Hành trình khám phá Sài Gòn - Thủ Dầu Một - Bến Cát bằng đường sông và đường bộ

Tour khám phá Sài Gòn, thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Bến Cát (Bình Dương) bằng đường sông và đường bộ

Sông Sài Gòn là một con sông quan trọng đối với tỉnh Bình Dương trong đó không thể không nhắc đến nhất là vai trò của nó với sự phát triển giao thông, du lịch bằng đường thủy. Tuyến du lịch khám phá Bình Dương bằng đường thủy sẽ khai thác được lợi thế trên khi Bình Dương có sông Sài Gòn chảy qua với chiều dài hơn 100 km và đồng thời giúp kết nối du lịch giữa Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.

Phương tiện di chuyển : Tàu cao tốc (chính), xe khách do đơn vị quản lý, thực hiện tour chuẩn bị cho chuyến đi cho khách đoàn (10 – 15 người).

Thời gian chuyến đi : từ 7:00 đến 18:00

Lịch trình cụ thể :

* 7:00 - 7:30

Quý khách có mặt tại bến tàu Bạch Đằng lúc 7:00 để chuẩn bị lên tàu. Đúng 7:30, tàu sẽ khởi hành.

* 7:30 - 9:00

Tàu khởi hành đưa quý khách đi dọc sông Sài Gòn để lên thành phố Thủ Dầu Một. Trong suốt chặng đường trên sông khoảng 1 giờ 30 phút, du khách được trải nghiệm cảm giác thú vị khi tham gia tour du lịch đường sông, ngắm cảnh 2 bên sông Sài Gòn đoạn qua quận 1, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, quận 12 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương, nghe giới thiệu về những địa danh, những di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có di tích cấp quốc gia là đình Phú Long (phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Đúng 9:00, tàu đã đến tại bến tàu Tiamo, đoàn tiếp tục lên xe và bắt đầu khám phá những điểm đến trên địa bàn tỉnh Bình Dương bằng đường bộ.

* 9:20 - 10:30

Quý khách đã có mặt ở Thủ Dầu Một và bắt đầu chuyến thăm ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ. Ngôi nhà tọa lạc số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, thành phố  Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ Sứ thời thuộc Pháp. Công trình được thân sinh ông Đẩu là cụ Trần Văn Lân (tương truyền cụ Lân giỏi chữ nho và tinh thông khoa địa lý) xây dựng năm Canh Dần (1890), tháng Trọng Xuân (tháng hai), nhằm niên hiệu Thành Thái thứ 02 cách ngày nay (2007) là 115 năm, được công nhận di tích Quốc gia ngày 29/4/1993, tổng diện tích còn lại là 1.296m2. Tại đây quý khách sẽ được chiêm ngưỡng nét cổ kính của ngôi nhà đã hàng trăm năm tuổi qua những hiện vật, những hình tượng trang trí được chạm khắc một cách tinh xảo và hài hòa trong nhà. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng sẵn sàng chia sẻ thêm những câu chuyện và thông tin về ngôi nhà để quý khách hiểu rõ hơn.

 

* 10:45 - 11:45

Chùa Hội Khánh là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng của tỉnh Bình Dương. Chùa Hội Khánh là một ngôi chùa cổ Phật giáo được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741) ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chùa Hội Khánh là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng của tỉnh Bình Dương. Chùa Hội Khánh là một ngôi chùa cổ Phật giáo được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741) ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đến với chùa, du khách sẽ được tận hưởng không gian yên tĩnh, trong lành, thanh tịnh. 

Ngoài ra, du khách có thể chiêm ngưỡng Phật Đài ở phía đối diện cổng chùa. Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều ngang 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện … Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể nhân dịp mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

*12:15 - 13:30

Quý du khách dùng cơm trưa ở quán ăn Hương Quê, gần với cầu Ông Cộ. 

*13:45 - 15:00

Du khách đã đến với thành phố Bến Cát. Làng tre Phú An là điểm tham quan tiếp theo của du khách. Với những hàng tre xanh mát rượi, không khí trong lành và yên tĩnh, đến với làng tre, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian hết sức đặc biệt. Khách tham quan sẽ được tìm hiểu, biết thêm về nhiều giống tre khác nhau và có thể chụp thật nhiều bức ảnh đẹp với một không gian xanh mát dưới tán của những lũy tre - một hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam xưa.

Làng tre Phú An là dự án xây dựng khu bảo tồn sinh thái tre được thực hiện năm 1999, trên ý tưởng khoa học của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh với sự hợp tác giữa 4 đơn vị: Vùng Rhône Alpes (Pháp), UBND tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh. Làng tre Phú An gồm có bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An. Đây là nơi tập trung khoảng 1.500 bụi tre với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam.

* 15:20 - 16:20

Địa đạo Tam giác sắt là điểm đến cuối cùng của quý du khách trong chuyến hành trình lần này. Địa đạo tọa lạc tại phường An Tây của thành phố Bến Cát. Với ý nghĩa to lớn về tầm vóc trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa đạo ba xã Tây Nam của Bến Cát đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 18/3/1996 với tổng diện tích 230.000m2. Đến với địa đạo, du khách sẽ được xem những hiện vật, hình ảnh trưng bày về cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân 3 xã Tây Nam của Bến Cát trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. 

*16:20 - 18:00

Xe đưa quý khách từ Bến Cát về lại bến tàu Bạch Đằng ở thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc hành trình.

 

TTXTDL - Huy