Ngành du lịch Bình Dương: Sớm giải quyết vấn đề nguồn nhân lực
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành du lịch Bình Dương đang có những bước phát triển mạnh mẽ, các dịch vụ phục vụ cho du lịch đang được đầu tư và triển khai đồng bộ. Để ngành này phát triển ổn định, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, hiện nay nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh vừa thiếu lại vừa yếu, chưa đủ sức để khơi dậy tiềm năng du lịch tỉnh nhà.
Chia sẻ tại hội thảo khoa học “Du lịch Bình Dương nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh), cho rằng năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo về du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chương trình đào tạo còn thiếu thực tế và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. “Một điểm nhận thấy rõ ràng nhất là trong năm 2018, Bình Dương đăng cai tổ chức Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis). Việc hướng dẫn các đại biểu dự hội nghị cũng như tham quan du lịch vẫn phải huy động lực lượng tình nguyện viên để đáp ứng nhu cầu dịch thuật, trao đổi thông tin”, Giáo sư Thêm cho biết.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, cùng với việc triển khai Đề án phát triển du lịch tỉnh đến 2025, định hướng đến 2030, ngành du lịch sẽ từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ cho phát triển du lịch như lữ hành, vận chuyển, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao… Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết đối với nguồn nhân lực, sở sẽ tăng cường khâu thực hành để các học sinh, sinh viên tiếp cận thực tế nhiều hơn; đồng thời đào tạo các kỹ năng mềm trong phục vụ du khách và nâng cao trình độ ngoại ngữ không chỉ cho học sinh, sinh viên mà còn cho đội ngũ giảng dạy, cán bộ quản lý du lịch. Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị kinh doanh du lịch để đội ngũ nhân lực ngành du lịch tỉnh nhà thích nghi nhanh với tình hình thực tế.
Theo Tiến sĩ Hồ Văn Tường (trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn), Bình Dương cần khuyến khích các tổ chức quốc tế thành lập trường đào tạo du lịch tại tỉnh; liên kết giữa doanh nghiệp du lịch, trường nghiệp vụ để xây dựng các mô hình đào tạo ngắn hạn, trung hạn về du lịch; đồng thời tăng thời lượng thực hành, trình độ ngoại ngữ cho sinh viên.
Cần linh hoạt và ứng dụng công nghệ mới
Theo Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, yêu cầu mỗi năm cả nước phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng tương tự. Thực tế, mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch trong cả nước chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Dự báo trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 25 - 35%/năm và theo kế hoạch đến năm 2020, ngành kinh tế du lịch cần khoảng trên 2 triệu lao động chất lượng cao.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, cho biết thực hiện định hướng đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Tổng cục Du lịch đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác đào tạo, cấp thẻ và tăng số lượng hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những biện pháp linh hoạt, không cứng nhắc trong công tác quản lý, đào tạo và cấp thẻ cho hướng dẫn viên. Về phía Tổng cục Du lịch, cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ mới trong việc cung cấp dịch vụ, thông tin điểm đến cho du khách.
Hiện nay, ngành du lịch Bình Dương đã xây dựng website quảng bá du lịch (dulichbinhduong.org.vn) để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Dương đến với du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết trong năm 2018, website đã nhận được hơn 150.000 lượt khách truy cập tìm kiếm thông tin du lịch. Từ khi website này đi vào hoạt động đến nay đã có hơn 458.000 lượt khách truy cập.
Ông Lương Thiện Nhân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy Châu (Khu du lịch sinh thái Thủy Châu, TX.Dĩ An), chia sẻ hiện nay, thông qua các trang mạng xã hội giúp cho các công ty, đơn vị du lịch quảng bá về hoạt động du lịch của mình nhanh hơn do sức lan tỏa của Facebook, Zalo… là rất lớn. Đồng thời, qua các trang mạng xã hội, đơn vị kinh doanh du lịch cũng nhận lại những thông tin phản ánh của du khách ngay lập tức qua các phản hồi. Đây là biện pháp rất tốt để tỉnh cũng như các điểm du lịch có thể tăng du khách, đồng thời khắc phục những điểm thiếu sót để phục vụ du khách tốt hơn.
theo baobinhduong.vn
Bài viết tiếp theo
Những sự kiện du lịch hấp dẫn diễn ra ở tháng 3
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch
Món ngon Phú Giáo
Độc đáo làng nghề truyền thống ở Bình Dương
Bài viết liên quan
Xã Định An, huyện Dầu Tiếng thúc đẩy phát triển du lịch qua nhiều hoạt động
Quảng bá thông tin Du lịch Bình Dương trên nền tảng Thư viện số
Lễ tổng kết và trao giải “Cuộc thi sáng tác video clip giới thiệu về Du lịch Bình Dương năm 2024”
Huyện Dầu Tiếng phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch