Huyện Dầu Tiếng : chú trọng quy hoạch các điểm du lịch lớn trong thời gian tới

     Chương trình phát triển Du lịch huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch thực hiện hàng năm đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện cộng với sự hướng dẫn về chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh.

     Các ban ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn đã gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội vào chương trình phát triển du lịch, qua đó tạo được sự đồng thuận tham gia của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Công tác đầu tư hạ tầng cơ sở và giao thông từng bước đồng bộ, gắn kết phục vụ phát triển du lịch. Công tác tuyên truyền, quảng bá các điểm tham quan, các sản phẩm du lịch của huyện bằng nhiều hình thức phong phú cũng đã góp phần giới thiệu hình ảnh của huyện đến với du khách.

     Theo Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040, huyện sẽ đầu tư phát triển khu trung tâm thương mại - dịch vụ - khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng, địa điểm tại khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng với diện tích 27,78 ha, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025-2030. Cùng với đó là khu trung tâm thương mại - dịch vụ - dân cư phía tây bắc thị trấn Dầu Tiếng, với diện tích 60,9 ha, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025- 2030. Các xã Thanh Tuyền, Minh Hòa, Long Hòa phấn đấu đạt đô thị loại V. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các khu đô thị Thanh An, An Lập, Long Tân, Định Hiệp.

Núi Cậu ở huyện Dầu Tiếng

 

     Đồng thời, chú trọng quy hoạch phát triển các điểm du lịch lớn bao gồm:

+ Khu vực ven hồ Dầu Tiếng : thực hiện đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản.

+ Núi Cậu : phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp sân golf - du lịch thể thao, kết hợp du lịch văn hóa với quy mô 1.500 ha.

+ Lưu vực ven sông Sài Gòn qua địa bàn các xã Thanh Tuyền, Thanh An, thị trấn Dầu Tiếng:  phát triển các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe, văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf với quy mô khoảng 350 ha.

+ Khu vực ven sông Thị Tính, đập Thị Tính tại xã An Lập, Định Hiệp, Long Tân, Long Hòa : phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cao cấp kết hợp sân golf, du lịch giải trí… quy mô khoảng 580 ha.

+ Khu vực hồ Cần Nôm, xã Thanh An : phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp sân golf, du lịch trải nghiệm khu nông nghiệp công nghệ cao, quy mô khoảng 1.150 ha.

      Ngoài ra, huyện cũng đã và đang tăng cường phát triển vùng chuyên canh cây có múi khu vực sông Sài Gòn, sông Thị Tính và các hồ, kênh suối trên địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân của huyện.

Một đoàn khảo sát đang có mặt ở Vườn cao su thời Pháp thuộc ở Dầu Tiếng

 

    Để triển khai chương trình phát triển du lịch cho huyện, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể như sau:

+ Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến nhận thức về vai trò của du lịch, để phát huy nội lực, khai thác ngoại lực; vận động nhân dân và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng làm du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các loại hình du lịch,…góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái.

+ Hai là, tiếp tục kêu gọi xây dựng kết nối sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ để phục vụ khách du lịch, gồm các tuyến du lịch đã được xác định tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ.

+ Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, quảng bá xây dựng thương hiệu (Kêu gọi vận động Mobiphone Bình Dương thực hiện số hóa các di tích); quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch. Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán tiền mặt; khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị du lịch thông minh. Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch của huyện.

+ Bốn là, tăng cường công tác kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư phát triển cơ sở, hạ tầng, cơ sở vui chơi giải trí, thể thao trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch.

+ Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái; tiếp tục thực hiện dự án “Mô hình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

+ Sáu là, hướng dẫn các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho Doanh nghiệp trong đầu tư hoạt động kinh doanh du lịch, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

+ Bảy là, Ban Quản lý di tích huyện, hàng năm xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động Di tích lịch sử và danh thắng Núi Cậu - Hồ Dầu Tiếng; các Khu di tích lịch sử văn hoá khác trên địa bàn.

 

Lê Hồng Mừng, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Dầu Tiếng