Tổ chức tour du lịch phục vụ đại biểu tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis 2018

Vừa qua, vào sáng ngày 27/11/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương giao cho Trung tâm Xúc tiến Du lịch phối hợp với Công ty Du lịch Sông bé tổ chức tour tham quan, tìm hiểu về văn hóa vùng đất Bình Dương cho các đại biểu tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis 2018.

binh duong image

Tour du lịch đưa gần 60 du khách tham quan 4 địa điểm tại Thủ Dầu Một bao gồm, Sơn mài Định Hòa, Chùa Hội Khánh, Nhà cổ ông Trần Văn Hổ và Chùa Bà Bình Dương:

binh duong image

Cơ sở Sơn mài Định Hòa (Thuộc Làng sơn mài Tương Bình Hiệp - là tên một làng nghề làm sơn mài truyền thống đã được kế tục và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước về chất lượng và sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông, ngày 6/4/2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1328/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

binh duong image

Đoàn tham quan và chụp ảnh tại Di tích Chùa Hội Khánh, đây là ngôi chùa Toạ lạc tại số 35 Yersin, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một (bên tay trái quốc lộ 13, hướng từ Sài Gòn về Bình Dương). Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII (1741), nằm giữa một rừng dầu và là ngôi chùa lâu đời nhất tại Bình Dương. Chùa được trùng tu và xây dựng thêm tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập Niết Bàn cao 12m, dài 52m. Là một công trình tôn giáo mang tính chất lịch sử và mỹ thuật cao, được tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ công nhận là tượng Phật nằm dài nhất Châu Á, đồng thời cũng dài nhất Việt Nam.

binh duong image

Điểm đến thứ ba là Nhà cổ ông Trần Văn Hổ, ngôi nhà tọa lạc số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ Sứ thời thuộc Pháp. Công trình được thân sinh ông Đẩu là cụ Trần Văn Lân (tương truyền cụ Lân giỏi chữ nho và tinh thông khoa địa lý) xây dựng năm Canh Dần (1890), tháng Trọng Xuân (tháng hai), nhằm niên hiệu Thành Thái thứ 02 cách ngày nay (2007) là 115 năm, được công nhận di tích Quốc gia ngày 29/4/1993, tổng diện tích còn lại là 1.296m2

binh duong image

Miếu bà Thiên Hậu “Thiên Hậu Cung” mà người dân quen gọi là Chùa Bà-nơi lễ bái quan trọng tín ngưỡng của đồng bào người Việt gốc Hoa trên đất Thủ Dầu Một, Bình Dương. Miếu Bà hiện nay tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du, thị xãThủ Dầu Một, Bình Dương. Miếu do các ban người Việt gốc Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Các du khách tham quan đều tỏ ra hài lòng về lịch trình và các địa điểm tham quan trong chương trình; bên cạnh đó, họ khá phấn khỏi khi được trải nghiệm tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của tỉnh được thể hiện qua các sản phẩm sơn mài, các công trình kiến trúc nghệ thuật và đời sống tâm linh của người dân Bình Dương. Chuyến tham quan đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, giúp họ khám phá thêm về văn hóa truyền thống của tỉnh Bình Dương bên trong một thành phố đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Được biết, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis 2018 là cơ hội để doanh nghiệp trong nước nói chung và của Bình Dương nói riêng có cơ hội giao lưu, kết nối với mạng lưới đối tác cao cấp, những nhà sáng lập, CEO, lãnh đạo các công ty hàng đầu châu Á, khu vực và toàn cầu, nâng cao khả năng tìm kiếm cơ hội, đối tác phát triển, thúc đẩy thương mại, đầu tư hợp tác giữa Việt Nam, châu Á và thế giới.

Trung tâm Xúc tiến Du lịch