Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2023

Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2023 được diễn ra từ ngày 22/5 đến ngày 28/5/2023

Thuận An là địa phương giàu truyền thống cách mạng và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của tỉnh. Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp, Đảng bộ và chính quyền thành phố còn quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó đã chú trọng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và duy trì các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản truyền thống của địa phương.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ, địa danh Lái Thiêu – Bình Dương nổi tiếng với các vườn cây ăn quả. Sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người nông dân miệt vườn, cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, người dân vùng đất Lái Thiêu đã canh tác, gieo trồng những loài cây ăn quả đặc sắc; đặc biệt các loại trái cây: măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ… đã chinh phục được khẩu vị của nhân dân trong và ngoài thành phố, trong đó Măng cụt Lái Thiêu đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam bình chọn vào Top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam vào tháng 8/2012 và được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể vào tháng 8/2013. Bên cạnh các loại trái cây, Thuận An còn được du khách biết đến với nhiều món ăn ngon như: Bánh bèo Mỹ Liên (được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là 1 trong 50 món ăn nổi tiếng của Việt Nam); Gỏi gà măng cụt Lái Thiêu được chọn vào “Tóp món ăn đặc sản Việt Nam”; Nem Lái Thiêu và mứt gừng Bình Nhâm được chọn  vào “Tóp 100 đặc sản quà tặng Việt Nam”…Đây là niềm vinh dự và tự hào của tỉnh Bình Dương nói chung và Thuận An nói riêng.

Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2023 được diễn ra từ ngày 22/5 đến ngày 28/5/2023 với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: Hội thi duyên dáng miệt vườn, hội chợ trái cây, hội chợ thương mại, liên hoan ẩm thực “Đậm đà hương vị quê hương” và một số hoạt động bổ trợ khác. Lễ hội năm nay được tổ chức không chỉ để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, thưởng thức các món ăn ngon, những đặc sản trái cây nổi tiếng của vùng đất Lái Thiêu trù phú mà còn nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giữ gìn vườn cây, bảo tồn các giống cây trồng ăn quả và hướng đến mục đích khôi phục lại thương hiệu “vườn cây ăn trái Lái Thiêu” đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận An.

Có thể khẳng định rằng, việc tổ chức Lễ hội trái cây năm 2023 với chủ đề “Cầu Ngang Mùa hẹn” là một sự kiện quan trọng; là cơ hội để các nhà vườn, các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, trao đổi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp (đặc biệt là các loại cây ăn trái đặc sản); đây còn là dịp để quảng bá giới thiệu văn hoá, đặc sản của vùng đất và con người Bình Dương nói chung và Thuận An nói riêng đến với đông đảo du khách trong và ngoài thành phố; tạo tiền đề để thành phố Thuận An phát triển loại hình du lịch dã ngoại kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn, hình thành một sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của đông đảo du khách. Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: Chương trình khai mạc lễ hội, hội thi duyên dáng miệt vườn, hội chợ trái cây, hội chợ thương mại, liên hoan ẩm thực “Đậm đà hương vị quê hương” và một số hoạt động bổ trợ khác. Lễ hội năm nay được tổ chức không chỉ để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, thưởng thức các món ăn ngon, những đặc sản trái cây nổi tiếng của vùng đất Lái Thiêu trù phú mà còn nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giữ gìn vườn cây, bảo tồn các giống cây trồng ăn quả và hướng đến mục đích khôi phục lại thương hiệu “vườn cây ăn trái Lái Thiêu” đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận An.

Trong Chương trình khai mạc lễ hội, người dân và du khách thập phương có dịp thưởng thức chương trình biễu diễn nghệ thuật chủ đề “Cầu Ngang mùa hẹn” do Đội Nghệ thuật quần chúng - Trung tâm Văn hoá Thông tin – Thể thao thành phố biễu diễn gồm các tiết mục như: Tháng năm về; Khúc hát trên quê hương mùa hẹn; Thuận An quê tôi; Về quê anh Thuận An; Cầu ngang mùa hẹn; Thuận An thành phố Tôi yêu – Thuận An ngày mới.

Chương trình biểu diễn tại Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra một số hoạt động sôi như: Giải việt dã Thuận An mở rộng với chủ đề “Cung đường vườn cây trái”; hội thi “Duyên dáng miệt vườn”; hội thi sáng tác ảnh đẹp “Sắc màu mùa trái chín” với hình thức thi ảnh nhanh; trưng bày không gian ảnh đẹp “Thuận An Đất và Người”; hội thi vẽ tranh “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi”…Bên cạnh các hoạt động nêu trên, tại khu vực sân khấu chính của lễ hội còn diễn ra chương trình ca múa nhạc hàng đêm và tại khu vực bờ kè Cầu Ngang Ban tổ chức cũng đã tổ chức chương trình giao lưu đờn ca tài tử và âm nhạc đường phố hàng đêm để phục vụ du khách tham quan lễ hội.

Thông qua Lễ hội lần này, UBND thành phố Thuận An mong muốn các đơn vị chức năng của thành phố tăng cường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các nhà vườn để cùng chung tay góp sức khôi phục lại thương hiệu du lịch Cầu Ngang - Lái Thiêu nổi tiếng trước đây. Cũng nhân dịp này, Uỷ ban nhân dân thành phố kêu gọi các hộ nông dân, nhà vườn trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực để cùng với chính quyền địa phương tiếp tục duy trì, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản quý báu của địa phương; đặc biệt, bà con cần thay đổi tư duy, hình thức kinh doanh, thân thiện trong phục vụ du khách tránh tình trạng nâng ép giá, cò mồi..; góp phần giữ gìn và xây dựng một hình ảnh thân thiện, nhiệt tình, mến khách để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với vùng đất Lái Thiêu nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

                                Một trong những gian hàng trái cây tại Lễ hội

Nhìn chung, công tác tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2023 có sự phối hợp chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, đơn vị có liên quan, đảm bảo theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của UBND thành phố, góp phần quan trọng vào thành công của lễ hội năm nay. Công tác thông tin, tuyên truyền cho lễ hội được quan tâm thực hiện. Ban Tổ chức đã in treo 500 baner dọc, 10 tấm băngrôn ngang đường và lắp đặt 10 bảng panô tại khu vực tổ chức lễ hội và trên các tuyến đường trung tâm thành phố. Thực hiện tuyên truyền trên màn hình led trước UBND thành phố, trên Cổng thông tin điện tử thành phố, xe tuyên truyền lưu động trước và trong suốt thời gian diễn ra lễ hội... Đài truyền thanh thành phố đã xây dựng chuyên mục tuyên tuyền về các hoạt động của lễ hội. Báo Bình Dương cũng đã phối hợp đưa tin, bài về các hoạt động của lễ hội. Ngoài ra Ban tổ chức cũng đã in phát 5.000 tờ rơi cho đại biểu và du khách tham quan lễ hội, thường xuyên đăng tin về các hoạt động lễ hội trên các mạng xã hội (zalo, fanpage, facebook…), thực hiện video clip tuyên tuyền hoạt động lễ hội.

Lễ hội còn là cơ hội để các nhà vườn, các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, trao đổi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp (đặc biệt là các loại cây ăn trái đặc sản); đây còn là dịp để quảng bá giới thiệu văn hoá, đặc sản của vùng đất và con người Bình Dương nói chung và Thuận An nói riêng đến với đông đảo du khách trong và ngoài thành phố; tạo tiền đề để thành phố Thuận An phát triển loại hình du lịch dã ngoại kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn, hình thành một sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của đông đảo du khách.

Với không khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội năm nay, nhiều bà con, du khách rất mong muốn thành phố Thuận An tiếp tục duy trì tổ chức lễ hội hàng năm để người dân và du khách có dịp vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hoá tinh thần. Qua đó cũng để góp phần giữ gìn và xây dựng một hình ảnh thân thiện, nhiệt tình, mến khách để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với vùng đất Lái Thiêu nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung.

                                                                   Nhật Khánh – Phòng VH&TT Thuận An