Huyện Dầu Tiếng chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn
Huyện ủy Dầu Tiếng đã ban hành 2 chương trình đột phá là phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình phát triển du lịch.
Huyện Dầu Tiếng có tổng diện tích tự nhiên gần 73.000 héc ta, với dân số hơn 120.000 người, huyện có 12 đơn vị hành chính, gồm 11 xã và 1 thị trấn. Huyện có trên 80% tổng diện tích đất tự nhiên sản xuất nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp của huyện tăng trưởng bình quân hàng năm từ 4,5-5%, lĩnh vực chăn nuôi được đầu tư phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi trại lạnh. Tính đến nay, toàn huyện có 80 ha cây ăn trái được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 7 sản phẩm OCOP và 2 khu nông nghiệp công nghệ cao trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An và Minh Tân với quy mô trên 400 ha. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện ngày càng hoàn thiện với những tuyến đường được nhựa hóa, trường học được xây dựng khang trang, các thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư bài bản đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Dầu Tiếng cũng là vùng đất gắn với nhiều lễ hội truyền thống lâu đời diễn ra quanh năm.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Dầu Tiếng đã ban hành 2 chương trình đột phá là phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình phát triển du lịch. Qua quá trình triển khai thực hiện, 2 chương trình mặc dù đạt được những thành quả nhất định nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả của 2 chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện phấn đấu đến năm 2025 phục vụ trên 1 triệu lượt khách du lịch/năm và đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Huyện Dầu Tiếng có hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, cách mạng phong phú, gồm 01 di tích cấp quốc gia Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh và 10 di tích được công nhận cấp tỉnh. Có Suối Trúc – Hồ Than Thở và dưới chân Núi có hệ thống Chùa Thái Sơn thu hút du khách đến tham quan viếng chùa và dã ngoại. Địa bàn huyện có sông Sài Gòn chảy qua tạo nên địa hình đa dạng, thảm thực vật phong phú, không khí trong lành, cảnh quan thơ mộng, với những vườn cây ăn trái đặc sản như vườn Măng Cụt đạt chuẩn VietGAP tại xã Thanh Tuyền, Thanh An. Các trang trại nuôi chim Yến, trồng nấm, hoa lan, đã tạo cho huyện Dầu Tiếng lợi thế phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn. Hàng năm, huyện tổ chức nhiều lễ hội truyền thống lâu đời. Trong khi đó, các di tích lịch sử được đầu tư xây dựng, bảo tồn. Đây là những địa điểm thu hút khách tham quan, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, các quần thể di tích lịch sử, điểm đến trên địa bàn huyện đã thu hút trên 250.000 lượt khách đến tham quan với doanh thu đạt hơn 3,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa kết nối với các đơn vị tổ chức du lịch để hình thành các điểm đến của du khách. Trong khi đó, các điểm đến như: Bãi Đá Trứng (xã Định Thành), Bằng Lăng quán, Dotchampa (xã Định An) du khách rất quen thuộc khám phá vào các dịp cuối tuần, ngày lễ lớn trong năm. Thống kê cho thấy, lượng khách đến các điểm này rất đông nhưng chưa bảo đảm pháp lý để đi vào khai thác bền vững. Trong khi đó, việc xây dựng mô hình, sản phẩm du lịch cho Dầu Tiếng còn khó khăn, người dân chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng. Việc liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch ở Dầu Tiếng còn hạn chế do không đủ điều kiện pháp lý để hoạt động. Phần lớn các điểm du lịch trên địa bàn không đủ điều kiện công nhận điểm du lịch, vướng quy định chuyển quyền mục đích sử dụng đất và xây dựng.
Tại hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông thôn” được UBND huyện tổ chức, nhiều chuyên gia du lịch chia sẻ “Dầu Tiếng có nhiều tài nguyên du lịch trên nền tảng thành tựu xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, các sản phẩm du lịch của huyện chưa được đầu tư phát triển chuyên nghiệp và hình thành các sản phẩm đặc trưng nên tuyến, điểm du lịch của huyện chưa rõ nét trên bản đồ du lịch Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ”.
Cũng theo các chuyên gia du lịch, để phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp công nghệ cao, thời gian tới huyện Dầu Tiếng cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các yếu tố bổ trợ cho du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên nguồn lực xây dựng nông thôn mới; phát triển hệ thống tuyến điểm kết nối Dầu Tiếng với các địa phương trong và ngoài vùng đông nam bộ; hoàn thiện chính sách kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch, hình ảnh huyện đến đông đảo người dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Dầu Tiếng cho biết, phòng đã tham mưu Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện, trong đó đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của huyện; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông, chú trọng hạ tầng giao thông đường thủy để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở lưu trú từ 3 đến 4 sao, các nhà hàng phục vụ khách du lịch, các điểm dừng chân ăn uống, mua sắm, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; Triển khai các chương trình, thỏa thuận về phát triển du lịch để tăng giá trị sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển tour, tuyến du lịch, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch khai thác tốt thị trường khách du lịch trong vùng liên kết; Kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng khu vực Rừng phòng hộ Núi Cậu – lòng hồ Dầu Tiếng để hình thành sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí gắn với việc triển khai dự án Núi Cậu - Dầu Tiếng; Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, nâng cấp, xây dựng các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch, những mô hình, sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của huyện Dầu Tiếng ngày càng bền vững.
Cũng theo Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Dầu Tiếng, để quản lý phát triển du lịch theo các quy định của nhà nước, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản hướng dẫn quy trình hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện kinh doanh dịch vụ gắn với du lịch. Đồng thời tiếp tục kêu gọi xã hội hoá đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi phục vụ nhu cầu du lịch...
Hồng Mừng (Dầu Tiếng)
Bài viết tiếp theo
The Mira Boutique
Bình Dương kết hợp phát triển du lịch với phát triển làng nghề thủ công truyền thống
La Fée Diy - bạn cũng là một nghệ nhân
Champong trong “lòng” đất Thủ
Bài viết liên quan
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)
Hình ảnh làng nghề gốm sứ Bình Dương xuất hiện trên tờ vé số truyền thống
Huyện Bàu Bàng tổ chức Lễ tưởng niệm 61 năm ngày anh hùng liệt sĩ Trừ Văn Thố hy sinh (18/10/1963 - 18/10/2024)