Lễ hội chùa Bà - Điểm đến du lịch lễ hội tại Bình Dương

Chùa Bà Bình Dương tọa lạc tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tài nguyên du lịch lễ hội tại Bình Dương phong phú đa dạng từ sự góp phần làm nên những giá trị vật chất như hệ thống các di tích, danh thắng, đình chùa, không gian, địa điểm diễn ra lễ hội cho đến cả một kho tàng văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú đó là những lễ hội, trò chơi dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật ẩm thực, các làng nghề truyền thống, những vườn trái cây đặc sản của Bình Dương,… được người dân Bình Dương sáng tạo và lưu truyền trong quá trình phát triển. Đây là tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, trong đó có du lịch lễ hội. Tại Bình Dương, những lễ hội được nhiều du khách biết đến như: Lễ hội Chùa Bà (Lễ hội Rằm tháng Giêng), lễ hội Chùa ông Ngựa, Lễ hội kỳ yên đình thần Tân An, đình thần Dĩ An, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Bạch Đằng, lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng, Tuần lễ văn hóa, ẩm thực Bình Dương… Trong đó, Lễ hội Chùa Bà Bình Dương (Lễ hội Rằm tháng Giêng) nổi tiếng là lễ hội có quy mô lớn, có đám rước kiệu Bà linh đình nhất ở Bình Dương.

  1. Lịch sử hình thành chùa Bà Bình Dương

Chùa Bà Bình Dương tọa lạc tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được các bang người Hoa xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX và được trùng tu vào năm 1923. Đến năm 2014, để đáp ứng nhu cầu chiêm bái của số đông lượng du khách hành hương đến chùa viếng Bà Bình Dương, chùa Bà được xây dựng thêm cơ sở thờ tự tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.    

Chùa thờ bà Thiên hậu Thánh mẫu. Theo truyền thuyết, Bà có tên là Lâm Mỵ Châu, quê huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, sinh vào thời nhà Tống ở Trung Quốc, một hôm, đang ngồi trên khung cửi dệt vải, Lâm Mỵ Châu bỗng dừng tay thoi, rồi bảo với mẹ rằng cha và anh của nàng đang gặp nạn ngoài biển khơi. Nghe con nói bà bàng hoàng nhưng vẫn chưa tin. Mấy ngày sau, hai người con trai mình trần, tay trắng sống sót trở về, còn người cha thì bặt vô âm tín.

Từ đó, Lâm Mỵ Châu dần nổi tiếng có tài tiên đoán về thời tiết, gió bão trên biển khơi nên đã giúp cho ngư dân thoát được nhiều cơ nguy, hiểm nghèo. Do mệnh yểu nàng từ giả cõi trần năm ngoài 20 tuổi, và sau đó trở thành hiển linh. Truyền thuyết dân gian kể rằng: Bà thường khoác bộ y phục màu nâu, bay lượn trên biển để cứu những đoàn thuyền bè lâm nạn trên biển. Do công đức ấy mà về sau, Bà được vua Khang Hy đời nhà Thanh phong chức Thiên hậu Thánh Mẫu và được nhân dân vùng ven biển Phúc Kiến (Trung Quốc) tôn thờ như bậc hiển thánh.

Những người Hoa di cư sang Việt Nam vào những thế kỷ trước, tuyệt đại đa số đều đi bằng thuyền, và trong hành trình nhiều ngày trên biển, họ thường khấn vái Bà Thiên hậu, mong được Bà phù hộ cho “Đi đến nơi, về đến chốn” Trong quá trình định cư trên vùng đất mới, những người Hoa thuộc các bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ làm ăn ngày một phát đạt, đời sống ổn định. Nhớ đến công ơn của Bà, họ đã lập đền để thờ Bà. Theo tập quán, hàng năm lễ cúng vía Bà vào ngày 23 tháng 3, nhưng lễ hội có quy mô lớn, có đám rước linh đình nhất ở Bình Dương lại diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng với hàng chục ngàn người về tham dự lễ hội. Đây là lễ hội có sự tham dự đông đúc của du khách đến từ các tỉnh, thành phố lân cận. Du khách tham dự lễ hội, ngoài lễ vật dâng cúng Bà, còn có tập quán mang về lễ hội nhiều đoàn múa Lân, Sư,  Rồng, Hẫu…góp phần tạo nên không khí đặc trưng của lễ hội Chùa Bà Bình Dương.

  1. Lễ hội và Nghi thức rước kiệu Bà

Hàng năm, ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, khi dư âm của những ngày Tết Nguyên Đán vẫn còn, thì một không khí nhộn nhịp, bận rộn, vui tươi chuẩn bị cho một mùa lễ hội bắt đầu. Ngay từ những ngày mùng 4, 5 tháng Giêng, du khách ở các tỉnh xa đổ về chùa Bà Bình Dương để vía Bà. Vì vậy, các nhà hàng, khách sạn, quầy giải khát, được trang hoàng, sửa sang để đón du khách làm cho hai bên đường của thành phố Thủ Dầu Một trở nên rực rỡ hơn. Đặc biệt những của hàng bán trái cây, hoa tươi, nhang đèn đầy ắp hàng hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách hành hương về dự lễ hội chùa Bà. Trong những năm gần đây, lễ hội chùa Bà Bình Dương còn được biết đến là lễ hội “miễn phí” với sự tham gia của các cấp chính quyền, cá nhân, tổ chức, đoàn, hội phục vụ chỉ dẫn, giữ xe, tặng thức ăn và nước uống miễn phí cho du khách đến tham dự lễ hội.

Hội mở đúng vào ngày rằm tháng Giêng nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới, trên đường phố, người và xe cộ đi lại tấp nập. Du khách từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh gần xa nườm nượp đổ về chùa Bà. Đến khoảng ngày 13, 14 tháng Giêng được xem là thời cao điểm của lễ hội, hàng chục ngàn người ở các ngã đường di chuyển về chùa Bà để tham dự Lễ hội lớn. Hàng chục đoàn múa Lân, Sư, Rồng, Hẫu của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh (mỗi đoàn trung bình từ 30, 40 người, có khi đến cả trăm người) rộn ràng trong tiếng trống, tiếng phèng la, làm cho không khí trước ngày hội trở nên tưng bừng, náo nhiệt.

Lễ cúng vía Bà được tiến hành vào lúc nữa đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15, Vị Chánh tế chủ trì buổi lễ do 4 bang người Hoa ở Bình Dương (Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ) cử ra theo chế độ luân phiên từng năm. Ngôi chùa được trang hoàng cờ phướn, lồng đèn rực rỡ từ tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn to, trang trí đẹp, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, treo thành một hàng dài trước sân chùa làm cho cảnh hội thêm lộng lẫy. Những lồng đèn này được đem đấu giá để lấy tiền làm việc công ích (y tế, giáo dục, Văn hóa) và công tác từ thiện ở địa phương. Người chiến thắng đấu giá được xem là nhận lộc Bà, mang chiếc lồng đèn về treo trong nhà, cơ quan, xí nghiệp như một niềm vinh dự, tượng trưng cho sự may mắn, hanh thông.

Chùa Bà tọa lạc trên đường cách mạng tháng Tám, Sau khi vào cổng tam quan là sân chùa rộng 60 mét có đặt 4 lư hương lớn ở giữa sân chùa để du khách thập phương thắp hương. Lễ vật cúng Bà trong ngày lễ hội thường là heo quay nguyên con, gà, vịt, xôi, bánh và hoa quả. Sau lễ cúng Bà, du khách tham gia vui chơi, thưởng thức biểu diễn Lân, Sư, Rồng, Hẫu hoặc dự lễ hội ở chùa Ông Ngựa cách đó chừng vài trăm mét. Vào lúc bế mạc lễ hội, khi chiếc lồng đèn cuối cùng được lấy xuống sẽ là lúc đoàn lân từ cổng tam quan di chuyển vào sân chùa biểu diễn để “chúc Bà” trong tiếng trống, tiếng phèn la vang dội và tiếng reo hò không dứt của người tham dự lễ. Đầu giờ chiều ngày 15, nghi thức rước cộ bà uy nghi bắt đầu cuộc diễu hành qua các tuyến đường của thành phố Thủ Dầu Một. Đi đầu trong đoàn rước cộ Bà là 4 con Hẫu “mở đường của Bang Phúc Kiến” với khoảng 60 thanh niên theo sau, mặc đồng phục, mang cờ hiệu, kiếm và thanh long đao, tiếp theo là xe chở bộ tứ “Tây Du Ký”, các đoàn lân, sư, rồng biểu diễn xen kẻ các đội gánh cờ, gánh hoa, biểu diễn âm nhạc. Cộ Bà có bốn mái, hai tầng lộng lẫy sơn son thếp vàng, bên trong có đặt bài vị do 8 chàng trai khênh, trang phục uy nghiêm. Đi liền phía trước cộ Bà có 2 chiếc bàn nhỏ đặt chiếc lư hương có cắm 3 cây hương trường đang cháy, phía sau cộ Bà là những người trong ban quý tế, lễ phục uy nghiêm, có đoàn lân theo phía sau hộ vệ.

Đi cạnh 2 bên cộ Bà có 4 người, mỗi bên 2 người mặc lễ phục làm nhiệm vụ đổi nhang cho du khách 2 bên đường đoàn cộ Bà đi qua. Đây là 1 tập tục ít thấy ở các đoàn rước cộ khác. Người đi bên cộ nhận những cây nhang đốt sẵn từ du khách đứng ở 2 bên đường để cắm vào lư hương cúng Bà, rồi lấy cây nhang đang cháy khách từ lư hương trao lại cho người vừa đưa nhang. Theo quan niệm của họ thì đây là cách nhận lộc của Bà.

Theo sau đoàn rước cộ Bà là du khách và người dân địa phương. Đoàn rước cộ Bà kéo dài nhiều kilomet, phủ kín các ngã đường. Hai bên đường đoàn rước cộ đi qua, người dân có đặt 1 cái bàn phía trước nhà đặt hương hoa, trái cây để cúng bà, khi tiếng trống của đoàn cộ gần đến người dâng thắp hương để cúng bà.

Khoảng 6 giờ chiều thì đoàn rước cộ về đến chùa Bà, khi cộ Bà đi vào sân chùa thì tiếng trống, tiếng phèn la một lần nữa vang lên rộn rã báo hiệu lễ rước cộ Bà được kết thúc.

Tạm kết:

Thông qua lễ hội Chùa Bà Bình Dương, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển đồng thời tạo việc làm, mang lại thịnh vượng cho đời sống tinh thần và vật chất của người dân địa phương. Hơn thế nữa, lễ hội Chùa Bà làm cho điểm đến hấp dẫn hơn bằng cách thu hút khách du lịch đến điểm để tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về giá trị văn hóa của vùng đất Bình Dương thông qua lễ hội Chùa Bà Bình Dương. Lễ hội chùa Bà Bình Dương là tiềm năng rất lớn để tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của Bình Dương - Vùng đất hội tụ nhiều nguồn giá trị văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển.

 

Hồ Minh Thiện (TTXTDL)