Huyện Dầu Tiếng phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch

      Huyện Dầu Tiếng là một huyện nằm ở phía tây bắc của tỉnh Bình Dương với diện tích tự nhiên khoảng 721 km2, dân số hiện tại là 122.950 người. Huyện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cần được khai thác.

     Đầu tiên là tiềm năng lợi thế về quỹ đất với diện tích tự nhiên hơn 72.000 ha. Điều này thuận lợi cho việc phát triển đô thị, phát triển các khu du lịch, các điểm du lịch. Huyện Dầu Tiếng cũng có địa hình đa dạng (núi Cậu), thảm thực vật phong phú (rừng cao su, rừng tự nhiên, …) với không khí trong lành, thơ mộng để phát triển du lịch.  Kế đến là tiềm năng về sông ngòi, huyện Dầu Tiếng có sông Sài Gòn, sông Thị Tính, hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm, đập Hàng Nù và hệ thống sông ngòi khác thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cắm trại và các loại hình du lịch khác gắn với nước.

Hồ Dầu Tiếng

     Nói về tài nguyên du lịch nhân văn thì huyện có 10 di tích lích sử cấp tỉnh và 01 di tích cấp Quốc gia là Sở chỉ huy chiến dịch tiền phương Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư xây dựng và bảo tồn. Huyện Dầu Tiếng cũng có 4 đình thần và 15 miếu và có những lễ hội tiêu biểu như lễ hội Hoa Đăng đưa rước cộ bà được tổ chức vào ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Chùa Thái Sơn - Núi cậu, lễ vía Cậu và các lễ hội tín ngưỡng khác. Đây cũng là một thế mạnh giúp cho huyện phát triển loại hình du lịch lịch sử và du lịch tâm linh.

Một đoàn khách tham quan khu di tích rừng Kiến An

     Huyện cũng đã và đang nghiên cứu, phát triển những sản phẩm, đặc sản địa phương để góp phần quảng bá cho du lịch dựa trên việc khai thác các thế mạnh về đất đai, khí hậu. Hiện tại, Dầu Tiếng có diện tích cây ăn quả là 920 ha, có 16 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và có 8/12 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP . Trong đó, có 9 sản phẩm được UBND huyện ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn 3 sao gồm: bưởi, trà gạo lứt đậu đen xanh lòng, bơ Tám Thành, các sản phẩm từ rượu như rượu yến Năng lượng, rượu chuối hột Năng lượng, rượu Đông trùng Năng lượng, rượu thùng gỗ sồi năng lượng, rượu Nấm Linh chi Năng lượng, rượu Đinh lăng năng lượng, ...

     Về cơ sở lưu trú, ăn uống để phục vụ du lịch thì huyện hiện có 01 khách sạn, 27 hộ kinh doanh nhà nghỉ lưu trú du lịch với 294 phòng, 07 nhà hàng, các hệ thống quán ăn, quán cà phê khá phong phú… đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của khách tham quan, du lịch.

Quán ăn Núi Lở

      Về chính sách để phát triển du lịch thì huyện cũng đã và đang thực hiện Chương trình số 18-CTr/HU ngày 04/5/2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Phòng Văn hoá và Thông tin huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản quản lý nhà nước trên lĩnh vực phát triển du lịch trong đó có kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 27/7/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng về phát triển Du lịch huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch 142/KH –UBND ngày 27/9/2023 của UBND huyện Dầu Tiếng về triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2023, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. UBND huyện Dầu Tiếng cũng đang phối hợp với huyện Củ Chi triển khai thực hiện Dự án mở rộng Khu di tích Địa đạo Củ Chi về phía xã Thanh Tuyền với diện tích 150 ha, tiếp tục thực hiện Dự án trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú hoang dã tại khu vực Rừng phòng hộ núi Cậu và bán đảo Tha La. Ngoài ra, hàng năm, Phòng Văn hoá và Thông tin đã tham mưu UBND huyện, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các xã – thị trấn triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, phòng Kinh tế huyện tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền với diện tích 193 ha. Các đơn vị viễn thông tiếp tục triển khai xây dựng phương án phủ sóng điện thoại nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông tại các di tích, khu vực Chùa Thái Sơn - Núi Cậu.

     Về tuyên truyền, quảng bá du lịch, ngành Văn hoá và Thông tin huyện đã tổ chức tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đầu tiên là phối hợp với đài truyền hình xây dựng các phóng sự. Tiếp theo là tuyên truyền qua báo chí, đài truyền thanh (xây dựng chuyên mục phát thanh du lịch, phát thanh vào thứ 4 hàng tuần), trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ấn phẩm du lịch. Huyện Dầu Tiếng cũng cho thực hiện các video clip và đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Huyện cũng giới thiệu Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương các địa điểm nhà hàng, ăn uống để giới thiệu, quảng bá.

Núi Cậu ở huyện Dầu Tiếng

Từ những việc làm trên, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, Dầu Tiếng đã tiếp đón trên 100 đoàn tham quan với trên 500 nghìn lượt du khách, doanh thu du lịch đạt hơn 9,5 tỷ đồng. Đó là một kết quả tích cực nhưng cũng vẫn còn những bất cập khi việc khai thác chưa đạt hiệu quả cao, chủ yếu theo hướng tự phát. Hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp. Việc liên kết với các địa phương khác còn nhiều hạn chế. Cuối cùng là hệ thống cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn chưa đạt chuẩn và chưa đáp ứng yêu cầu lưu trú dài ngày hay phục vụ lượng khách đông.

 

Lê Hồng Mừng (Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Dầu Tiếng)