Hành trình 1 ngày khám phá các ngôi chùa ở thành phố Dĩ An (Bình Dương) và thành phố Thủ Đức (TP. HCM)

Gợi ý các ngôi chùa cho chuyến hành trình du lịch tâm linh, khám phá trong 1 ngày ở Dĩ An (Bình Dương) và Thủ Đức (TP.HCM)

Thành phố Dĩ An là một thành phố năng động, phát triển và đặc biệt là hơn là Dĩ An cũng tiếp giáp với thành phố Thủ Đức của thành phố Hồ Chí Minh nên việc liên kết giữa hai thành phố này trong phát triển kinh tế - xã hội là điều tất yếu. Du lịch đặc biệt là du lịch tâm linh cũng là một lĩnh vực đang được hai thành phố quan tâm và cần sự kết nối mạnh mẽ hơn.

Dưới đây là gợi ý các điểm đến tâm linh mà cụ thể hơn là các ngôi chùa mà bạn có thể tham quan trong hành trình 1 ngày khám phá hai thành phố này. Qua những gợi ý trên cũng sẽ góp phần giúp bạn có một chuyến đi đầy thú vị, ý nghĩa, tạm lánh xa đi những xô bồ, muộn phiền trong cuộc sống thường ngày và có được nhiều khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp. 

 

Buổi sáng (tại Dĩ An) :

** Chùa Thiên Quang Ni Tự (thời gian tham quan khoảng 45 - 60 phút)

Chùa Thiên Quang được Ni trưởng Huệ Giác, viện chủ Quan Âm tu viện Biên Hòa , Đông Nai khai sơn vào năm 1972. Trong quá trình 40 năm từ khi thành lập chùa nằm trong khu vực hồ đá. Đến năm 2011, Ni trưởng Huệ Giác hiến đất Thiên Quang cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương làm nơi xây dựng chùa. Nhận được sự hỗ trợ của sở Nội Vụ, các cấp chính quyền địa phương và lòng hảo tâm từ các mạnh thường quân. Đến tháng 06/2012 thì tịnh thất Thiên Quang chính thức trở thành chùa Thiên Quang. Hiện nay, người vinh dự tiếp nhận chủ trì chùa Thiên Quang là sư cô Thích Nữ Hương Nhũ. Đến với chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan tươi mát, tận hưởng không khí mát mẻ, thanh tịnh của chùa.

** Chùa núi Châu Thới (thời gian tham quan khoảng 75 - 90 phút)

Chùa núi Châu Thới là điểm đến nổi tiếng của Dĩ An và nằm trên núi Châu Thới. Núi Châu Thới là một ngọn núi nằm ở tại phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Núi có độ cao chỉ khoảng 82 m nhưng được mệnh danh là ngọn núi trấn giữ xứ Đồng Nai xưa. Khu vực núi đã được xếp hạng danh thắng quốc gia ngày 21 tháng 4 năm 1989. Trên núi có ngôi chùa Châu Thới. Ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17 bởi thiền sư Khánh Long. Tại đây quý khách sẽ bước lên 220 bậc thang để đến với chùa và chiêm ngưỡng cảnh sắc hữu tình, tận hưởng không khí mát mẻ, thanh tịnh của chùa. 

** Chùa Đức Hòa (thời gian tham quan khoảng 30 - 45 phút)

Tổ đình Đức Hòa, hay chùa Đức Hòa nằm ở số 1A/1 khu phố Nội Hóa 1,  phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chùa Đức Hòa được xây dựng từ năm 1957 trên một khu đất rộng, trải qua nhiều đợt xây dựng và trùng tu để thành hình dáng như ngày nay với chánh điện, tháp xá lợi, các tượng Phật giáo uy nghiêm và đặc sắc. Phần chánh điện tổ đình Đức Hòa có kiến trúc và trang trí mang đậm nét xưa cổ với hoành phi, câu đối, liễu võng, đại tự.

Buổi trưa (thời gian ăn nghỉ trưa khoảng 90 phút) :

Nếu bạn không phải là người ăn chay thì ở thành phố Dĩ An có rất nhiều hàng quán để bạn có thể lựa chọn cho bữa ăn trưa của mình trước khi di chuyển qua Thủ Đức. Nếu bạn là người ăn chay thì ở Dĩ An cũng vẫn có nhiều quán cơm chay, lẩu chay để bạn lựa chọn. Vì đây là một hành trình khám phá các ngôi chùa, hành hương nên việc ăn chay sẽ được khuyến khích hơn. Dưới đây là một số quán cơm chay, lẩu chay có tiếng tại Dĩ An mà bạn có thể tham khảo :

+ Quán chay Thu Viên có địa chỉ ở số 148, đường Lý Thường Kiệt, phường Dĩ An

+ Lẩu chay Nhà Sen có địa chỉ ở số 31, đường Cao Bá Quát, phường Dĩ An

+ Quán cơm chay chùi Bùi Bửu, số 190, đường Nguyễn An Ninh, phường Dĩ An

+ Lẩu chay Hằng Thiện, có 2 địa chỉ gồm địa chỉ ở số 72/6, đường Tô Vĩnh Diện, phường Đông Hòa và địa chỉ có địa chỉ ở số 5, đường Phạm Hữu Lầu, phường Dĩ An

Buổi chiều (thành phố Thủ Đức):

** Chùa Bửu Long (thời gian tham quan khoảng 60 phút)

Chùa Bửu Long nằm ở tại số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức trên một ngọn đồi phía tây sông Đồng Nai. Chùa có tên gọi chính thức là Thiền viện Tổ Đình Bửu Long. Đặc biệt, tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn Chùa Bửu Long là một trong 10 công trình Phật Giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới. Chùa có nét kiến ​​trúc giống với những ngôi chùa ở Thái Lan với những thiết kế độc đáo, kiến ​​trúc tinh xảo. Phần đỉnh chóp màu vàng với những lối chạm khắc phức tạp và tinh tế. Ngoài ra, ngôi chùa này còn mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam được thể hiện qua những nét chạm khắc và tượng rồng uy nghi. Nhờ sự kết hợp độc đáo giữa vẻ đẹp  của Thái Lan và Việt Nam nên nơi đây đã trở thành địa điểm nổi tiếng thu hút du khách.

** Chùa Hội Sơn (thời gian tham quan khoảng 60 phút)

Chùa Hội Sơn, tọa lạc tại số 1A1 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi nhỏ có độ cao khoảng 15m so với mực nước biển. Theo nhiều tài liệu ghi chép thì Chùa Hội Sơn ban đầu được một vị thiền sư có tên Khánh Long khai lập và trụ trì vào cuối thế kỷ XVIII, do vậy chùa còn có tên gọi là chùa Khánh Long.  Trải qua theo thời gian, Chùa Hội Sơn dần dần có dấu hiệu bị hư hỏng và xuống cấp. Năm 1938, Ni sư Thích Nữ Như Thanh và đệ tử là Thích Nữ Như Tiên đã tiến hành tôn tạo, sửa chữa và nâng cấp thêm một số công trình phụ bên trong chùa.

Tháng 7/2012, hỏa hoạn xảy ra tại chùa Hội Sơn đã thiêu rụi toàn bộ ngôi Chánh điện bằng gỗ của chùa. Đến năm 2015, dự án phục dựng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn được thực hiện. So với diện tích nền chánh điện cũ, chiều ngang nền mới được nới rộng thêm 4m. Theo đó, chiều cao và chiều dài cũng được nới rộng theo tỷ lệ tương ứng với thiết kế tổng thể để phục vụ cho việc sinh hoạt tu học của chư Tăng, Phật tử. Mặc dù có tuổi đời trên 200 năm, trải qua nhiều lần sửa chữa và xây dựng mới nhưng tới nay chùa Hội Sơn vẫn bảo toàn nguyên vẹn khối kiến trúc cơ bản của một cổ tự như: mái ngói âm dương, nền lót gạch màu,… Sân chùa được thiết kế vô cùng rộng rãi để bài trí một số tượng phật, bồ tát. Mặt trước của chánh điện là nơi đặt pho tượng Phật Thích Ca, hai bên chánh điện cũng được nhà chùa đặt Tượng Phật Di Lạc và Tượng Phật bà Quan Âm.

** Chùa Bà Châu Đốc 3 (thời gian tham quan khoảng 90 phút)

Chùa Bà Châu Đốc 3 còn có tên là chùa Phước Long, nằm trên cù lao Ba Xang, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức. Cách đây khoảng nửa thế kỷ, Chùa Phước Long chỉ là một am thờ nhỏ do sư thầy Thích Nhật Phát làm chủ trì. Những vị thương nhân người Hoa sinh sống quanh vùng này thấy am thờ còn nhiều khoảng đất trống nên đã ngỏ lời để xây dựng một miếu thờ Bà Chúa Xứ trong khuôn viên chùa. Sau khi tượng Bà được an vị, chùa vẫn được hoạt động như bao thường. Thế nhưng, vào một đêm chiêm bao, sư trụ trì được Bà báo mộng là tượng Bà đang đặt sai hướng, cần nhờ người cho xoay lại.  Sau khi tỉnh giấc, sư trụ trì đã cho xoay lại hướng tượng Bà đúng như trong giấc mộng. Kể từ đó, nhiều điều linh ứng đã xảy ra với ngôi chùa này. Tín đồ Phật giáo thập phương đến lễ chùa cũng ngày một đông hơn. Sở dĩ gọi là Chùa Châu Đốc 3 vì trước đây cũng đã có một Chùa Châu Đốc 2 tọa lạc tại huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đời gọi theo thứ tự trước sau để tránh sự nhầm lẫn giữa hai địa điểm này. 

Kiến trúc của Chùa Châu Đốc 3 mang một sắc màu rực rỡ với nhiều hạng mục tráng lệ, ấn tượng. Khi thuyền dần dần đến với bến đò bên cù lao, bạn sẽ thấy hình ảnh một con rồng uốn lượn với dáng vẻ vĩ đại, oai phong. Tượng rồng được đặt ven sông như muốn bao bọc và bảo vệ lấy ngôi chùa.  Ngoài ra, trong Chùa Châu Đốc 3 còn có nhiều hạng mục điêu khắc ấn tượng. Hiện trong chùa có tượng Phật nằm với chiều dài 10m vô cùng uy nghi, hùng vĩ. Ngoài ra, trong chùa còn có tượng Phật nghìn mắt nghìn tay được chạm trổ gọn gàng cùng nhiều đường nét tinh xảo. Bên cạnh đó, chùa còn có nhiều công trình nghệ thuật điêu khắc đẹp mắt như tủ thờ, cối chày, bình gốm, lu… 

 

Kết thúc hành trình

 

TTXTDL - Huỳnh Trần Huy