Nét đẹp miếu Bà Bình Nhâm

Miếu Bà Bình Nhâm là ngôi miếu cổ tọa lạc tại KP. Bình Phước, P. Bình Nhâm, TP. Thuận An. So với những ngôi miếu khác, miếu Bà Bình Nhâm về vẻ đẹp trong kiến trúc cũng như vẻ bề thế đều có thể được xếp vào hàng nhất tỉnh. Miếu Bà được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 22/12/2018.

 

binh duong image

Miếu Bà Bình Nhâm được xây dựng từ năm 1914, do sự chung tay đóng góp của bà con trong vùng. Miếu được dựng lên, thờ Bà Chúa Xứ để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân khi cần đấng thần linh che chở cho nhân dân, bảo vệ quê hương xóm ấp. Ban đầu, miếu chỉ có gian chánh điện. Năm 2002, dưới sự phát động của Ban Trị sự, miếu Bà Bình Nhâm được nhân dân trong vùng xây dựng lại khang trang, to đẹp và có kiến trúc như hiện nay. Là một trong số ít ngôi miếu có tuổi đời hơn 100 năm, đi qua hai cuộc chiến tranh, chứng kiến sự đổi thay của quê hương đất nước, miếu Bà Bình Nhâm thực sự là một nhân chứng lịch sử, là nơi lưu giữ nhiều giá trị về văn hóa.

binh duong image

Miếu Bà Bình Nhâm. Ảnh: Đ.T

Nét đẹp kiến trúc

Miếu Bà Bình Nhâm là một trong số ít ngôi miếu có bề ngoài bề thế; kiến trúc miếu theo kiểu sắp đọi, gồm hai nếp nhà xếp liền nhau gồm gian trong là gian Chánh điện và ngoài là gian Võ ca. Gian chánh điện - nơi đặt các trang thờ Bà, Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, mái lợp ngói âm dương được nâng đỡ bằng 4 cột gỗ lớn có tuổi đời cả trăm năm. Gian Võ ca - nơi để các đoàn hát bóng biểu diễn, được xây dựng sau này với kiến trúc mới hơn. Các cột kèo trong gian Võ ca được đắp bằng xi măng, mái lợp ngói ống kiểu Trung Quốc, diềm ngói và hàng ngói men xanh. Nóc mái đắp nổi hình thuyền, trên có gắn tượng lưỡng long chầu nguyệt bằng gốm men xanh. Dọc theo đường bờ nóc là các tượng tráng men nhiều màu sắc: Ông mặt trời, bà mặt trăng, cá hóa rồng tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc, thiêng liêng. Kiến trúc miếu Bà là sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại; là sự kết hợp độc đáo của gỗ và gạch ngói tạo nên một chỉnh thể đẹp dưới vườn cây râm mát.

binh duong image

 

Nội điện miếu Bà Bình Nhâm. Ảnh: Đ.T

Vào sâu bên trong, nội điện miếu Bà trang trọng với những bức hoành, những cặp câu đối, những khám thờ sơn son thếp vàng. Ở mỗi bức hoành, mỗi câu đối, mỗi khám thờ đó lại thể hiện sự tài hoa của người Bình Dương với những đường nét chạm khắc gỗ tinh xảo thể hiện các đề tài về tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) cùng các hoa văn về hoa sen, sóng nước. Một nghề thủ công truyền thống nữa của Bình Dương cũng được nhắc nhở tại đây là nghề gốm với các vật phẩm: Lư hương, bình bông, chân đèn... cùng nghệ thuật cẩn gốm tạo hoa văn trang trí. Vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ hay nghệ thuật làm gốm, tất cả hòa quyện tạo nên một không khí linh thiêng, trầm mặc trong nội điện.

Lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa

Miếu thờ không chỉ là nơi nhận những lời cúng lễ mà còn là nơi gắn kết con người với thần linh, con người với con người qua hội hè đình đám. Hàng năm, lễ hội cúng miếu Bà Bình Nhâm diễn ra từ tối ngày 13-8 đến trưa ngày hôm sau. Mặc dù lễ cúng ở miếu đơn giản hơn ở đình nhưng Ban quý tế đã làm rất trọng thể với các lễ An vị, lễ Túc yết. Nhưng chương trình chiếm nhiều thời gian nhất, được mong đợi nhất, thể hiện rõ nhất sự khác biệt của cúng miếu với cúng đình là Hát bóng rỗi và chặp Địa Nàng.

Hát bóng rỗi là nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo và khá phổ biến trong nghi lễ cúng miếu Bà. Là nghệ thuật nhưng Hát bóng rỗi cũng là một nghi thức để dâng lời ca, điệu múa cùng lễ vật để làm vui cho Bà. Vào mỗi năm cúng, Ban Trị sự miếu Bà Bình Nhâm đều tổ chức hát Bóng. Điểm đặc biệt hơn miếu Bà Bình Nhâm ghi dấu sự đóng góp và sự gắn bó suốt hơn 30 năm của một cây đại thụ trong nghệ thuật hát Bóng Bình Dương nói riêng, Nam bộ nói chung là Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Đón (3 Đón). Nghệ nhân dân gian Lê Thị Đón được phong tặng là Nghệ nhân ưu tú năm 2015, tiếc rằng bà cũng đã mất vào cuối năm này. Hát bóng từ năm 13 tuổi, bà đã có hơn 80 năm trong nghề. Những năm cuối đời, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vào dịp cúng miếu Bà, bà nhất định phải tới đứng làm Bóng Cả để khai tràng, chầu mời thỉnh tổ mở đầu cuộc hát Bóng. Bà còn cẩn thận nhờ con cháu chở tới miếu từ tối ngày 13-8 để sớm ngày 14 vào đám hát sớm. Người dân Bình Nhâm vẫn nhớ như in và cảm động hình ảnh cụ bà nhỏ thó, mái tóc bạc trắng như cước, giản dị bên nhang án Hội đồng.

Hát bóng rỗi ở miếu gồm Rỗi vào đám; rỗi mời Bà (3 xấp), rỗi mời Ông (Quan Thánh Đế Quân cùng hai người con của mình là Châu Xương và Quan Bình); rỗi mời Cô; rỗi mời Cậu; rỗi mời Tiên ở bàn Tổ; rỗi mời Chiến sĩ, rỗi An vị. Tiếng hát rỗi, khi thì thánh thót vút cao, lúc lại nỉ non ai oán tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc và thu hút người nghe. Tiết mục đông khán giả nhất và làm không khí trong miếu trở nên rộn ràng nhất là “múa bóng” gồm các tiết mục: Múa dâng chén bông, múa dâng lộc, múa dâng bông huệ, múa trống chầu đẹp mắt, vừa đủ tính trang trọng của một nghi lễ, vừa gần gũi với đời sống thường ngày, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Một phần không thể thiếu để tạo nên một lễ cúng trọn vẹn là chặp tuồng Địa Nàng. Đây là một chặp bóng - tuồng hài hước. Hoạt cảnh mà hai nhân vật Địa, Nàng cùng ứng tác: Địa đòi ăn, Địa đau đẻ, Địa chấm chè tạo nên tiếng cười sảng khoái cho người xem.

Trong tâm thức mỗi người dân chúng ta, tính Mẹ luôn đồng nhất với sự thiêng liêng, sự chở che, bảo bọc. Có lẽ vì vậy mà người ta tìm tới miếu Bà để giải bày nỗi niềm, để tìm sự an ủi, yên bình, để cầu xin những điều mà vì những giới hạn của bản thân trong cuộc sống con người không thể vượt qua được. Năm tháng qua đi, miếu Bà Bình Nhâm đã và đang chứng kiến, tích trữ, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh cho những thế hệ mai sau.

Theo:baobinhduong.vn