Núi Cậu - Hồ Dầu Tiếng: Đánh thức tiềm năng du lịch
Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Khu du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) tiếp đón trên 27.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, viếng chùa. Kết quả khả quan này đang mở ra cơ hội cho khu du lịch này phát triển mạnh trong thời gian tới.
Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng là một danh thắng được kết hợp giữa sông, nước và núi. Với địa thế tiền thủy, hậu sơn đã tạo nên cho khu du lịch này nét hiền hòa, êm ả với một bên là lòng hồ trong mát, bên cạnh bức bình phong hùng vĩ của rừng núi thiên nhiên. Nơi đây đang được nhiều du khách chọn đến tham quan, vui chơi, giải trí và viếng chùa.
Khách tham quan Khu du lịch núi Cậu Dầu Tiếng. Ảnh: HỒNG NGA
Khu du lịch núi Cậu - hồ Dầu Tiếng có các công trình, địa danh được nhiều du khách quan tâm, như chùa Thái Sơn nằm lưng chừng núi ở độ cao khoảng 50m. Chùa được xây dựng vào năm 1988, với khuôn viên trên 5 ha. Vào các ngày lễ Phật Đản, các ngày rằm lớn trong năm, có rất đông khách thập phương về đây cúng bái. Trong những ngày đầu xuân, rất nhiều du khách đổ về viếng chùa, thắp nén nhang cầu nguyện những điều tốt lành cho cuộc sống, đồng thời kết hợp với dã ngoại, thư giãn sau một năm mưu sinh. Khu núi Cậu có nhiều chủng loại thảm thực vật phong phú và rừng phòng hộ rộng. Còn hồ Dầu Tiếng được bao bọc bởi một khu rừng trúc và các thảm thực vật hoang dã xen kẽ lẫn nhau.
Nằm về hướng Nam - Tây Nam, dưới chân núi Cậu, theo dòng nước chảy qua khe đá và rừng trúc dọc sườn núi, tại đây có một thác nước chảy chen qua các tảng đá rồi đổ xuống một trũng nước hình tròn có độ sâu khoảng 3m, đường kính khoảng 10m, được đặt tên là hồ Than Thở. Dòng suối len mình giữa bạt ngàn cây trúc thiên nhiên nên được đặt tên là suối Trúc. Tại khu vực này, có một khoảng đá rộng tương đối phẳng với hàng ngàn hòn đá lớn nhỏ được thiên nhiên sắp đặt như những bàn ăn thiên nhiên lý tưởng. Đây cũng là nơi được nhiều du khách đặt lều cắm trại.
Còn nằm về hướng Tây - Tây Bắc của khu du lịch là lòng hồ Dầu Tiếng. Đây là một công trình thủy lợi rộng lớn với diện tích trên 27.000 ha và 1,5 tỷ m3 nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Với trữ lượng nước lớn, hồ Dầu Tiếng có khả năng tưới tiêu cho hàng trăm ngàn ha đất ruộng và hoa màu của một vùng rộng lớn, gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, khu vực lòng hồ Dầu Tiếng còn được người dân nuôi trồng thủy sản với nhiều loại cá khác nhau. Với khung cảnh sông nước hữu tình, trữ lượng thủy sản khá lớn và phong phú, hồ Dầu Tiếng được nhiều bạn trẻ chọn đến thưởng lãm, câu cá, du thuyền, dã ngoại.
Ông Trần Tống Định, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Dầu Tiếng, cho biết bảo tồn danh thắng núi Cậu và lòng hồ Dầu Tiếng là bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, gìn giữ di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái lý tưởng. Danh thắng núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - Danh thắng cấp tỉnh theo Quyết định số 3566/QĐ- UBND ngày 17-8-2007. Hiện nay, núi Cậu nằm trong khu vực rừng phòng hộ nên được ngành kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt. Hồ Dầu Tiếng được Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước và luôn bảo đảm an toàn cho hồ.
Hiện nay, huyện Dầu Tiếng đang kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực đầu tư phát triển du lịch tại khu di tích danh thắng núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng nhằm quảng bá, phát triển du lịch của huyện nhà. Ngày 21-9- 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2413/QĐ-UBND về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư, với quy mô sử dụng đất 1.232 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.544 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2015 đến 2023. Dự án này sẽ là điểm nhấn phát triển du lịch của huyện Dầu Tiếng trong tương lai.
Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo môi trường du lịch sinh thái, qua đó nâng cao vị thế du lịch của huyện Dầu Tiếng trên bản đồ du lịch của tỉnh, góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương là định hướng đúng đắn của huyện Dầu Tiếng.
Theo: baobinhduong.vn
Bài viết tiếp theo
Bình Dương ẩm thực đa dạng
Kỳ lạ một điểm du xuân toàn dịch vụ... miễn phí!
Phát huy tiềm năng du lịch
Quán ăn ngon Bình Dương
Bài viết liên quan
Xã Định An, huyện Dầu Tiếng thúc đẩy phát triển du lịch qua nhiều hoạt động
Quảng bá thông tin Du lịch Bình Dương trên nền tảng Thư viện số
Lễ tổng kết và trao giải “Cuộc thi sáng tác video clip giới thiệu về Du lịch Bình Dương năm 2024”
Huyện Dầu Tiếng phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch