Miếu Mộc Tổ
Nghề mộc là một trong ba ngành nghề thủ công truyền thống như: gốm sứ, sơn mài đã tồn tại lâu đời trên đất Thủ - Bình Dương, gắn liền với chiều dài lịch sử hình thành và phát triển vùng đất hơn 300 năm. Nghề mộc đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Kể từ khi hình thành cho đến nay, với những gì ngành nghề đem lại, từ lợi nhuận kinh tế đến vẽ đẹp độc đáo được tạo ra trên sản phẩm khiến cho con cháu và đặc biệt là những người đã sinh ra và lớn lên trong ngành nghề này không thể không lập miếu để thờ phụng và tôn vinh người đã có công sáng lập ra ngành nghề.
Đặc biệt, nghề mộc ở đây đã được dựng lên ngôi miếu để thờ tổ nghề gọi là Miếu Mộc Tổ. Ngôi miếu được xây dựng vào năm 1944, do chính các nhà doanh nghiệp ngành mộc đứng ra vận động trong giới nghề thành lập. Hiện ngôi miếu tọa lạc tại khu 2 - khu phố Long Thới, phường Lái Thiêu, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Với diện tích 89,74m2. Miếu được xây dựng theo kiểu nhà dân gian gồm ba gian, hai mái. Với xuyên trính được làm bằng gỗ, cột, tường, xây bằng gạch, xi măng, mái lợp ngói vãy cá, nền lót gạch tàu. Phía trước, ôvăng đổ bê tông cốt thép co tạo dốc, thành mái chắn với bốn cột trụ đổ bằng bê tông tạo thêm hành lang rộng rãi thoáng mát. Trên ôvăng có đắp ba chữ “ Miếu Mộc Tổ” chữ được sơn bằng màu đỏ. Trong miếu, với gian chính thờ Lỗ Ban Tiên Sư, hai gian hai bên là thờ tả ban và hữu ban. Bàn thờ chính được làm bằng gỗ với những hoa văn chạm khắc tinh xảo thể hiện sự phát triển của ngành nghề mộc rất cao.
Ngôi miếu đã để lại dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển của nghề mộc và sơn mài trên đất Bình Dương. Miếu Mộc Tổ được xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 2 tháng 06 năm 2004 của UBND tỉnh Bình Dương. Tổng diện tích là 145.69m2.