 km2. Xét về du lịch thì huyện Phú Giáo cũng có nhiều tài nguyên và tiềm năng để phát triển. Dưới đây là gợi ý các điểm đến mà bạn có thể tham quan khi khám phá . Qua những gợi ý trên cũng sẽ góp phần giúp bạn có một chuyến đi đầy thú vị, ý nghĩa, tạm lánh xa đi những xô bồ, muộn phiền trong cuộc sống thường ngày và có được nhiều khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp. 

Buổi sáng :

+ Cầu Gãy Sông Bé (thời gian tham quan khoảng 30 phút)

Cầu Sông Bé nối liền 2 xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa của huyện Phú Giáo. Cầu được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1925 khi thành lập Sở Cao su Phước Hòa phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền Cao su tại Phú Giáo, Phước Long. Vào ngày 29/4/1975, cây cầu này đã bị địch phá hủy bằng mìn nên bị gãy đổ phần nhịp giữa. Ngày nay, Cầu Sông Bé không chỉ là một dấu vết lịch sử mà còn là một điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tìm hiểu về quá khứ hào hùng trong thời kỳ kháng chiến. Ngày nay, cầu gãy Sông Bé vẫn đứng vững đó như một biểu tượng đáng tự hào trong lịch sử của tỉnh Bình Dương. Cầu gãy Sông Bé hiện nay ngoài nhịp giữa bị đánh sập, phần còn lại của cầu vẫn còn khá nguyên vẹn và chắc chắn. Cầu có bề ngang hơn 4,5 m, chiều dài mỗi bên của cầu còn lại sau khi gãy khoảng 50m, gồm 3 nhịp dầm thép, bê tông. Chỗ cao nhất 2 bên thành cầu là 6 m, thấp nhất là 3,5 m, chân cầu cao khoảng 30 m.  Năm 2020, cầu được sửa chữa và lắp đặt hàng rào bảo vệ 2 bên thành cầu.

Nhiều đoàn làm phim chọn nơi này để quay bối cảnh như bộ phim "Tèo Em" của đạo diễn Charlie Nguyễn với cảnh diễn viên Thái Hòa phi xe qua cây cầu gãy đã tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Ngoài ra, nhiều MV ca nhạc của các ca sĩ nổi tiếng cũng đã sử dụng cảnh quay ấn tượng của cây cầu này để tạo nên sản phẩm âm nhạc độc đáo. Cầu gãy Sông Bé đặc biệt với vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển và cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp. Nó đã trở thành một biểu tượng lịch sử và vẻ đẹp thiên nhiên của Bình Dương, thu hút nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh đến chụp ảnh, vui chơi.

+ Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên (thời gian tham quan khoảng 60 phút)

Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên tọa lạc tại ấp Cây Khô, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, là một điểm đến du lịch tâm linh lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự tĩnh lặng và thanh bình. Thiền viện được khánh thành vào năm 2013 và đã trở thành nơi sinh hoạt và tu tập của tín đồ theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với diện tích rộng khoảng 10 ha, khu đất này được cúng dường bởi Phật tử Từ Vân để góp phần xây nên thiền viện giữa rừng cao su bạt ngàn. Khuôn viên của thiền viện được phủ xanh bởi nhiều loại cây, mang đến cho du khách một cảm giác gần gũi với thiên nhiên và xua tan đi những muộn phiền, âu lo của cuộc sống bộn bề. Những bức tượng thờ được điêu khắc tinh xảo, thể hiện rõ nét thần thái và tinh thần của mỗi vị Phật.

+ Nhà truyền thống huyện Phú Giáo (thời gian tham quan khoảng 60 phút)

Nơi này hiện nay tọa lạc tại thị trấn Phước Vĩnh, khi xưa chính là Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành. Tòa nhà Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành được xây dựng trên phần đất có diện tích là 4.869,6m2, riêng tòa nhà là 339,2m2. Dinh tỉnh trưởng được thiết kế gồm 2 tầng chính, chất liệu bằng xi măng cốt thép kiên cố, nền lót gạch bông, mái lợp ngói, ở chính giữa ngôi nhà là 1 tháp cao, mái nhọn với diện tích 20.6m2 dùng làm lô cốt phòng thủ nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực xung quanh Dinh Tỉnh trưởng. Sau đó, quận Phú Giáo được sáp nhập vào tỉnh Bình Dương và Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành được đổi tên Tòa Hành chánh quận Phú Giáo cho đến năm 1975. Về sau, tòa nhà được sử dụng làm trường học từ năm 1986 – 1997, sau đó được trưng dụng làm trụ sở Văn phòng Huyện ủy Phú Giáo khi huyện Phú Giáo được tái thành lập năm 1999. Ngày 09 tháng 7 năm 2004, Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2005, chính quyền đã cho tôn tạo, tu sửa tòa nhà trở thành Nhà truyền thống huyện Phú Giáo. Đến đây du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của huyện Phú Giáo, lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân huyện Phú Giáo.

- Buổi trưa (ăn uống và nghỉ trưa khoảng 90 – 120 phút):

Tùy vào nhu cầu và sở thích mà bạn có thể lựa chọn cho mình một quán ăn bình dân với những món ăn quen thuộc tại khu vực thị trấn Phước Vĩnh của huyện Phú Giáo. Nếu đi theo gia đình, nhóm bạn nhiều người thì một số nhà hàng, quán ăn với giá cả hợp lý mà bạn có thể lựa chọn như Quán ăn Gia đình YUMI 2, Quán ăn Gia đình Vũ Gia, Quán Hè Phố, Nhà hàng Thành Trung, … Nếu bạn muốn có một không gian thưởng thức cà phê, đồ uống giải khát và có thể chụp ảnh thì quán “Xuân Thì - Tiệm trà và Cà phê’ sẽ là địa điểm mà bạn không nên bỏ qua.

- Buổi chiều:

+ Suối Rạt (thời gian tham quan khoảng 30 - 45 phút, nếu có cắm trại thì khoảng 60 – 120 phút)

Suối Rạt tọa lạc tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, là một điểm du lịch sinh thái tuyệt vời dành cho những ai yêu thiên nhiên và mong muốn tìm kiếm sự tĩnh lặng, yên bình. Với cảnh quan hoang sơ, làn nước trong veo chảy qua những tán cây và bãi đá gập ghềnh, Suối Rạt mang đến một vẻ đẹp kỳ vĩ nhưng vẫn rất gần gũi. Với những ai yêu thích hoạt động ngoài trời, Suối Rạt cũng mang đến nhiều trải nghiệm . Vào mùa hè, khi nước suối cạn, những tảng đá lớn lộ ra, tạo thành nơi lý tưởng để tổ chức cắm trại cùng gia đình và bạn bè nhưng phải chú ý giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác, tiểu tiện bừa bãi. Ngoài ra, tắm suối cũng là một trải nghiệm mà du khách không nên bỏ qua. Đặc biệt, nét hoang sơ của nơi đây vẫn được giữ nguyên, mang lại cảm giác như đang lạc vào một thế giới tách biệt, nơi con người và thiên nhiên hòa làm một.

+ Đập Phước Hòa (thời gian tham quan khoảng 30 – 45 phút)

Đập thủy lợi Phước Hòa được khởi công xây dựng vào tháng 8 năm 2008 và khánh thành vào tháng 11 năm 2011. Với diện tích lòng hồ rộng 2.077 ha, đập thủy lợi Phước Hòa có nhiệm vụ cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước vùng hạ du của sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Đến với đập thủy lợi Phước Hòa, chúng ta còn đến với màu xanh của hoa trái quanh vùng xã An Thái, huyện Phú Giáo. Cảnh đẹp ở đập thủy lợi này khiến nhiều người biết và tìm đến chiêm ngưỡng như một điểm du lịch nổi tiếng. Du khách khi đến đây đặc biệt là những khi đập xả nước sẽ nhìn thấy được sự hùng vĩ của con nước, cảm nhận những bọt nước trắng xóa đang lơ lửng trong không gian hòa chung với ánh nắng có thể tạo nên cầu vồng tuyệt đẹp.

Kết thúc hành trình

 

Ảnh : Sưu tầm

TTXTDL - Huỳnh Trần Huy